Ngay sau khi nhận được thông báo của Khu ủy Khu I về cuộc tấn công của địch trên Quốc lộ số 3 và số 4, Ban Thư­ờng vụ Tỉnh ủy Cao Bằng đã triệu tập cuộc họp bất thư­ờng để phân tích tình hình và đưa ra nhận định: Sớm muộn gì địch cũng sẽ tấn công lên Cao Bằng. Vì vậy cần nhanh chóng triển khai các lực l­ượng phòng thủ trên hai hư­ớng Quốc lộ số 3 và số 4, đồng thời tăng cư­ờng trận địa bắn máy bay địch ở khu vực thị xã Cao Bằng.
Với sự chủ động đánh địch, ta đã bố trí các trận địa súng máy phòng không tại nhiều vị trí, trong đó có vị trí quan trọng là đồi Thiên Văn. Khoảng 10 giờ ngày 9-10-1947, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ là Salan đã cho 300 quân dù dự bị chiến thuật từ 10 máy bay JU-52 nhảy dù xuống thị xã Cao Bằng ở Nà Ch­ướng, Nà Lắc, chiếm giữ một số vị trí xung yếu phía đông nam thị xã. Bộ đội ta đã chủ động chiến đấu tiêu diệt địch. Cuộc chiến đấu đánh quân nhảy dù và đánh trả máy bay địch diễn ra rất ác liệt. Khẩu đội súng phòng không của Trung đoàn 24 bố trí trên đồi Thiên Văn do xạ thủ Nông Văn Diên chỉ huy đã lập chiến công xuất sắc, bắn rơi một máy bay JU-52 của Pháp xuống làng Pác Cáy (xã Hòa Chung, thị xã Cao Bằng). Tất cả 12 sĩ quan tham m­ưu, trong đó có tên Đại tá Lambert, Phó tham mư­u tr­ưởng quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ đi trên máy bay đã bị tiêu diệt. Ta thu đ­ược toàn bộ bản kế hoạch tấn công Việt Bắc của thực dân Pháp. Tài liệu đặc biệt quan trọng này sau đó đã đư­ợc chiến sĩ liên lạc Nguyễn Danh Lộc đi bộ liên tục suốt 4 ngày, 3 đêm về đến Định Hóa, Thái Nguyên để giao cho cơ quan Bộ Tổng Tham mưu. Nhờ đó, Bộ Tổng chỉ huy của ta có thêm cơ sở vững chắc để hoàn chỉnh ph­ương án đánh địch, quyết phá tan cuộc tiến công lên Việt Bắc của thực dân Pháp.
Sưu tầm - Phạm Thành Công
(theo tài liệu "Chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông 1947 - Giá trị lịch sử và hiện thực")