Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

TIẾP TỤC XÉT XỬ TRỊNH XUÂN THANH TRONG VỤ ÁN THAM Ô TÀI SẢN TẠI PVP LAND

Sáng nay, TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land). Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (52 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam-PVC) tiếp tục hầu toà trong vụ án này với tội danh bị truy tố là tham ô tài sản.

Cùng hầu toà với Trịnh Xuân Thanh có 7 đồng phạm khác gồm: Đào Duy Phong (60 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị PVP Land), Nguyễn Ngọc Sinh (46 tuổi, cựu Tổng Giám đốc PVP Land), Đinh Mạnh Thắng (56 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà), Thái Kiều Hương (45 tuổi, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vietsan), Lê Hòa Bình (64 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty cổ phần Minh Ngân), Nguyễn Thị Kim Thoa (53 tuổi, cựu Kế toán trưởng Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ 1/5 và Công ty cổ phần Minh Ngân) và Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (46 tuổi, trú tại phường 10, quận 3, TP Hồ Chí Minh, làm nghề kinh doanh tự do). Thẩm phán Đặng Thị Thanh Huyền được phân công làm chủ tọa phiên tòa này.
Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa - ảnh TTX Việt Nam
Theo hồ sơ vụ án, từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có chủ trương chuyển tất cả các công ty đầu tư kinh doanh bất động sản về cho Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) quản lý, theo một đầu mối.
Thời điểm này, Lê Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần xây dựng và dịch vụ 1/5 muốn mua dự án Nam Đàn Plaza do PVP Land chiếm 50,5% vốn. Thông qua môi giới của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, ngày 27-3-2010, Bình cùng với 5 cổ đông của Công ty cổ phần dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương ký hợp đồng đặt cọc mua 24 triệu cổ phần với giá hơn 20.000 đồng một cổ phần. Tổng giá trị hợp đồng gần 500 tỷ đồng.
Để mua tiếp số cổ phần còn lại, Thái Kiều Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietsan-Công ty cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương nhờ Đinh Mạnh Thắng kết nối gặp Trịnh Xuân Thanh đề nghị cho PVP Land thoái vốn tại dự án Nam Đàn Plaza. Trịnh Xuân Thanh đồng ý, chỉ đạo Đào Duy Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVP Land đứng ra thu xếp việc mua bán...
Tổng số các bị can đã nhận 49 tỷ đồng là khoản tiền chênh lệch mua cổ phần của PVP Land, trong đó Trịnh Xuân Thanh là người có vai trò quyết định việc cho chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần nói trên, chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc chuyển nhượng với giá thấp hơn thực tế để hưởng tiền chênh lệch.
Quá trình điều tra, do bị can Đặng Sỹ Hùng đã chết nên Viện KSND tối cao đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can này. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh có 6 luật sư đăng ký tham gia bào chữa. TAND TP Hà Nội ra quyết định triệu tập 10 người làm chứng, 3 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 6-2.
Theo Nguyễn Hưng báo CAND

Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

CHÍNH THỨC TUYÊN ÁN ĐINH LA THĂNG VÀ THUỘC CẤP

“Toà án ghi nhận những đóng góp của ông Đinh La Thăng đối với xã hội, nhưng pháp luật phải được tôn trọng. Điều đó thể hiện sự công minh, bình đẳng, không loại trừ bất kỳ ai nếu đã phạm tội. Toà áp một bản án có tình, có lý, đánh giá cả công và tội là sự cảnh báo cần thiết cho sự tùy tiện, lạm dụng quyền lực vi phạm pháp luật gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước và nhân dân”, Chủ tọa nhấn mạnh. Sau khi phân tích, đánh giá vai trò, hành vi và mức độ phạm tội của từng bị cáo, Chủ tọa phiên toà đã tuyên án đối với từng bị cáo.
Sáng 22/1, TAND TP Hà Nội tuyên án ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’’ và ‘‘Tham ô tài sản”.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng mức án 13 năm tù giam vì tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên phạt 14 năm tù tội cố ý làm trái, chung thân tội tham ô.

Tuyên bị cáo Thanh và Thăng mức án trên, HĐXX nhận định: Năm 2010, do việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả, dẫn tới tình hình tài chính của PVC lâm vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng. Thay vì tìm các giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn cho PVC, PVN lại giao PVC gánh vác thêm các khoản đầu tư có nợ xấu và thua lỗ của 5 dự án tại PVFC với giá trị lên tới 793 tỷ đồng.
HĐXX đọc bản tuyên án các bị cáo
Tính đến năm 2011, PVC đã đầu tư tài chính vào 43 đơn vị với tổng giá trị đầu tư 3.460 tỷ đồng/2.500 tỷ đồng vốn điều lệ, làm mất cân đối dòng tiền đầu tư gần 1.000 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính năm 2009, năm 2010 đã được kiểm toán của PVC).
HĐXX cho rằng ông Đinh La Thăng biết rõ PVC đã gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm làm tổng thầu thi công những dự án nhiệt điện lớn.
Trong khi đó, Nghị quyết số 9396/NQ-DKVN của HĐTV PVN phê duyệt phương án thành lập liên doanh tổng thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, theo đó PVC là thành viên đứng đầu liên danh, nhà thầu nước ngoài tham gia được lựa chọn theo hình thức đấu thầu quốc tế.
Dù vậy, bị cáo Thăng vẫn quyết định lựa chọn PVC làm tổng thầu EPC Nhiệt điện Thái Bình 2 - một công trình trọng điểm quốc gia theo hình thức chỉ định thầu.
Mặt khác, trong khi dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được phê duyệt, chưa có thiết kế FEED, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu và một loạt các thủ tục pháp lý khác có liên quan, bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết hợp đồng số 33 và hợp đồng chuyển đổi chủ thể số 4194 với giá trị tạm tính là 1,2 triệu USD.
Việc chọn nhà thầu và ký hợp đồng EPC số 33 trên là làm trái điều 41, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo luật Xây dựng; Điều 17 Nghị định số 12/2009- NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng; Điều 9, 10 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
HĐXX còn cho rằng, hợp đồng 33 giữa PVPower và PVC được lập, ký không đúng quy định của pháp luật, có nhiều nội dung không có, nhất là không có Điều 14 về giá trị hợp đồng và thanh toán; không có phụ lục 2, không có thỏa thuận hợp đồng.Các hợp đồng được lập và ký chưa được HĐTV của chủ đầu tư phê duyệt và Ban QLDA Thái Bình 2 báo cáo PVN vẫn đang đàm phán và chưa đi đến thống nhất tỷ lệ tạm ứng hợp đồng với PVC, nhưng theo đề nghị của PVC, PVN đã chuyển 8.268.000 USD và hơn 1.317 tỷ đồng cho Ban QLDA Thái Bình 2 để tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng. Việc tạm ứng tiền theo hợp đồng 33 và hợp đồng 4194 là làm trái khoản 2, khoản 3, điều 3, Nghị định số 112/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; khoản 2, điều 6 Nghị định số 48/2010/NĐ- CP của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng; khoản 2, khoản 4, điều 10, Quyết định số 190/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN.
Cũng theo nhận định của HĐXX, sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, Trịnh Xuân Thanh và thuộc cấp đã sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Việc sử dụng tiền tạm ứng của dự án Thái Bình 2 làm trái khoản 2, điều 31 Nghị định số 9/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Hội đồng xét xử kết luận: Hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh có đủ dấu hiệu phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3, điều 165, bộ luật Hình sự năm 1999. PVC tại thời điểm được chỉ định thầu trái pháp luật, ký kết hợp đồng EPC số 33 và hợp đồng EPC số 4194 khi chưa đủ điều kiện, tạm ứng vốn trái phép là một doanh nghiệp đang thâm hụt tài chính, không đủ kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn. Điều này đã được các bị cáo Vũ Đức Thuận, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt khẳng định trước tòa, cũng đã được Ban Quản lý dự án và PVPower báo cáo. Cũng cùng thời điểm đó, PVC được PVN chỉ định thầu xây dựng một số dự án khác như Ethanol Dung Quất, Ethanol Phú Thọ, Xơ sợi Đình Vũ… cho đến nay đã được Chính phủ xác định thất thoát thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Mỗi dự án như vậy có nguy cơ trở thành một vụ án, lãnh đạo PVC đang phải đối mặt với nguy cơ điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án hình sự khác.
Đinh La Thăng tại tòa

              + Các bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:
 Ông Đinh La Thăng 13 năm tù; Phùng Đình Thực, cựu Tổng Giám đốc PVN 9 năm tù; Nguyễn Quốc Khánh, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN 9 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN 9 năm tù; Ninh Văn Quỳnh, cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN 7 năm tù; Nguyễn Mạnh Tiến, cựu Phó Tổng Giám đốc PVC 6 năm tù; Nguyễn Ngọc Quý, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị 6 năm tù; Lê Đình Mậu, cựu Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN từ 4 năm 6 tháng tù; Vũ Hồng Chương, cựu Trưởng Ban quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 3 năm tù (án treo); Trần Văn Nguyên, cựu Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 30 tháng tù (án treo); Phạm Tiến Đạt, cựu Kế toán trưởng PVC 4 năm 6 tháng tù; Trương Quốc Dũng, cựu Phó Tổng Giám đốc PVC 17 tháng tù.
+ Các bị cáo bị truy tố về tội tham ô tài sản:
Nguyễn Anh Minh, cựu Phó Tổng Giám đốc PVC 16 năm tù. Bùi Mạnh Hiển, cựu Chánh Văn phòng PVC từ 10 năm tù; Lương Văn Hòa, cựu Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch thuộc PVC 10 năm tù; Nguyễn Thành Quỳnh, cựu Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ Tổng Công ty cổ phần Miền Trung từ 8 năm tù; Lê Thị Anh Hoa, cựu Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa 46 tháng tù (án treo); Nguyễn Đức Hưng, cựu Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban điều hành Vũng Áng-Quảng Trạch 36 tháng tù (án treo); Lê Xuân Khánh, cựu Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch, Ban điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch 36 tháng tù (án treo); Nguyễn Lý Hải, cựu Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch 36 tháng tù (án treo).
 Riêng hai bị cáo: Trịnh Xuân Thanh bị phạt tù chung thân về hai tội: cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản và Vũ Đức Thuận, cựu Tổng Giám đốc PVC 22 năm tù cũng về hai tội danh này.
Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc các bị cáo cấm các vị trí quản lý kinh tế, tài chính trong doanh nghiệp Nhà nước sau 5 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt.
Các bị cáo khác tuy theo mức độ phạm tội mà bị HĐXX buộc bồi thường trong tổng số tiền được xác định thiệt hại gần 120 tỷ đồng. Số tiền này, HĐXX đã buộc ông Đinh La Thăng và bị cáo Trịnh Xuân Thanh bồi thường 60 tỷ đồng.
PV CBĐB

Thứ Hai, 22 tháng 1, 2018

TUYÊN PHẠT BỊ CÁO ĐINH LA THĂNG 13 NĂM TÙ, BỊ CÁO TRỊNH XUÂN THANH CHUNG THÂN

Sáng nay (22/01), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án các bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và các đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’’ và ‘‘Tham ô tài sản”.
Tại bản án sơ thẩm vừa được tuyên, Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định, đây là vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm. Hầu hết các bị cáo đều là cán bộ chủ chốt, được Nhà nước và nhân dân giao quản lý nguồn tài nguyên quốc gia, giao thực hiện dự án công trình trọng điểm. Tuy nhiên, lợi dụng vị thế và đặc thù, ưu đãi của tập đoàn dầu khí, vì động cơ khác nhau mà các bị cáo, đứng đầu là bị cáo Đinh La Thăng, đã thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước và để lại nhiều hệ luỵ.
Về hành vi tham ô tài sản, Trịnh Xuân Thanh và nhiều bị cáo đã đã câu kết với nhau cũng như với doanh nghiệp bên ngoài để chiếm đoạt số tiền rất lớn.
Hậu quả của vụ án chưa nói hết được mức nghiêm trọng của vụ án. Bởi hành vi của các bị cáo còn dẫn đến làm chậm tiến độ, đội vốn dự án, gây thất thoát lớn vốn của Nhà nước. Không chỉ bị cáo Đinh La Thăng mà kéo theo hàng loạt cán bộ vướng vòng lao lý, gây tổn thất đáng kể, trong đó có nhiều người là nhà khoa học trong ngành.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, căn cứ lời khai của các bị cáo và người làm chứng, người liên quan tại tòa có đủ cơ sở khẳng định, bị cáo Đinh La Thăng biết rõ điều kiện, năng lực của PVC đang rất khó khăn nhưng bị cáo vẫn yêu cầu và chỉ định cho PVC làm tổng thầu thực hiện dự án Thái Bình 2 là vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế. Hành vi của bị cáo thoả mãn đầy đủ của tội “Cố ý làm trái” chứ không phải tội danh khác như ý kiến của luật sư.
HĐXX ghi nhận quá trình cống hiến của bị cáo Đinh La Thăng, xem xét tình tiết giảm nhẹ nhưng pháp luật cần được tôn trọng, công minh, bình đẳng, không loại trừ bất kỳ ai. Một bản án có tình có lý, tính đến cả công và tội nhưng nghiêm khắc cũng là sự cảnh báo cần thiết cho sự lạm dụng quyền lực và tuỳ tiện, vi phạm pháp luật gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhân dân.
Đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội
Bản án xác định, ông Đinh La Thăng lợi dụng vị trí cao nhất của PVN, khi PVC đang gặp khó khăn về tài chính và chưa có kinh nghiệm thi công các dự án lớn nhưng bị cáo vẫn giao cho PVC làm tổng thầu dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Bị cáo chỉ đạo cấp dưới ký kết hợp đồng và hợp đồng chuyển đổi chủ thể. Thông qua việc tạm ứng hợp đồng với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, PVC đã rút tiền để sử dụng sai mục đích gây thiệt hại cho PVN 119 tỉ đồng. Hành vi phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Tại tòa, bị cáo Đinh La Thăng nhận trách nhiệm của người đứng đầu gây sức ép tiến độ cũng như việc thiếu kiểm tra, giám sát, đồng thời cho rằng sau này mới biết hợp đồng 33 là sai. Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu thu thập được, biên bản họp và lời khai của bị cáo cho thấy hành vi phạm tội của bị cáo.
Đối với Trịnh Xuân Thanh, tại tòa, bị cáo thừa nhận bản thân biết PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm làm tổng thầu, hồ sơ chưa đầy đủ nhưng vẫn chỉ đạo PVC ký kết hợp đồng EPC. Ngoài ra, bị cáo còn thừa nhận đã đôn đốc ban giám đốc tạm ứng tiền, còn HĐQT ra trương góp vốn vào công ty con.
HĐXX nhận thấy Trịnh Xuân Thanh thừa nhận hợp đồng EPC số 33 được ký khi hồ sơ không đầy đủ. Sau khi ký, Ban Giám đốc PVC đã có tờ trình đề nghị HĐQT phê duyệt nội dung. Bị cáo Thanh đã ký phiếu lấy ý kiến phê duyệt nội dung thực hiện gói thầu. Hành vi bị cáo thỏa mãn dấu hiệu tố “Cố ý làm trái”.
Về hành vi Tham ô tài sản, Trịnh Xuân Thanh không thừa nhận chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống, không chiếm hưởng 4 tỷ đồng. HĐXX xét thấy, từ lời khai Vũ Đúc Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển có thể xác định Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống để chiếm đoạt tài sản. Lời khai này phù hợp với khai nhận của các bị cáo khác và tài liệu cơ quan điều tra thu thập, trong đó có chữ ký của Trịnh Xuân Thanh trong văn bản lấy ý kiến đã bị xóa bằng bút xóa.

Mức án cụ thể của các bị cáo:
1. Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN): 13 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
2. Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC): 14 năm tù về tội cố ý làm trái, tù chung thân về tội tham ô tài sản, tổng hợp hình phạt là chung thân. Phạt tiền 50 triệu đồng
3. Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN): 9 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
4. Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN): 9 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
5. Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN): 9 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
6. Vũ Đức Thuận (nguyên TGĐ PVC): 7 năm tù về tội cố ý làm trái, 15 năm tù về tội tham ô, tổng hợp hình phạt là 22 năm tù. cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt. Phạt tiền 30 triệu đồng.
7. Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN): 7 năm tù. Cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
8. Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN): 4 năm 6 tháng tù. Cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
9. Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2): 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm. Cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
10. Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2): 30 tháng tù cho hưởng án treo. Cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
11. Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC): 6 năm tù. Cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
12. Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó TGĐ PVC): 6 năm tù. Cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
13. Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC): 4 năm 6 tháng tù. Cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
14. Trương Quốc Dũng (nguyên phó TGĐ PVC): 17 tháng tù. Cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
Nhóm bị cáo phạm tội tham ô
15. Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC): 16 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt. Phạt tiền 30 triệu đồng
16. Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC): 10 năm tù. cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt. Phạt tiền 30 triệu đồng.
17. Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC): 10 năm tù, cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến quản lý doanh nghiệp, tài chính trong các tổ chức kinh tế nhà nước 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt. Phạt tiền 30 triệu đồng.
18. Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty CP Miền Trung - Công ty Cổ phần (Đà Nẵng): 8 năm tù. Phạt tiền 30 triệu đồng.
19. Lê Thị Anh Hoa (Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm.
20. Nguyễn Đức Hưng (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban điều hành Vũng Áng - Quảng Trạch): 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm. Phạt tiền 20 triệu đồng. Trả tự do cho bị cáo nếu không bị giam về tội khác.
21. Lê Xuân Khánh (nguyên Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 3 năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm. Trả tự do cho bị cáo nếu không bị giam về tội khác.
22. Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch): 3 năm tù cho hưởng án treo. Phạt tiền 20 triệu đồng. Trả tự do cho bị cáo nếu không bị giam về tội khác.
Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đánh giá, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia trong đó có Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Quá trình thực hiện dự án, lợi dụng cơ chế đặc thù và nhiều ưu đãi khác của Nhà nước với PVN, vì các động cơ khác nhau, trên đó là lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, các bị cáo, trong đó đứng đầu là bị cáo Đinh La Thăng, đã thực hiện hàng loạt các hành vi sai phạm, làm trái các quy định của Nhà nước về lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng để tạo nguồn vốn tạm ứng gây thiệt hại cho PVN số tiền đặc biệt lớn.
Thậm chí, một số bị cáo còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng từ khống rút tiền của Dự án để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Hành vi này của các bị cáo đã gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân
Theo đại diện VKS, ngoài các thiệt hại ban đầu đã được xác định, việc làm sai trái của bị cáo đã tăng kế hoạch gấp đôi thời gian, đội vốn lên hàng trăm triệu USD, hụt vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng… gây thất thoát vốn lớn của Nhà nước. Đây là những sai phạm điển hình của PVN trong những năm vừa qua, thời điểm mà bị cáo Đinh La Thăng giữ trọng trách cao của tập đoàn.
Không chỉ bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm trong vụ án này mà còn kéo theo hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn và các đơn vị thành viên của PVN, trong đó nhiều người có chức sắc, nhiều người từng là các nhà khoa học trong ngành dầu khí, nhiều người từ đây đã tha hóa, biến chất như Trịnh Xuân Thanh là điển hình.
Hành vi phạm tội của các bị cáo là biểu hiện một phần tệ tham nhũng lãng phí, quan liêu, cục bộ, lợi ích nhóm. Việc này không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động xấu tới chính trị, xã hội, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Một số hình ảnh nổi bật của buổi tuyên án:

Chủ tọa phiên tòa đọc bản án sơ thẩm. (Ảnh: TTXVN)

Bị cáo Đinh La Thăng nghe tòa tuyên án. (Ảnh: TTXVN)

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa sáng 22/1. (Ảnh: TTXVN)





Sau khi nghe tòa tuyên án, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm được dẫn giải ra xe.
Cựu Chủ tịch HĐQT PVC luôn ngoái nhìn phía xa, tìm kiếm ánh mắt người thân.
Bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng Giám đốc PVN, nhận mức án 9 năm tù.

Bị cáo Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN.

Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN

Xe chở các bị cáo rời khỏi tòa sau khi tuyên án


 Tổng hợp (Nguồn Dân trí)

Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

ĐINH LA THĂNG XIN CHO THUỘC CẤP ĐƯỢC TẠI NGOẠI

Tại phiên xử sáng ngày 16/1 Ông Thăng mong VKS xem xét lại về vấn đề quy trách nhiệm bổ nhiệm là "lợi ích nhóm".
Ông Thăng trinh bày: "Ở đây, từ anh Thực trở xuống là bị cáo bổ nhiệm, bản thân bị cáo cũng được người khác bổ nhiệm. Không thể cứ quy kết bổ nhiệm là lợi ích nhóm". Ông Đinh La Thăng cũng khẳng định đã chỉ đạo phải sử dung tiền tạm ứng đúng mục đích. 
Chiều 16/1, bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục được HĐXX cho lên nêu ý kiến bổ sung phần tranh luận. Bị cáo Thăng đã đề nghị VKS xem xét phát biểu xác nhận của giám định viên Bộ Tài chính về việc nếu không có việc sử dụng tiền sai mục đích thì không có thiệt hại cho PVN, nhưng trong phần luận tội của VKS lại không thấy nói điểm này. 
"Xin HĐXX và các cơ quan công tố xem xét cho các bị cáo của vụ này bị khởi tố, truy tố về tội cố ý làm trái được thay đổi hình thức ngăn chặn vì một số bị cáo được tại ngoại rồi và đối với bị cáo và một số bị cáo khác chắc là không có những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội. 
Mong HĐXX xem xét, trong điều kiện giam giữ hiện nay, nhất là trong trại T16 cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, có nhiều khó khăn," ông Đinh La Thăng nói.
Sau đó, HĐXX yêu cầu bị cáo Thăng đi thẳng vào vấn đề thì ông Thăng cho hay, chỉ nêu thêm các đề xuất như vậy rồi cảm ơn HĐXX và về chỗ. 
                Lúc 16h21, sau khi các luật sư tranh luận trở lại, HĐXX hỏi các bị cáo có ý kiến gì không? Bị cáo Thăng lên bục nêu ý kiến về việc, từ khi diễn ra phiên tòa, bị cáo rất băn khoăn, mỗi lần VKS luận tội bị cáo lại thêm một tội mới, hoặc tình tiết mới tăng nặng. HĐXX ngắt lời và nói đây là quan điểm đánh giá chứng cứ của VKS. Bị cáo Thăng cho hay, ý của bị cáo là việc VKS đối đáp cho rằng, bị cáo là chủ mưu trong vụ án mong HĐXX xem xét giúp cho.
          Vấn đề thứ 2, theo bị cáo Thăng, là trưa nay bị cáo hoàn toàn đồng tình với cơ quan điều tra, VKS không xem xét trách nhiệm hình sự đối với PVPower và HĐXX mong muốn các bị cáo khác, đơn vị cũng được xem xét như vậy.
          Đến 16h30 HĐXX cho rằng, sau thời gian tranh luận, HĐXX thấy việc tranh luận đã đủ không cần phải tiếp tục thêm. Do đó, HĐXX quyết định kết thúc phần tranh luận, chuyển sang phần nghị án. Trước khi vào nghị án các bị cáo được nói lời sau cùng. Tuy nhiên, do thời gian cuối giờ muộn nên tòa tạm nghỉ, sáng 17/1 phiên tòa tiếp tục và các bị cáo bắt đầu nói lời sau cùng. 8h Sáng ngày 22/1 HĐXX sẽ tuyên án.  Phóng viên của CBĐB sẽ cập nhật sớm nhất đến bạn đọc những tin tức đối với vụ án đang được dư luận đặc biệt quan tâm này.

PV CBĐB

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

VIỆN KIỂM SÁT ĐỀ NGHỊ MỨC ÁN CAO TRONG VỤ ÁN ĐINH LA THĂNG VÀ THUỘC CẤP

Chiều 11/1 đại diện Viện kiểm sát mở đầu phần tranh luận bằng bản quan điểm luận tội với các bị cáo. Đại diện VKS đề nghị xử phạt bị cáo Đinh La Thăng mức 14 - 15 năm tù với tội Cố ý làm trái các quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị 13 -14 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và chung thân về hành vi tham ô. Tổng hợp hình phạt là chung thân Đại diện VKS cho rằng, bị cáo Đinh La Thăng đã lợi dụng vị trí là người cao nhất của Tập đoàn để đề ra chủ trương, chỉ định PVC làm tổng thầu, dù biết PVC không đủ năng lực và kinh nghiệm. Cụ thể mức án VKS đưa ra đối với các bị cáo trong đại án này như sau:
1. Ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN): 14- 15 năm tù
2. Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC): 13-14 năm tù về tội cố ý làm trái, tù chung thân về tham ô tài sản. Hình phạt chung là tù chung thân.
3. Vũ Đức Thuận (nguyên TGĐ PVC): 8- 9 năm tù về tội cố ý làm trái ; 18-19 năm tù về tội tham ô tài sản. Tổng hợp từ 26-28 năm tù.
Các bị cáo đề nghị tội Cố ý làm trái:
1. Phùng Đình Thực (nguyên TGĐ PVN): 12-13 năm tù.
2. Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN): 10-11 năm tù.
3. Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC): 8-9 năm tù.
4. Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó TGĐ PVC): 7-8 năm tù.
5. Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC): 6-7 năm tù.
6. Trương Quốc Dũng (nguyên phó TGĐ PVC): 17-18 tháng tù về tội cố ý làm trái
7. Trần Văn Nguyên (nguyên Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2): 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4-5 năm.
8. Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN): 10-11 năm tù.
9. Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó TGĐ PVN): 10-11 năm tù.
10. Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2): 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4-5 năm.
11. Lê Đình Mậu (nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN): 7-8 năm tù về tội cố ý làm trái
Các bị cáo phạm tội tham ô:
1. Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC): 18- 19 năm tù 16. Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC): 13-14 năm tù.
2. Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC): 13-14 năm tù.
3. Nguyễn Thành Quỳnh (Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ, Tổng Công ty CP Miền Trung - Công ty Cổ phần (Đà Nẵng): 8-9 năm tù.
4. Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC): 13-14 năm tù.
5. Các bị cáo Lê Thị Anh Hoa (GĐCông ty TNHH MTV Quỳnh Hoa); Nguyễn Đức Hưng (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban điều hành Vũng Áng - Quảng Trạch); Lê Xuân Khánh (nguyên Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch); Nguyễn Lý Hải (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) bị đề nghị từ 30-36 tháng tù treo, thử thách 5 năm.

Tại bản luận tội đại diện VKS chỉ rõ, Bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo PVC ký hợp đồng 33 trái quy định và căn cứ hợp đồng này tạm ứng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác sử dụng không đúng mục đích, gây thiệt hại cho PVN gần 120 tỷ đồng. Bị cáo chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu, chưa nghiêm túc nhận ra hành vi trái pháp luật của mình. Tuy nhiên, bản thân bị cáo chưa có tiền án tiền sự, đã nhận một phần trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu nên có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng không đúng quy định, sử dụng tiền tạm ứng không đúng mục đích. Bị cáo cũng chỉ đạo các bị cáo khác lập hợp đồng khống chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng. Bị cáo không thành khẩn, quanh co, chối tội. Tuy nhiên, bị cáo có tình tiết giảm nhẹ là đã khắc phục hậu quả.
Bị cáo Phùng Đình Thực, dù biết PVC không đủ năng lực nhưng cùng ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh ký hợp đồng 33 không đúng quy định. Tại phiên tòa bị cáo đã khai báo không thành khẩn, đổ lỗi cho cấp dưới, cần có hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, bị cáo phạm tội lần đầu, quá trình công tác có nhiều thành tích nên cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày 15/1/2018 Phóng viên của Cao Bằng Điểm Báo sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc những thông tin đáng chú ý nhất trong vụ án nghiêm trọng này.
PV CBĐB

Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

ĐỈNH PHIA OẮC - NGUYÊN BÌNH XUẤT HIỆN BĂNG TUYẾT

Đỉnh núi Phia Oắc có độ cao gần 1.938m so với mặt nước biển, không khí lạnh, độ ẩm cao, vì thế nơi đây thường có băng tuyết vào mùa đông. Băng tuyết xuất hiện nhiều nhất vào đầu năm 2016 khi tất cả các đỉnh núi cao đều có băng tuyết, riêng đỉnh Phia Oắc, tuyết rơi dày tới 30 - 40 cm.

Trong những ngày qua, nhiệt độ trên đỉnh Phia Oắc (thuộc xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) là -2 đến -3oC, băng tuyết đã phủ đỉnh núi và cành cây tạo nên cảnh tượng kỳ vỹ, thu hút nhiều khách du lịch đến thưởng ngoạn. Đến sáng 11/1, băng đã bắt đầu tan dần.
Băng tuyết xuất hiện trên đỉnh Phia Oắc - Nguyên Bình trong nhiều ngày qua
Theo dự báo, với điều kiện thời tiết như hiện nay, rất có thể băng giá lại xuất hiện trong những ngày tới. Đối với những người dân sống quanh khu vực Phia Oắc - nơi nhiệt độ thường xuyên xuống thấp, việc băng tuyết xuất hiện đã không còn xa lạ. Do đó, người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho người và vật nuôi.
Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia thông báo trong đêm nay và ngày mai, không khí lạnh tiếp tục được tăng cường, miền Bắc tiếp tục rét, vùng núi cao nhiều nơi xuống dưới 5 độ C, băng giá sẽ còn xuất hiện. 
PV CBĐB

ĐÃ THU HỒI ĐƯỢC BAO NHIÊU TÀI SẢN ĐỐI VỚI VỤ ÁN ĐINH LA THĂNG VÀ THUỘC CẤP

Trong quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Cơ quan điều tra Bộ Công an đã kê biên biệt thự số AD02-16 (tại một khu đô thị sinh thái); căn hộ số 15F05, The Costa 32-34 (Trần Phú, TP Nha Trang, Khánh Hòa); xe ô tô Mazda CX5 màu trắng (biển kiểm soát 30A-970.97).
Theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm tra, rà soát, phong tỏa tài khoản, sổ tiết kiệm của vợ chồng Trịnh Xuân Thanh cùng 2 con trai (Trịnh Hùng Cường, Trịnh Hùng Phương). Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã rà soát, phong tỏa chứng khoán do Trịnh Xuân Thanh và vợ là bà Trần Dương Nga, không cho chuyển nhượng khi chưa có yêu cầu của cơ quan điều tra. Quá trình điều tra, bị can Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC) đã khắc phục hậu quả hơn 2,4 tỷ đồng; Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) khắc phục 800 triệu đồng; Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh Văn phòng PVC) khắc phục 300 triệu đồng
Ngoài ra, vợ chồng bị can Nguyễn Thành Quỳnh (nguyên Giám đốc kỹ thuật công nghệ Tổng công ty cổ phần miền Trung - công ty cổ phần Đà Nẵng) và Lê Thị Anh Hoa (nguyên là Giám đốc công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa) đã khắc phục hơn 977 triệu đồng và đã sử dụng hơn 1,1 tỷ đồng nộp thuế cho Nhà nước. Bị can Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVC) đã khắc phục hơn 2,2 tỷ đồng.
PV CBĐB

Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

ĐINH LA THĂNG KHAI NHỮNG GÌ TẠI PHIÊN TÒA NGÀY 9/1

Tại phiên toà, trả lời phần thẩm vấn của HĐXX liên quan đến hợp đồng số 33 chưa đủ điều kiện, thuộc cấp khai đã báo với ông Đinh La Thăng về việc này nhưng ông Thăng vẫn lệnh: “Tôi không biết, sang tuần các ông phải chuyển tiền cho PVC”.
Trong buổi sáng 9/1, HĐXX tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo Đinh La Thăng, Ninh Văn Quỳnh, Vũ Hồng Chương liên quan đến Hợp đồng EPC số 33 (về việc “Thiết kế, chế tạo, kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói và vận chuyển, giao hàng đến công trường, thông quan hàng hoá, bảo hiểm, dỡ hàng tại công trường, xây dựng, lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và bảo hành Công trình NMNĐ Thái Bình 2 gói thầu “EPC xây dựng nhà máy chính” thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình NMNĐ Thái Bình 2 (2x600MW)”) mà ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo cho các thuộc cấp chuyển số tiền hơn 1.300 tỉ đồng và hơn 6,6 triệu USD trái quy định cho PVC. .
Tại phiên tòa, ông Thăng khẳng định đã chỉ đạo rõ số tiền này chỉ được sử dụng cho dự án không được dùng vào mục đích khác.
Khi tòa đặt vấn đề hợp đồng 33 chưa đủ điều kiện mà bị cáo đã cho tạm ứng 10% giá trị hợp đồng như vậy có đúng không? Ông Thăng trả lời: "Lúc đó bị cáo chưa biết gì về hợp đồng 33".
Ngay sau đó, Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN được HĐXX mời lên đối chất. Ninh Văn Quỳnh cho biết: "Bị cáo đã báo cáo nội dung hợp đồng 33 với anh Thăng, còn một số nội dung khiếm khuyết của hợp đồng thì báo cáo trực tiếp với ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN.
Bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 cũng tiếp tục được Tòa yêu cầu đối chất.
Bị cáo Chương khẳng định đã báo cáo cụ thể về hợp đồng 33 không đúng quy định với ông Đinh La Thăng. Vũ Hồng Chương khai, tại cuộc họp ngày 31/3/2011, ông Đinh La Thăng chỉ đạo ban quản lý dự án rà soát lại nội dung hợp đồng 33 để ký lại hợp đồng điều chỉnh chủ thể.

Đến cuộc họp ngày 1/6, ông Thăng yêu cầu hoàn thành sớm thiết kế tổng thể và sớm thực hiện việc tạm ứng 10% giá trị hợp đồng cho dự án. "Bị cáo được anh Thăng gọi lên phòng hỏi tại sao không làm văn bản chuyển tiền tạm ứng cho PVC. Bị cáo bảo anh xem lại hợp đồng 33 không phù hợp quy định, không đúng với nghị định 48 của Chính phủ, đề nghị Tập đoàn hướng dẫn ban quản lý thực hiện theo đúng quy định. Khi đó anh Thăng đã cho gọi anh Sơn, (Nguyễn Xuân Sơn, Phó TGĐ PVN) và anh Khánh (Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó TGĐ PVN) lên phòng. Khi anh Sơn lên hỏi tại sao không chuyển tiền, bị cáo trả lời rằng mới ký hợp đồng chuyển đổi chủ thể, hợp đồng có 2 trang chưa có phòng ban ký nháy vào đó nên chưa đủ điều kiện", ông Chương khai. Theo bị cáo Chương, lúc đó ông Thăng vội đi đâu và nói: "Tôi không biết, các ông phải làm sao chuyển tiền tạm ứng cho PVC thực hiện dự án vào tuần sau".
Đinh La Thăng khai nhận tại phiên tòa ngày 9/1
Truy tiếp việc PVC được giao làm tổng thầu, HĐXX thẩm vấn ông Đ inh La Thăng. Theo bị cáo Đinh La Thăng, hội đồng thành viên đã làm việc, có các ban ngành giúp việc và đều báo cáo PVC có đủ năng lực. Căn cứ vào báo cáo của chủ đầu tư, của Tổng Giám đốc, nên bị cáo quyết định giao cho PVC làm tổng thầu theo đúng quy định. Lý giải vì sao trong nghị quyết đã nêu PVC là tổng thầu liên doanh nhưng tại một công văn khác lại chuyển đổi thành chỉ có PVC được chỉ định thầu. Bị cáo Đinh La Thăng nêu, thầu và liên doanh tổng thầu có những điểm khác nhau. Đối với liên doanh tổng thầu vẫn do PVC làm chủ nhưng phần của nước ngoài thì do nước ngoài làm. Căn cứ vào quá trình thực tế trước đó đã từng liên kết nhưng không đảm bảo nên bị cáo quyết định giao cho PVC làm tổng thầu. Hội đồng xét xử đề nghị làm rõ việc khởi công nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khi thiếu các thủ tục cần thiết theo quy định. Bị cáo Đinh La Thăng lý giải rằng, mỗi năm thực hiện hàng chục dự án, vì vậy để đảm bảo tiến độ, các đơn vị phải thực hiện đồng thời các công việc, không thể chờ xong việc này mới làm việc khác. Theo ông Đinh La Thăng, trong Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, việc chỉ định PVC làm tổng thầu xuất phát từ chủ trương phát triển PVN đến năm 2025 trở thành tập đoàn mạnh, kinh doanh ngoài ngành. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát huy nội lực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô…, Chính phủ cũng cho phép PVN chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện các dự án của tập đoàn. Vì vậy, PVN mở một số công ty con, trong đó có PVC để xây dựng thành một đơn vị xây lắp dầu khí mạnh của tập đoàn. Từ đó, PVN giao PVC làm tổng thầu dự án. Phóng viên của Cao Bằng Điểm Báo sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất đến bạn đọc trong các ngày diễn ra phiên tòa.
PV CBĐB

Thứ Ba, 9 tháng 1, 2018

CÁC BỊ CÁO TẠI PHIÊN TÒA XÉT XỬ ĐINH LA THĂNG VÀ ĐỒNG PHẠM KHAI GÌ ?

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) cho hay: Việc chỉ đạo tạm ứng cho dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 và PVC do ông Đinh La Thăng chỉ đạo.
Hợp đồng 33 bị cáo không được tham dự, theo dõi. Khi hợp đồng đã được chuyển đổi về Tập đoàn, quá trình thực hiện, Phó chủ tịch PVN yêu cầu Thái Bình 2 là công trình trọng điểm quốc gia, được thực hiện theo cơ chế đặc thù, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thực hiện tạm ứng cho nhà thầu để triển khai dự án
Nguyễn Xuân Sơn trả lời tại tòa
 Việc chỉ đạo chuyển tiền cho PVN đã được phân công theo quy chế của Tập đoàn. Ban quản lý có đề xuất về việc tạm ứng cho nhà thầu. Tập đoàn có trách nhiệm chỉ đạo, giám sát hợp đồng đã ký. Bị cáo không nhận thức được hợp đồng 33 không đủ điều kiện để thực hiện. Bị cáo chỉ biết NMNĐ Thái Bình 2 là công trình lớn, đã xin ý kiến Thủ tướng về việc thực hiện chỉ định thầu, sau đó lại có nghị quyết của HĐQT về việc chuyển đổi chủ đầu tư. Sau khi các kiểm sát viên cao cấp nói nhiều tài liệu còn thiếu, bị cáo mới ý thức được việc thực hiện hợp đồng là vi phạm pháp luật. Bị cáo Sơn khai, ông ta ký 2 quyết định nhưng có 4 lần chuyển tiền. Việc chuyển tiền diễn ra trong Tập đoàn (từ đơn vị này sang đơn vị khác của Tập đoàn) chứ không phải chuyển tiền ra ngoài. Lúc chuyển tiền thì không nhận thức thấy có vấn đề gì. Sau này khi làm việc với kiểm sát viên, bị cáo mới biết hợp đồng không có đủ căn cứ. Theo bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, ông ta thực hiện mệnh lệnh của bị cáo Đinh La Thăng. Bị cáo dùng từ “mệnh lệnh” vì chỉ đạo của ông Đinh La Thăng rất mạnh mẽ. "Đó là tính cách của anh Thăng trong quá trình triển khai công việc thôi, chứ lúc đó bị cáo không cho rằng có gì sai. Hợp đồng chưa đúng quy định của pháp luật, bị cáo không biết nên mới vô tình thực hiện", lời khai của bị cáo Sơn.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng giám đốc PVN) khai: Hội đồng thành viên của PVN có nghị quyết phê duyệt đấu thầu dự án Thái Bình 2 cho Hội đồng thành viên PVPower. Nghị quyết do ông Đinh La Thăng ký lựa chọn nhà thầu. Bị cáo Khánh nói, hợp đồng 33 chưa được Hội đồng thành viên PVPower phê duyệt, không có các điều khoản chi tiết thực hiện hợp đồng, không có những điều khoản liên quan tới thanh toán, tạm ứng hợp đồng. Hợp đồng này không có cơ sở để thực hiện cũng như không có cơ sở tạm ứng được. Dù vậy, ông Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp yêu cầu rà soát, ký hợp đồng này.
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh
Bị cáo Vũ Hồng Chương (nguyên Trưởng Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2) khai: Bị cáo có nghe về việc hợp đồng 33 chưa đủ điều kiện thực hiện. Sau đó, ở thời điểm chuyển giao chủ đầu tư, bị cáo biết hợp đồng có vấn đề lớn. Để tránh rủi ro cho chủ đầu tư, bị cáo đã ba lần gửi công văn báo cáo rõ về tình trạng hợp đồng 33, đề nghị Tập đoàn xem xét có ý kiến nhưng không ai trả lời. Sau khi chuyển tiền đợt đầu tiên cho Ban quản lý dự án, Tập đoàn PVN có 1 công văn hỏa tốc đề nghị ban quản lý dự án đề nghị chuyển tiền cho PVC ngay trong ngày (do ông Nguyễn Xuân Sơn ký, đóng dấu hỏa tốc).
Đối chất tại tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai, việc ký công văn hỏa tốc này được thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch Tập đoàn là phải thực hiện tạm ứng ngay. Vì vậy bị cáo mới cấp tiền cho Ban quản lý và yêu cầu chuyển tiền ngay trong ngày để khỏi lệch nhau về tỉ giá. Phóng viên Cao Bằng Điểm Báo sẽ tiếp tục cập nhật tình hình phiên xử đến các bạn sớm nhất.
PV CBĐB

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

THỦY ĐIỆN BẮC MÊ PHÁT ĐIỆN KHI CHƯA ĐƯỢC CẤP PHÉP

Theo UBND tỉnh Hà Giang, mặc dù được khởi công từ tháng 11/2014 và đã phát điện, nhưng tính đến ngày 7/12/2017, nhà máy thủy điện Bắc Mê (huyện Bắc Mê - Hà Giang) vẫn không có giấy phép xây dựng, chưa thực hiện bàn giao mốc giới cho chính quyền địa phương theo quy định…

Như tin chúng tôi đã đưa cuối tháng 12/2017, nhà máy thủy điện Bắc Mê (huyện Bắc Mê – Hà Giang) tiến hành xả nước hồ chứa làm sạt lở một số đoạn đường trên quốc lộ 34 và nứt nhiều hộ dân trên địa bàn 2 tỉnh Hà Giang và Cao Bằng. Ngày 28/9/2017, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản gửi Bộ Công thương về những sai phạm của thủy điện Bắc Mê.
Thủy điện Bắc Mê đang tích nước
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, thủy điện Bắc Mê do Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Viettracimex làm chủ đầu tư, khởi công tháng 11/2014, dự kiến hoàn thành phát điện trong quý 1/2018.
Thực hiện chức năng quản lý đối với công trình chuyên ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Hà Giang đã giao Sở Công thương Hà Giang chủ trì phối hợp với sở, ngành có liên quan và UBND huyện Bắc Mê kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Viettracimex trong việc đầu tư xây dựng dự án thủy điện Bắc Mê (huyện Bắc Mê – Hà Giang).
Kết quả kiểm tra cho thấy: Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Viettracimex chưa phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường, tài nguyên nước, điện lực,…
Bên cạnh đó, mặc dù chủ đầu tư chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực nhưng nhà máy thủy điện Bắc Mê đã phát điện thương mại 1 tổ máy từ ngày 14/9/2017 và đang vận hành truyền tải điện năng từ nhà máy vào lưới điện 220kV khu vực. Việc tích nước, xả nước hồ thủy điện Bắc Mê đã làm sạt lở một số đoạn đường trên quốc lộ 34 và một số công trình dân sinh thuộc địa phận địa giới hành chính tỉnh Hà Giang và tỉnh Cao Bằng.
Ngoài ra, tại Thông báo số 360/TB-UBND ngày 7/12/2017 của UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Trong quá trình xây dựng, vận hành nhà máy thủy điện Bắc Mê, Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Viettracimex vẫn còn một số tồn tại như: Công trình không có giấy phép xây dựng; đơn vị chưa thực hiện việc nghiệm thu và bàn giao mốc giới cho chính quyền địa phương theo quy định; công trình đường dây 220kV đã được vận hành nhưng chưa được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế; chưa có hợp đồng thuê đất để thực hiện dự án;…
Trước những tồn tại nêu trên, tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực chưa xem xét cấp giấy phép hoạt động điện lực cho nhà máy thủy điện Bắc Mê. Việc xem xét thẩm định và cấp giấy phép chỉ được thực hiện sau khi Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Viettracimex hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 34 tại địa phương.
Tỉnh Hà Giang còn đề nghị, Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) không tiếp nhận điện năng phát ra của nhà máy thủy điện Bắc Mê, đồng thời thực hiện tách đấu nối nhà máy thủy điện Bắc Mê ra khỏi lưới điện 220kV. Việc tiếp nhận điện năng chỉ được thực hiện khi nhà máy thủy điện Bắc Mê được cấp giấy phép hoạt động điện lực.

SÁNG NAY XÉT XỬ ĐINH LA THĂNG VÀ ĐỒNG PHẠM

Sáng nay 8/1, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.
Trong số 22 bị cáo ra trước vành móng ngựa tại vụ án này, có 12 bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự, 8 bị cáo bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 278 BLHS.
Bị cáo Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN - bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” vì khi giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVN thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lí dự án căn cứ Hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc PVC và Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng Giám đốc PVC bị truy tố về cả 2 tội danh trên. rịnh Xuân Thanh trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, với vai trò là Chủ tịch HĐQT PVC, đã có hành vi chỉ đạo bị can Vũ Đức Thuận ký Hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.

Trịnh Xuân Thanh cũng là người đề ra chủ trương cùng bị can Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Trong đó Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng các bị can Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.

 
Bị cáo Đinh La Thăng tại phòng xử án - Ảnh Pv cập nhật từ phòng dành cho báo chí
Theo thông tin từ Sở Y tế, TP Hà Nội cho biết, để đảm bảo sức khỏe các bị cáo và đề phòng những trường hợp khẩn cấp, Sở Y tế đã bố trí lực lượng Y tế túc trực 24/24h trong thời gian xét xử. Theo đó, mỗi kíp Y tế túc trực tại phiên Toà có 4 người gồm 2 Bác sỹ, 2 điều dường và một xe cấp cứu.

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

PHAN VĂN ANH VŨ ĐÃ BỊ BẮT

Tối ngày 4/1/2018 Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an vừa phát đi thông báo, "Phan Văn Anh Vũ, sinh năm 1975; trú tại: Số 82, Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng đã vi phạm pháp luật Việt Nam và bỏ trốn tại nơi cư trú. Ngày 21/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ; khi bỏ trốn Phan Văn Anh Vũ đã vi phạm Luật di trú của Singapore và bị trục xuất. Ngày 4/1/2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ và tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật".
Theo thông tin từ một nhân viên làm việc sân bay Nội Bài, Vũ "nhôm" mặc áo đen và được lực lượng chức năng áp giải về, đưa vào một trong hai chiếc xe ôtô 7 chỗ đỗ ở ngay chân cầu thang của máy bay. Sau đó, hai xe ô tô di chuyển theo hướng sảnh nhà ga VIP ra ngoài.
          Trước đó như thông tin chúng tôi đã cập nhật. Ngày 2/1 website của Cục Quản lý cửa khẩu và nhập cư Singapore (ICA) ra thông báo một người có tên là "Phan Van Anh Vu" đã bị bắt giữ do các vi phạm theo Đạo luật Nhập cư của Singapore. ICA cho hay, thông báo trên được đưa ra để phản hồi các câu hỏi của báo chí về Phan Van Anh Vu  Thông báo chỉ có một dòng ngắn gọn và không cho biết thêm thông tin chi tiết về người bị bắt giữ…
PV CBĐB