Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

SỰ HỒI PHỤC ĐÁNG KINH NGẠC CỦA EM BÉ VẢY NẾN Ở CAO BẰNG


Ngày 26/10, PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc BV Da liễu TƯ cho biết, sau 10 ngày điều trị bệnh vảy nến thể mủ toàn thân tại BV, bệnh nhi Chung Ngọc Thuyên (sinh năm 2013, ở Cao Bằng) đã có sự thay đổi rõ rệt nên được xuất viện. Ngoài ra, Phòng Công tác xã hội cũng trao số tiền 42.390.000 đồng do các mạnh thường quân ủng hộ bệnh nhi cho gia đình.
Theo hồ sơ bệnh án, sáng ngày 16/10/2018, BV tiếp nhận bệnh nhi Chung Ngọc Thuyên với biểu hiện da toàn thân bong tróc. Qua khai thác bệnh sử từ người thân, khi 2 tháng tuổi, bệnh nhi có nhiều bất thường trên da, bong vảy nhiều ở da đầu, thân mình. Gia đình cho bé đi khám và điều trị ở cơ sở y tế địa phương, bệnh có ổn định nhưng sau đó tái phát nhiều lần. Người nhà sốt ruột đã đi khám thầy lang, dùng thuốc lá, lâu dần khiến tình trạng bệnh ngày một nặng thêm.
PGS Lê Hữu Doanh thăm khám cho bệnh nhi
Tại BV, qua thăm khám PGS.TS Doanh nhận thấy bệnh nhi có tổn thương cơ bản là các dát đỏ bong vảy trắng dày, dễ bóc ở tay chân, thân mình, tập trung chủ yếu ở bàn tay, bàn chân, cẳng chân hai bên. Mụn mủ nông, tập trung rải rác thành đám ở đầu gối, cẳng tay, bụng. Bệnh nhi hơi sốt nhẹ nhưng tỉnh táo, ngứa nhiều. Móng tay vàng và có dấu hiệu bị mủn. Bệnh nhi được chẩn đoán bị vảy nến thể mủ toàn thân nên chỉ định nhập viện.


Hình ảnh trước và sau 10 ngày điều trị
Trong quá trình điều trị, các bác sĩ cho bé dùng thuốc kháng sinh, kháng histamin, thuốc bôi, dưỡng ẩm.
Ngoài ra, do hoàn cảnh của gia đình bệnh nhi rất khó khăn nên BV đã miễn phí toàn bộ chi phí điều trị, suất ăn hằng ngày cho bệnh nhân và người nhà, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân khi ra viện. Đồng thời, kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ, sẻ chia, động viên bệnh nhi.
Sau 10 ngày điều trị, tình trạng bệnh của cháu đã ổn định nên được xuất viện.
Bác sĩ Doanh cũng cho biết, vảy nến là một bệnh da mạn tính, có thể tái phát nhiều đợt. Hiện bệnh chưa thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể kiểm soát tốt bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh không nên tự chữa theo phương pháp dân gian, tự mách nhau vì có thể khiến bệnh nặng hơn.
Đối với bệnh ảy nến thể mủ, bác sĩ Doanh cho biết đã có chứng minh thuốc nam, thuốc lá không phải phương pháp điều trị bệnh chính thống. Đó là chưa kể, đắp các loại lá dễ làm kích ứng khiến trẻ khó chịu. Đến nay vảy nến được gọi là bệnh mạn tính kéo dài, việc điều trị cần quản lý suốt đời, với trẻ em điều trị rất dài và cần có chỉ định rõ ràng.

BV trao số tiền các mạnh thường quân ủng hộ cho gia đình bệnh nhi
Bác sĩ Doanh cũng khuyến cáo, nếu người dân có bất thường trên da cần đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Đặc biệt, đối với bệnh vảy nến, bệnh nhân không nên lo lắng, vì có thể khiến bệnh nặng hơn.
Hải Đăng – PVCBĐB tổng hợp

CAO BẰNG: CỤ BÀ GẦN 80 TUỔI SỐNG ĐƠN THÂN BỊ SÁT HẠI CƯỚP CỦA


Chiều 30/10, lãnh đạo UBND thị trấn Tà Lùng (huyện Phục Hoà, tỉnh Cao Bằng) xác nhận, trên địa bàn này vừa xảy ra vụ án mạng thương tâm khiến 1 người tử vong. Nạn nhân là bà M, sinh năm 1941, sống một mình trú tại thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hoà, tỉnh Cao Bằng và thường mang theo bên người số tiền không nhỏ. Sau khi xảy ra vụ án, số tiền trên đã biến mất.
Theo thông tin ban đầu, vào ngày 27/10, người dân địa phương phát hiện bà M. tử vong trong nhà, trên cơ thể có nhiều vết thương.

Nhận được tin báo từ quần chúng, lực lượng chức năng bước đầu xác định được nghi phạm số 1 gây ra vụ án. Tuy nhiên, đối tượng này đã nhanh chân bỏ trốn khỏi địa phương.
Hiện tại, lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng đang khẩn trương truy bắt đối tượng. Do khu vực xảy ra vụ án trên địa bàn biên giới nên công tác truy bắt gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng liên quan đến vụ án, lãnh đạo UBND thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hoà, tỉnh Cao Bằng cho biết: Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình. Con cháu của bà M sinh sống ở TP Cao Bằng đã đưa thi thể nạn nhân về mai táng.
Hiện vụ án đang được các đơn vị chức năng Công an tỉnh Cao Bằng tích cực điều tra, làm rõ.
Hải Đăng – PVCBĐB tổng hợp

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

LỐI SỐNG GIẢN DỊ ĐẾN THANH ĐẠM CỦA TÂN CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN PHÚ TRỌNG


“Ở nhà công vụ, dành tiền lương mua công trái, gửi tiết kiệm”, Tân Chủ tịch nước được nhiều đại biểu Quốc hội, bạn học cũ ấn tượng về "lối sống giản dị, hoàn toàn trong sạch, liêm khiết.

"Sự kiện này dù chỉ là tình huống do trước đó Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời, Việt Nam khuyết chức danh người đứng đầu Nhà nước, nhưng tôi nghĩ rằng việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu với kết quả đồng thuận rất cao như vậy là sự tất yếu, trước hết là ở uy tín cá nhân và về lâu dài, tôi hy vọng việc Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước không chỉ tình huống mà sẽ được nghiên cứu để thể chế hoá", đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Nhà sử học Dương Trung Quốc thông tin thêm, khi đọc bản kê khai tài sản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ông thấy rất khiêm nhường. "Bản kê khai cho thấy mức lương của ông không cao, tiền tiết kiệm và tài sản cũng không nhiều. Ngoài căn nhà công vụ theo quy định của Đảng và Nhà nước, ông có hơn 300 m2 đất ở quê do ông bà tổ tiên để lại", đại biểu Dương Trung Quốc cho hay.
Đại biểu Vũ Trọng Kim - cựu chủ tịch Hội thanh niên xung phong, ủy viên Đoàn chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Trước hết tôi xin kính chúc tân Chủ tịch nước dồi dào sức khoẻ để đảm nhiệm cương vị này trong thời gian dài. Tôi rất vui. Tôi hy vọng lớn trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền toàn thể, xây dựng Đảng vững mạnh, thì ông Nguyễn Phú Trọng đầy đủ tiêu chuẩn, phẩm chất để đảm nhiệm hai chức vụ. Đây là điều may mắn cho Đảng, Nhà nước và Dân tộc ta”.
 Tại hội nghị Trung ương 8 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã có quy định về việc nêu gương của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên Trung ương, hình ảnh một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ở nhà công vụ và gần như không có tài sản gì lớn cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng là người chí công vô tư, hoàn toàn trong sáng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi những chuyện như biệt phủ, nhà lầu của quan chức gây bức xúc dư luận, thì việc nêu gương rất có ý nghĩa. Người đứng đầu Đảng, Nhà nước ở nhà công vụ, với một số tiền tiết kiệm nhỏ, điều này đã nói lên tất cả. Có nêu gương, và tấm gương có thuyết phục thì mới có khả năng dẫn dắt, lãnh đạo.
Còn Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách Lê Thanh Vân thì khẳng định tân Chủ tịch nước là "một người ưu tú, xứng đáng". Theo đại biểu, tầm nhìn chiến lược và những quyết sách của nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ trên các cương vị quan trọng mà ông từng đảm nhiệm, đơn cử như công tác xây dựng Đảng hay gần đây là mặt trận phòng, chống tham nhũng... Cùng với đó, ông cũng có cuộc sống và phong cách giản dị.
Ông Lê Thanh Vân cho hay, theo bản kê khai tài sản của Tổng bí thư thì ông ở nhà công vụ, dành dụm được một số tiền, một phần mua công trái và một phần gửi tiết kiệm. "Đó là bản kê khai trung thực, có độ tin cậy rất cao. Qua đây, tôi thấy rằng ngoài công việc, ông có cuộc sống bình thường như đa số người dân lao động Việt Nam hiện nay khác", ông Vân nói.
Cá nhân tôi có thời gian làm việc, tiếp xúc khi ông Nguyễn Phú Trọng còn làm Chủ tịch Quốc hội thì tôi có thể khẳng định rằng ông là người vô cùng liêm khiết, chính trực.
Thông qua quan hệ bạn bè, người thân của ông, tôi cũng biết rằng gia đình, vợ, con của ông cũng sống cuộc sống rất bình dị, không có khác biệt so với mọi người. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không hề tác động nhằm làm có lợi cho gia đình, người thân của mình.
Tôi nhớ khi con ông ra trường, có bạn bè của ông đưa hồ sơ đưa sang xin việc ở Văn phòng Chính phủ, nhưng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khi đó trả lời là cháu chưa đủ điều kiện vì thiếu thời gian công tác thực tế. Khi biết chuyện này, ông Nguyễn Phú Trọng không những không tác động để con được vào làm việc, mà còn cảm ơn người không tiếp nhận.
 Chúng ta còn thấy được nhân cách ấy qua cách ăn mặc của ông. Ngoài những dịp thực hiện nghi lễ cần mặc comple, còn lại ông thường mặc những bộ quần áo giản dị, có những chiếc áo cũ đến sờn vai. Một cuộc sống giản dị đến thanh đạm như vậy, tôi nghĩ rằng nó xuất phát từ cuộc sống, từ đạo đức cách mạng của một con người mẫu mực. Đó là người đã hoà chung với cuộc sống của đại đa số đồng bào khi đất nước còn khó khăn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà gia đình thương binh tỉnh Gia Lai. 
Là bạn cùng lớp đại học với tân Chủ tịch nước, ông Dương Đức Quảng (nguyên Vụ trưởng Thông tin báo chí, Văn phòng Chính phủ) kể, "khi là sinh viên anh Nguyễn Phú Trọng học giỏi, luận văn tốt nghiệp đạt xuất sắc, được kết nạp vào Đảng trong trường".
"Anh Trọng đã trải qua nhiều cương vị quan trọng nhưng xuất phát điểm của anh không phải con ông cháu cha mà sinh ra trong một gia đình nông dân quê ở huyện Đông Anh, Hà Nội", ông Quảng nói.
Ông Quảng còn nhớ, có lần trong cuộc gặp thầy cô, bạn bè cùng lớp sau khi đã giữ chức danh lãnh đạo Đảng, ông Trọng đã "xin được để mọi chức tước ngoài căn phòng này".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm cô giáo cũ.
"Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học cùng lớp của các bạn. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, sau khi ra trường tài năng không biết ai hơn ai. Có người gặp may, có người không gặp may. Tôi gặp may mắn hơn các bạn. Chức tước như phù vân, còn lại mãi với nhau là tình thày trò, bè bạn. Mong chúng ta luôn giữ được điều đó...", ông Quảng nhắc lại tâm sự của người bạn Nguyễn Phú Trọng mà ông còn nhớ như in.
Theo ông Quảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có hai người con, một gái, một trai và đều là những công chức nhà nước bình thường. Lần gả chồng cho con gái khi đã ở cương vị lãnh đạo, ngoài gia đình và họ hàng, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ mời bạn bè thân thiết đến dự đám cưới. Lễ cưới đó tổ chức giản dị, chỉ có tiệc trà, hoa quả và bánh ngọt, không có cỗ bàn linh đình. Khi cưới con trai, ông Trọng tổ chức trong nội bộ gia đình và mời rất ít bạn bè.
"Chỉ sau đám cưới của con, anh Trọng mới gửi thiếp báo hỷ tới bạn bè. Tôi cũng là một người nhận được thiệp báo hỷ như thế", ông Quảng cho hay.
Ngày thầy giáo cũ - Giáo sư Phan Cự Đệ mất, ông Nguyễn Phú Trọng khi ấy là Chủ tịch Quốc hội đến viếng, tuy có vòng hoa riêng nhưng vẫn nhập đoàn với các sinh viên Văn trường Đại học Tổng hợp.
Cô giáo dạy tân Chủ tịch nước từ ngày lớp 4 Đặng Thị Phúc vẫn nhớ mãi cậu học trò "chỉ mặc mỗi bộ quần áo nâu, đi chân đất, không kể đông hay hè". Nhờ bài thơ "Người trò nhỏ năm xưa" (tặng N.P.T) cô đọc ở hội thơ nhà giáo, cậu học trò nhỏ ngày nào đã tìm về thăm cô sau 50 năm.
"Trò Trọng đến khi tôi đang chuẩn bị cơm chiều, kể cũng tài, lúc đó nhà tôi đang xây nên phải đi ở thuê, đường quanh co mà em vẫn tìm được", bà xúc động nói.
Một câu chuyện từng được ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại chia sẻ trong cuộc họp tổ của Quốc hội. Đó là khi xảy ra vấn đề Biển Đông (vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tháng 5/2014) thì Trung ương đang họp, Bộ Chính trị cũng tiến hành họp và ông Nguyễn Văn Giàu là thành viên của Đảng đoàn Quốc hội được tham dự các phiên họp này.
"Tôi nhớ phiên thảo luận đó, cuối cùng Tổng bí thư quyết. Ông nói bằng mọi cách, bằng mọi giá phải giữ gìn môi trường hòa bình để phát triển kinh tế. Đi bằng cách nào? Bằng ba trụ cột. Trụ cột thứ nhất là luật pháp quốc tế, trụ cột thứ hai là đấu tranh ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc và toàn thế giới, với Liên Hiệp Quốc để ủng hộ ta. Trụ cột thứ ba là thực địa, kể cả mời báo chí trong nước và nước ngoài ra ngoài khu vực nóng", ông Nguyễn Văn Giàu kể.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hiện ở tại nhà số 5, phố Thiền Quang, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Theo tìm hiểu, đó là căn hộ công vụ từng là nơi ở của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng.
Quê của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, có căn nhà và đất từ thời cha mẹ ông để lại.
 Hoa Hồng - PVCBĐB tổng hợp

Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

SÁNG NAY, QUỐC HỘI BỎ PHIẾU KÍN BẦU CHỦ TỊCH NƯỚC


Sáng nay, 23/10, Quốc hội bỏ phiếu kín bầu chức vụ Chủ tịch nước. Kết quả bầu Chủ tịch nước được công bố trong chiều nay và người trúng cử sẽ tuyên thệ trước Quốc hội.

                                                     Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Theo chương trình nghị sự, từ 8h sáng nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại đoàn về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước theo tờ trình Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân đã trình Quốc hội chiều qua. Cụ thể, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội bầu Tổng Bí thư Ban chấp hành TƯ Đảng giữ chức vụ Chủ tịch nước.
Các đại biểu Quốc hội có 30 phút cho việc thảo luận này. Mỗi đoàn đại biểu Quốc hội sau đó sẽ có biên bản phiên thảo luận gửi về UB Thường vụ Quốc hội.
Sau giờ nghỉ giữa buổi sáng, các đại biểu Quốc hội họp toàn thể tại hội trường, nghe UBThường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn đại biểu và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc nhân sự được giới thiệu.
Tiếp đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử, thành lập Ban kiểm phiếu, nghe phổ biến thể lệ bỏ phiếu và tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
15h chiều, Trưởng Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước. Nếu đạt số phiếu tán thành quá bán trở lên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức đảm nhiệm vị trí lãnh đạo đứng đầu nhà nước.
Tổng Bí thư sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp trong buổi lễ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Cũng trong ngày 23/10, phần công tác nhân sự khác sẽ được tiến hành song song là thủ tục miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng TT-TT và phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự mới đảm nhiệm vị trí tư lệnh Bộ này.
Cụ thể, cuối giờ làm việc buổi sáng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn.
Quốc hội cũng có phiên thảo luận ở đoàn về việc phê chuẩn miễn nhiệm này.
Cuối giờ làm việc buổi chiều, Quốc hội bỏ phiếu kín quyết định việc phê chuẩn miễn nhiệm ông Trương Minh Tuấn và công bố kết quả kiểm phiếu, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm ngay sau đó.
Tiếp tục, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tờ trình về phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT-TT. Quốc hội trở về làm việc tại đoàn, thảo luận về phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT-TT.

Ngày mai 24/10, các đại biểu bắt đầu thực hiện quy trình lấy phiếu tín nhiệm 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

                               Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội. Ảnh: Vnexpress
Hoa Hồng- PVCBĐB tổng hợp

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

NÓNG: Thu giữ gần 200 bánh heroin được giấu trong bệ trục quay của máy xúc


Ngày 17-10, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Kạn vừa phá thành công chuyên án vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 198 bánh heroin. Đáng chú ý, số ma túy trên được giấu trong bệ trục quay của một chiếc máy xúc. 
Trước đó, đêm ngày 16-10, tại km 173 Quốc lộ 3, đoạn qua thôn Khuổi Sla, xã Tú Trĩ, huyện Bạch Thông, tổ công tác CAH Bạch Thông phát hiện xe đầu kéo mang BKS 20C -145.88 do Triệu Văn Vinh, trú tại xóm 10, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên điều khiển, kéo theo rơ moóc BKS 29R - 005.89 chở một chiếc máy xúc hiệu KOMATSU lưu thông theo hướng Hà Nội - Cao Bằng có dấu hiệu nghi vấn đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra.
Đối tượng Giàng A Di tại cơ quan công an
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện 198 bánh heroin được cất giấu trong phần bệ trục quay của máy xúc, phía sau 1 lớp sắt xi dày được ngụy trang bằng bùn đất.
Tại thời điểm trên, trên xe còn có Giàng A Di (SN 1995) trú tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Chiếc máy xúc chứa tang vật vụ án

Vàng A Minh - người nhận 198 bánh heroin để chuyển đi Trung Quốc
Di khai nhận được thuê vận chuyển số ma túy trên lên Cao Bằng để giao cho Vàng A Minh (SN 1978) trú tại xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên rồi chuyển sang Trung Quốc. 
Ngày 17-10, đối tượng Vàng A Minh đã bị bắt khi đang ẩn náu tại một nhà nghỉ trên địa bàn phường Sông Hiến, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
Tang vật vụ án
Tại cơ quan Công an, bước đầu 2 đối tượng khai nhận được thuê vận chuyển số ma túy trên với từ Điện Biên đến Cao Bằng với số tiền 1 tỷ đồng.
          Hiện, vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hoa Hồng - PVCBĐB tổng hợp

Thứ Ba, 16 tháng 10, 2018

CAO BẰNG: BẮT 2 ĐỐI TƯỢNG VẬN CHUYỂN HƠN 300KG PHÁO LẬU


Rạng sáng ngày 15/10, Đồn Biên phòng Đàm Thủy phối hợp với Đội đặc nhiệm Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 375 kg pháo nhập lậu qua biên giới và thu giữ 275 kg pháo vô chủ.
Hai đối tượng cùng tang vật bị bắt giữ.
       Cụ thể lúc 1 giờ ngày 15/10, trong quá trình tuần tra tại khu vực xóm Háng Thoang-Dộc Mạ, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, lực lượng của Đồn Biên phòng Đàm Thủy phối hợp với Đội Đặc nhiệm Biên phòng kiểm tra, phát hiện Mạc Văn Bột (SN1985) và Mạc Văn Huy (SN 1987), cùng trú tại xóm Háng Thoang-Dộc Mạ, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, đang vận chuyển trái phép pháo từ Trung Quốc vào Việt Nam; thu giữ gồm 15 thùng carton, trong mỗi thùng chứa 18 hộp pháo (pháo nổ dạng giàn 36 quả nổ) với tổng trọng lượng 375kg cùng một số tang vật có liên quan khác.
     Đến 2 giờ cùng ngày, tại khu vực Lũng Đoỏng Vài gần Mốc 816, xã Đàm Thủy, lực lượng chức năng của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tiếp tục phát hiện và tịch thu 11 thùng pháo vô chủ với tổng trọng lượng 275kg.
       Các đối tượng và tang vật được lực lượng Biên phòng bàn giao cho Công an huyện Trùng Khánh tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Hoa Hồng - PVCBĐB

Cao Bằng xem xét sáp nhập nhiều sở ngành



Ngày 11/10, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, khóa XVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 tổ chức Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng).
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã thông qua Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến về chủ trương sáp nhập một số cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo Nghị quyết số 18 - NQ/TW, Nghị quyết 19 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII...
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng nhất trí chủ trương triển khai thực hiện Dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); nhất trí chủ trương chấp thuận cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu, lập dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức BOT. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng nhất trí ban hành Tờ trình về triển khai thực hiện Dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định về thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện dự án...
Về chủ trương sáp nhập một số cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo Nghị quyết số 18 - NQ/TW, Nghị quyết 19 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đề ra các phương án thực hiện thí điểm hợp nhất, sáp nhập một số sở, ban, ngành, đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy có chức năng, nhiệm vụ tương đồng trong thời gian tới.
Cụ thể, hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh thành Đảng bộ Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng; hợp nhất Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh thành Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra tỉnh Cao Bằng; hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ tỉnh Cao Bằng; hợp nhất Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng; hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính thành Sở Tài chính - Kế hoạch; hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Thông tin - Khoa học công nghệ; hợp nhất Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thành Văn phòng tỉnh Cao Bằng.

Kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn đề nghị các cấp, ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, có giải pháp tích cực, xây dựng kịch bản để điều hành đồng bộ, quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung hành động, sáng tạo để đột phá thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của năm 2018 đề ra; tập trung hoàn thành các mục tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đưa 6 xã về đích nông thôn mới trong năm 2018; tập trung tháo gỡ những nút thắt trong giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và thu ngân sách trên địa bàn.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tiến hành biểu quyết và nhất trí thông qua Nghị quyết về chủ trương triển khai thực hiện Dự án đầu tư đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng). Điều này thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong việc cụ thể hóa nội dung Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVIII đề ra; là cơ sở quan trọng để triển khai các bước đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết để thực hiện các đề án của Ban Thường vụ, Ban chấp hành Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đảm bảo tiến độ đề ra.../.
Theo Báo Chính phủ


Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Cao Bằng: Bắt giữ đối tượng vận chuyển hơn 2,5 tấn pháo nổ


Một vụ vận chuyển pháo lậu lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vừa bị Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, tỉnh Cao Bằng phát hiện và triệt phá thành công, hơn 2,5 tấn pháo là tang vật thu được tại hiện trường.
Vào lúc 8h50 ngày 10/10, tại khu vực Mốc 941, địa bàn Đồn Biên phòng Tà Lùng (thuộc xóm Lũng Om, xã Đại Sơn, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng), Đoàn Đặc nhiệm miền Bắc, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng tổ chức phá án, bắt quả tang 1 đối tượng người nước ngoài khi đang vận chuyển trái phép số lượng lớn pháo nổ từ Trung Quốc qua biên giới vào nội địa Việt Nam tiêu thụ.
Đối tượng cùng khối lượng lớn pháo tang vật bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Đối tượng bị bắt giữ là Đoàn Diệu Phi, sinh năm 1969, quốc tịch Trung Quốc; thường trú tại thôn Nà Quán (Nà Con), thị trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Tang vật thu giữ tại hiện trường: 2.552 kg pháo nổ do Trung Quốc sản xuất, được chứa trong 116 thùng cát - tông, mỗi thùng có trọng lượng 22 kg (trong đó, 27 thùng có chứa 4 dây pháo/thùng, 89 thùng có chứa 5 dây pháo/thùng).
Hiện, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng phối hợp với các lực lượng chức năng đã hoàn tất các thủ tục pháp lý để bàn giao đối tượng cùng tang vật cho cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Cao Bằng tiếp tục xử lý.
Theo Báo Pháp luật

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2018

Thông cáo về Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII


          Chiều 6-10, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương đã bế mạc sau 5 ngày làm việc. Ban Chấp hành Trung ương đã ra thông cáo Hội nghị. Cụ thể toàn văn Thông cáo như sau:
          Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 02-10 đến ngày 6-10-2018, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII họp Hội nghị lần thứ 8 để thảo luận, cho ý kiến về: Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng; xem xét một số vấn đề về công tác cán bộ và một số vấn đề quan trọng khác. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.
          Sau khi xem xét, thảo luận các tờ trình, đề án và các báo cáo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết nghị:
1. Thông qua nội dung cơ bản Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo hoàn chỉnh, ban hành chính thức và tổ chức thực hiện Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Thông qua Kết luận về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Giao Bộ Chính trị, căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để ban hành chính thức Kết luận; chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
3. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
4. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; xem xét, quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng; bầu bổ sung hai Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII.
5. Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bằng hình thức: Cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 – 2016.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Trần Văn Minh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
6. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, thảo luận Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 7 đến Hội nghị Trung ương 8 khóa XII; Báo cáo công tác tài chính đảng năm 2017; và một số vấn đề quan trọng khác.
7. Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2018 và các năm tiếp theo; tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận, quy định của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Theo nguồn dẫn: TTXVN


Thứ Bảy, 6 tháng 10, 2018

(NÓNG) VỤ BÁC SỸ GIẾT VỢ: TÌM THẤY THI THỂ PHỤ NỮ NGHI LÀ NẠN NHÂN TẠI ĐỊA PHẬN TRUNG QUỐC


Liên quan đến vụ án bác sĩ giết vợ rồi phi tang xác ở Cao Bằng, sáng nay (6/10), đại tá Nông Minh Đức, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Phó Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng cho biết: vào ngày 27/9, trên đoạn sông thuộc địa bàn huyện Phù Tuy, thành phố Sủng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc), Công an Trung Quốc đã phát hiện thi thể người phụ nữ nghi là nạn nhân vụ án trên.
Ngày 4/10, ngay sau khi nhận được tin báo từ phía Công an Trung Quốc, lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng đã liên hệ với Công an Trung Quốc và dẫn bố mẹ, người thân của chị Đặng Thị Hiếu (SN 1988) sang Trung Quốc nhận diện thi thể và một số đồ trang sức, lấy mẫu xét nghiệm ADN.
“Đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định hơn 90%, thi thể được tìm thấy ở huyện Phù Tuy, thành phố Sủng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc) là chị Đặng Thị Hiếu. Bởi theo người nhà chị Hiếu nhận diện qua đồ trang sức thì thi thể đó đúng là chị Hiếu. Ngoài ra, theo lời khai của Triệu Văn Hải, bị can đã dùng dây giày thể thao buộc gập thi thể người vợ lại rồi cho vào bao tải. Bên cạnh đó, tử thi tại hiện trường mà cơ quan công an Trung Quốc thông tin trùng khớp với lời khai của Hải tại cơ quan điều tra. Bởi Hải dùng dây sạc điện thoại buộc bao và tại hiện trường cũng chính xác như vậy. Tuy nhiên, để khẳng định chính xác, chúng tôi sẽ đợi sang tuần khi Công an Trung Quốc công bố kết quả xét nghiệm ADN”, đại tá Đức nhấn mạnh.
Khi có kết quả giám định ADN chính xác là chị Đặng Thị Hiếu thì cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ bàn giao thi thể về cho Việt Nam.
Theo đại tá Nông Minh Đức, thông tin Hải phân xác vợ là không chính xác.
Trước đó, vào hồi 15h00, ngày 31/8/2018 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng nhận tin báo vụ việc nghi án mạng xảy ra tại Tổ 13, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng. Sau khi nhận được tin báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành điều tra, xác minh và tiến hành khám nghiệm hiện trường, bước đầu xác định đối tượng là Triệu Văn Hải, sinh năm 1976, nạn nhân là Đặng Thị Hiếu (vợ của Hải), sinh năm 1988, cùng trú tại Tổ 13, phường Sông Hiến, Thành phố Cao Bằng. Nhận định sau khi gây án, đối tượng Hải đã trốn khỏi địa phương. Với các thông tin, tài liệu thu thập được và kết quả khám nghiệm hiện trường, kết quả giám định, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng có đủ căn cứ khởi tố vụ án và xác lập chuyên án để đấu tranh.
Bằng các biện pháp khoa học kỹ thuật nghiệp vụ và sự phối hợp của Cục Cảnh sát hình sự, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý - Bộ Công an và các đơn vị nghiệp vụ, đến 20h00, ngày 07/9/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng đã bắt được đối tượng Triệu Văn Hải tại Nhà nghỉ Hoàng Huy, ngõ 166, đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Vụ việc đang được tiếp tục làm rõ...
PVCBĐB tổng hợp

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

NHỮNG NỘI DUNG QUAN TRỌNG ĐẦU TIÊN TẠI HỘI NGHỊ TRUNG ƯƠNG 8 KHÓA XII


  Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất rất cao giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Đồng thời, xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (nhiệm kỳ 2011-2016).
Ngày 3/10, ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 công tác nhân sự.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước
Cũng tại phiên họp này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung 2 Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XII là đồng chí Võ Thái Nguyên và đồng chí Trần Đức Thắng.
Ngày 4/10, ngày làm việc thứ ba của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ, thảo luận về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Trước đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bằng hình thức: Cách chức Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Thông tin Truyền thông
Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Trần Văn Minh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng bằng hình thức: Khai trừ ra khỏi Đảng.
Theo Báo Chính phủ




Thứ Ba, 2 tháng 10, 2018

ĐIỂM LẠI NHỮNG CÔNG LAO TO LỚN CỦA CỐ TỔNG BÍ THƯ ĐỖ MƯỜI


Theo tin từ Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 23 giờ 12 phút ngày 1 tháng 10 năm 2018 tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, thành phố Hà Nội.

Tiểu sử cố Tổng bí thư Đỗ Mười
Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. (Ảnh: TTXVN)
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ở cương vị công tác nào, đồng chí Đỗ Mười cũng luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, luôn giữ vững khí tiết, phẩm chất của người cộng sản, luôn tận tâm, tận lực vì nước, vì dân.
Trưởng thành trong thực tiễn cách mạng
Đồng chí Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917, quê ở xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. 
Là một thanh niên yêu nước sớm giác ngộ cách mạng, năm 19 tuổi, đồng chí Đỗ Mười tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận bình dân. 
Năm 1939, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù giam tại Hỏa Lò, Hà Nội. 
Tháng 3/1945, đồng chí vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Tỉnh ủy Hà Đông, trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông. 
Đồng chí Đỗ Mười đã đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong Đảng và chính quyền, từ Bí thư cấp ủy tại một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính và Chính ủy Tư lệnh Liên khu III; Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến và Chính ủy Tư lệnh khu Tả Ngạn sông Hồng trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đến đứng đầu một số bộ, ngành, nhiều năm tham gia lãnh đạo Chính phủ và đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư của Đảng. 
Đồng chí còn là đại biểu Quốc hội khóa II, IV, V, VI, VII, VIII, IX.
Trưởng thành từ một công nhân, với nhiệt huyết cách mạng sục sôi, lại chịu khó tự học, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn cùng với sự mẫn cảm chính trị đã tạo cho đồng chí Đỗ Mười sự hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực với một tư duy sắc sảo, nhạy bén và khả năng hùng biện, cuốn hút mọi người cùng hành động. 
Trải qua nhiều lĩnh vực công tác, cùng với những thăng trầm trong tiến trình phát triển của đất nước đã tôi luyện đồng chí Đỗ Mười thành một nhà lãnh đạo có bản lĩnh vững vàng, sắc sảo, quyết đoán và gắn bó máu thịt với nhân dân. 
Từ cuối thập niên 70 đến giữa thập niên 80 của thế kỷ 20, nền kinh tế nước ta trong tình trạng khủng hoảng kéo dài, lạm phát tăng cao, sản xuất đình đốn. Việc chuyển đổi cơ chế quản lý nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân là nhiệm vụ hết sức khó khăn, trong nhiều vấn đề cụ thể còn là cuộc đấu tranh về quan điểm phát triển đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao. 
Với trách nhiệm là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí Đỗ Mười đã cùng với nhiều đồng chí lãnh đạo và các cán bộ đi sâu đi sát cơ sở, nghiên cứu tìm tòi từ thực tiễn, đề xuất với Đảng và Chính phủ nhiều giải pháp sáng tạo trong lãnh đạo điều hành để thực hiện những bước đi quan trọng về phát huy dân chủ trong kinh tế, từng bước đổi mới mô hình phát triển kinh tế. 
Nhờ đó, những khó khăn của nền kinh tế dần được tháo gỡ, sản xuất và đời sống nhân dân được từng bước cải thiện. Trên cơ sở phát huy nội lực, Việt Nam đã kiềm chế được lạm phát phi mã từ 774% năm 1986 xuống 34% năm 1989, 14% năm 1992.
Tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
Đồng chí Đỗ Mười là một lãnh đạo cầu thị. Đồng chí đi nhiều, nghe nhiều, đọc nhiều và tạo ra không khí tranh luận sôi nổi ở các hội nghị các ngành ở Trung ương và cả các cuộc họp ở cơ sở.
Đồng chí cũng chính là người đóng góp tích cực cho Nghị quyết của Trung ương về xây dựng cơ chế dân chủ cơ sở. 
Dù ở cương vị nào và ngay cả lúc đã nghỉ công tác, đồng chí vẫn luôn giữ cho mình thói quen đọc sách, nghe tin tức để cập nhật kiến thức và nắm tình hình.
Trong thời gian giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đoàn kết, thống nhất, lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào định hướng phát triển phương thức lãnh đạo, quản lý đất nước trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, đối ngoại…
Đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo đội ngũ cán bộ quản lý, các nhà khoa học nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế, đưa đất nước phát triển.
Đối với công tác xây dựng Đảng, đồng chí Đỗ Mười luôn giữ vững nguyên tắc, kiên định lập trường, nhưng cũng rất lắng nghe và cầu thị. 
Đồng chí là người luôn chăm lo đến công tác đào tạo cán bộ cho Đảng và Nhà nước. Đối với đồng chí, cán bộ phải được rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn của cách mạng để thể hiện năng lực cũng như bản lĩnh chính trị.
Với tình cảm chân thành và trách nhiệm của một cán bộ lãnh đạo đi trước, đồng chí luôn tận tình giúp đỡ, truyền đạt những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cho các thế hệ đi sau.
Gắn bó với nhân dân, quan tâm đến đời sống của các tầng lớp nhân dân là bản chất, là tính cách tự nhiên của đồng chí Đỗ Mười.
Với tác phong sâu sát cơ sở, giữ vững nguyên tắc, tôn trọng và lắng nghe ý kiến cấp dưới, đồng chí luôn giữ được mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, phát huy được trí tuệ tập thể trong lãnh đạo, chỉ đạo. 
Đồng chí luôn gần gũi và sẵn sàng đối thoại với dân, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; luôn trăn trở về các chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 
Đảm trách cương vị Tổng Bí thư của Đảng, dù rất bận nhưng đồng chí vẫn dành thời gian đọc đơn thư của dân, chỉ đạo việc tiếp dân, coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên của lãnh đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền. 
Đặc biệt quan tâm đến những người có công với cách mạng, gia đình chính sách, đồng chí Đỗ Mười đã đề xuất phong tặng Danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xác lập thêm một hình thức tri ân, đền ơn đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục và giá trị nhân văn sâu sắc trong xã hội.
Trong những năm gần đây, tuy tuổi đã cao, nhưng đồng chí vẫn tiếp tục miệt mài nghiên cứu, tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng và Nhà nước. Đồng chí vẫn đọc, vẫn nghe, vui mừng trước các thành tựu của đất nước, trăn trở trước những khó khăn của đời sống nhân dân.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng chí Đỗ Mười trong tám thập kỷ hoạt động cách mạng liên tục, ngày 28/4/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, chúc mừng và trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đồng chí Đỗ Mười.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đây vừa là vinh dự lớn lao của bản thân đồng chí và gia đình, vừa là niềm tự hào của Đảng đã tôi luyện nên những chiến sỹ cộng sản kiên trung mà đồng chí Đỗ Mười là tấm gương mẫu mực, sáng ngời để các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.” 
Vĩnh biệt Tổng Bí thư Đỗ Mười! Tổ quốc và nhân dân mãi nhớ tới hình ảnh của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, gần gũi, trung kiên, nhiệt huyệt cách mạng, tận tụy với Đảng, tận hiếu với dân./.