Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2018

LẬT TẨY THỦ ĐOẠN GIẢ DANH CÔNG AN LỪA ĐẢO XIN VIỆC CHIẾM ĐOẠT GẦN 2 TỶ ĐỒNG


Phòng Cảnh sát kinh tế - CATP Hà Nội vừa bắt giữ Vũ Bắc Hà (SN 1988), quê quán Cao Bằng, trú tại quận Hai bà Trưng, Hà Nội về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo tài liệu điều tra, khoảng tháng 5-2014, Vũ Bắc Hà đến Viện nghiên cứu hỗ trợ phát triển nhân lực doanh nghiệp (trực thuộc Hội khoa học phát triển nhân lực nhân tài Việt Nam), có địa chỉ tại số 1 - đường Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân, Hà Nội để xin học về lĩnh vực giáo dục.
Tại đây Hà tự xưng là Thượng úy thuộc quân số của một đơn vị an ninh quan trọng của Bộ Công an, và chỉ những dịp đặc biệt mới phải đi làm... nên muốn tìm hiểu về mảng giáo dục. Trong những buổi học, Hà luôn miệng khoe mình quen biết với nhiều lãnh đạo cấp cao và có thể xin cho người khác được việc làm tại các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là xin học tại các trường Đại học và Cao đẳng của ngành Công an.
Sau khi nghe Hà giới thiệu như vậy, một số người nhẹ dạ, cả tin, trong đó có anh Nguyễn Hữu Th (quê quán huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) muốn nhờ Hà xin cho hai em là Nguyễn Thị Thùy L, và Nguyễn Thị H được học tại trường công an. Năm 2015, Hà yêu cầu anh Th chuyển phiếu điểm học cấp 3 của L và H, kèm theo 400 triệu đồng mỗi người để lo thủ tục. Tại địa chỉ số 1, ngõ 660 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà đã nhận tổng số 800 triệu đồng và có giấy biên nhận giữa hai bên.
Trong thời gian này, Hà tiếp tục lừa đảo số tiền 560 triệu đồng của hai người là Nông Văn L và Lý Hồng T, cùng trú tại tỉnh Cao Bằng, nói rằng sẽ “lo” cho họ vào một trường quân đội tại tỉnh Thái Nguyên. Cùng với đó, Hà đã nhận tiền của anh Lương Thu T, quê Cao Bằng, hứa xin cho anh T vào làm việc tại một đơn vị thuộc Bộ tư lệnh CSCĐ. Ngoài ra, Hà còn nhận tiền của nhiều cá nhân với thủ đoạn xin vào các trường thuộc ngành Công an và “chạy” cho các xuất đi lính nghĩa vụ, hoặc chuyển sang chuyên nghiệp thuộc lực lượng công an với giá mỗi người là 250 triệu đồng.
Với thủ đoạn này, Hà nhận trước của 4 trường hợp với tổng số tiền là 300 triệu đồng. Sau đó, 2 trong 4 người không đủ tiêu chuẩn đi nghĩa vụ tại Bộ Tư lệnh CSCĐ, đã tìm đến đòi lại từ Hà 100 triệu đồng.
Căn cước công dân của đối tượng Hà
Tại cơ quan CSĐT, Hà khai nhận đã lừa đảo chiếm đoạt được tổng số 1 tỷ 960 triệu đồng. Tuy nhiên, do các nạn nhân tố cáo đến cơ quan chức năng nên Hà đã trả lại cho một số người khoảng 1 tỷ 40 triệu đồng. Hiện Hà còn chiếm đoạt số tiền 920 triệu đồng.
`        Qua vụ án trên, chỉ huy Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội cảnh báo: “Hiện nay, do nắm được nhu cầu cần xin việc làm của người dân, một số đối tượng giả danh là cán bộ Nhà nước, có quan hệ với lãnh đạo cấp cao có thể xin việc vào bất cứ cơ quan nào, đây là thủ đoạn không mới nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy. Để tránh bị “dính” bẫy lừa đảo thủ đoạn tương tự, người dân nên thận trọng xác minh đối tác khi có ý định nhờ xin việc, xin học… nếu nhận thấy có dấu hiệu bất thường nhanh chóng trình báo cơ quan công an để kịp thời ngăn chặn tránh việc tiền mất tật mang”.
Hiện vụ án đang được Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội điều tra. Ai là bị hại của vụ án trên, đề nghị liên hệ cung cấp thông tin liên quan để phục vụ công tác điều tra. Địa chỉ liên hệ: Đội 9, Phòng CSKT- CATP Hà Nội (số 44 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Theo An ninh thủ đô

ÔNG ĐINH LA THĂNG BỊ TUYÊN PHẠT THÊM 18 NĂM TÙ, PHẢI BỒI THƯỜNG 600 TỶ ĐỒNG


HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trước đó, bị cáo Đinh La Thăng đã bị tuyên phạt 13 năm tù tại phiên tòa diễn ra hồi tháng 1/2018.

Sau khi xem xét toàn diện vụ án, đánh giá nhân thân cũng như các tình tiết giảm nhẹ cho từng bị cáo, HĐXX đã tuyên phạt các bị cáo.
Cụ thể, bị cáo Đinh La Thăng 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Bị cáo Ninh Văn Quỳnh bị tuyên phạt 7 năm tù cùng về tội “Cố ý làm trái...”, 16 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; tổng hình phạt buộc bị cáo Quỳnh phải chấp hành hình phạt 23 năm tù.
Các bị cáo bị tuyên phạt về tội “Cố ý làm trái...” gồm: bị cáo Vũ Khánh Trường: 5 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn: 30 tháng tù; Nguyễn Xuân Thắng: 22 tháng tù; Nguyễn Thanh Liêm: 20 tháng cải tạo không giam giữ và Phan Đình Đức 15 tháng cải tạo không giam giữ.
Theo bản án sơ thẩm được TAND TP Hà Nội tuyên chiều 29/3, năm 2008, sau khi không được thành lập Ngân hàng Hồng Việt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN chuyển sang góp vốn với các tổ chức tín dụng, trong đó có việc mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Đại Dương - Oceanbank. Ông Đinh La Thăng với vai trò Chủ tịch HĐTV PVN đã chỉ đạo và quyết định việc PVN góp vốn vào Oceanbank để PVN trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng này.
HĐXX đang tuyên án ông Đinh La Thăng và các đồng phạm

Các bị cáo nghe tòa tuyên án
Thực hiện chỉ đạo và chủ trương của Đinh La Thăng, các bị cáo Vũ Khánh Trường, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN) cùng Nguyễn Xuân Sơn - Phó Tổng Giám đốc, Ninh Văn Quỳnh - Kế toán trưởng, Trưởng Ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN đã tích cực thực hiện 3 lần góp vốn của PVN vào Oceanbank với tổng số tiền 800 tỷ đồng.
Theo HĐXX, ông Đinh La Thăng đã ký thỏa thuận góp vốn vào Oceanbank không thông qua HĐQT, quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank, ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng, không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính để đảm bảo các điều kiện về góp vốn.
Ông Thăng biết rõ hiện trạng yếu kém của Oceanbank, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank. Khi Luật tổ chức tín dụng đã có hiệu lực quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…”, với vai trò Chủ tịch HĐTV, ông Thăng không thực hiện việc thoái vốn mà tiếp tục ký quyết định giao người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank, trái Luật Tổ chức tín dụng 2010, tạo điều kiện cho các bị can Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (đợt 3) vào Oceanbank.
Bên cạnh đó, do không có cơ chế giám sát người đại diện vốn, chỉ căn cứ báo cáo của Oceanbank nên PVN không phát hiện sai phạm của Oceanbank. Hàng loạt vi phạm về tín dụng trong thời gian Nguyễn Xuân Sơn và một số cán bộ khác của ngành dầu khí tham gia điều hành Oceanbank đã khiến ngân hàng này thua lỗ.
Hậu quả, với năng lực yếu kém của Oceanbank và những hành vi vi phạm của Hà Văn Thắm, Oceanbank đã bị thua lỗ nghiêm trọng, không còn giá trị vốn của chủ sở hữu, dẫn đến toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng vốn góp của PVN tại Oceanbank đã bị mất hoàn toàn khi Ngân hàng Nhà nước phải mua lại bắt buộc Oceanbank để Nhà nước phải khắc phục các hậu quả thiệt hại nặng nề của Oceanbank gây ra.
HĐXX khẳng định, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại số tiền 800 tỷ đồng của PVN là do các hành vi trái pháp luật của ông Đinh La Thăng và các bị cáo đồng phạm gây ra.
Trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng, HĐXX đã đánh giá, làm rõ mức độ, tính chất hành vi vi phạm, vai trò của từng bị cáo trong vụ án. Theo HĐXX, trong vụ án này, trách nhiệm lớn nhất thuộc về ông Thăng khi ông quyết định chủ trương, chỉ đạo việc thực hiện. Với tư cách là người đứng đầu PVN, ông Thăng có trách nhiệm bảo toàn vốn của PVN vì thế phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng góp vào Oceanbank.
Theo phán quyết của tòa, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng của PVN.
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh biết rất rõ năng lực yếu kém của Oceanbank nhưng vẫn chỉ đạo Ban Tài chính kế toán tham mưu soạn thảo văn bản để Ban Giám đốc và HĐQT PVN hoàn tất các thủ tục góp vốn của PVN vào Oceanbank 3 lần với tổng số tiền 800 tỷ đồng.
HĐXX đánh giá, hành vi của bị cáo Quỳnh đã đồng phạm, giúp sức với vai trò là người thực hành tích cực cho các hành vi sai phạm của bị cáo Đinh La Thăng. Hành vi của bị cáo xâm phạm đến tài sản của Nhà nước và sự liêm chính của cán bộ, công chức, là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay, tạo ra sự mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước. Vì vậy, Ninh Văn Quỳnh phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hậu quả, gây thiệt hại cho PVN là 800 tỷ đồng.
Bị cáo Vũ Khánh Trường trực tiếp tham gia biểu quyết 2 lần PVN góp vốn vào Oceanbank, biểu quyết và ký ban hành nghị quyết số 4658 để PVN bị sung vốn 300 tỷ đồng vào Oceanbank theo ủy quyền của bị cáo Đinh La Thăng trong khi biết rõ chưa có sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ; biểu quyết đồng ý để HĐTV ban hành Nghị quyết 4266 góp vốn bổ sung 100 tỷ đồng giai đoạn 3, nâng tổng số vốn góp thành 800 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo Vũ Khánh Trường đã giúp sức cho các bị cáo khác trong vụ án gây thiệt hại cho PVN 400 tỷ đồng.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn thực hiện chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng đã ký các văn bản đề nghị HĐTV tăng vốn bổ sung 100 tỷ đồng vào Oceanbank để duy trì tỷ lệ 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank. Hành vi của bị cáo Sơn đã đồng phạm với bị cáo Thăng thực hiện hành vi làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho PVN số tiền 100 tỷ đồng.
Các bị cáo Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN), trong 3 lần góp vốn của PVN vào Oceanbank đã có hành vi biểu quyết đồng ý để Nguyễn Xuân Thắng ký ban hành Nghị quyết 4266 ngày 16/5/2011, phê duyệt chủ trương PVN góp bổ sung 100 tỷ đồng (lần 3), nâng tổng số vốn góp của PVN lên 800 tỷ đồng.
Hành vi của Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Xuân Thắng, Phan Đình Đức đã làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, đồng phạm giúp sức cho các bị cáo khác trong vụ án, gây thiệt hại cho PVN là 100 tỷ đồng.
HĐXX cho rằng Đinh La Thăng phải chịu mức án cao hơn, 6 bị cáo còn lại phạm tội với vai trò thứ yếu nên được hưởng mức án thấp dưới khung hình phạt có thể áp dụng. Theo đó, với 800 tỷ đồng thiệt hại khi PVN đầu tư vào Oceanbank, HĐXX buộc bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng, Ninh Văn Quỳnh 100 tỷ đồng, Vũ Khánh Trường 40 tỷ đồng. Bốn bị cáo còn lại là Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đức mỗi người có trách nhiệm bồi thường 15 tỷ đồng.  
Việc đưa vụ án ra xét xử nghiêm minh đối với các bị cáo thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm về kinh tế, chức vụ, tội phạm tham nhũng, thể hiện rõ pháp luật không có vùng cấm, bất cứ ai, dù ở cương vị nào, nếu vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Theo Báo Dân trí


Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

TRÀ LĨNH: PHÁT HIỆN, BẮT QUẢ TANG ĐỐI TƯỢNG VẬN CHUYỂN GẦN 1 TẤN PHÁO LẬU


Chiều ngày 26/3, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực biên giới xóm Thin Phong, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, lực lượng chức năng huyện Trà Lĩnh đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng Đàm Văn Hợp (SN 1990, thường trú tại xóm Thin Phong, xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh) về hành vi vận chuyển pháo lậu. Tang vật thu giữ gồm 39 bao tải chứa nhiều hộp pháo. 6 bao tải chứa các cuộn pháo dạng dây (có xuất xứ từ Trung Quốc) với tổng trọng lượng gần 704 kg.


Đối tượng cùng tang vật

Hiện, vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
 PVCBĐB tổng hợp

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

Anh Sáu Khải, người con ưu tú của Nam Bộ, một tấm lòng sắt son vì nước, vì dân


Anh Sáu (tên gọi thân mật của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải) là một người con ưu tú của dân tộc. Sinh ra trên mảnh đất Củ Chi "Ðất thép thành đồng", thoát ly gia đình tham gia hoạt động cách mạng tại vùng đất Gia Ðịnh thân thương, rồi tập kết ra bắc, được đào tạo tại nước ngoài và trở lại lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trong những năm mà thành phố này góp phần tạo nên những tiền đề thực tiễn rất sống động để T.Ư hình thành đường lối đổi mới. Những năm tháng đầu tiên của "đổi mới" đầy khó khăn, thử thách đó cũng chính là môi trường để trui rèn bản lĩnh của người cán bộ.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: TTXVN.
Khi đó, với vai trò là người đứng đầu chính quyền thành phố, Anh Sáu đã trăn trở, lo toan, dò dẫm thực hiện những bước đi đầu tiên hết sức quan trọng để đưa TP Hồ Chí Minh phát triển và từng bước hội nhập quốc tế. Trong những năm tháng đó, tôi có một khoảng thời gian làm việc cùng Anh Sáu, với tình đồng chí vừa ấm áp thiêng liêng, vừa chân tình nồng đượm. Giữa Anh Sáu và tôi đã có rất nhiều chuyện để nhớ, những kỷ niệm không thể nào quên và tôi cũng đã học được rất nhiều từ Anh.
Nhà lãnh đạo với tư duy đột phá trong hội nhập quốc tế
Ngay từ buổi đầu của "đổi mới", khi là người đứng đầu chính quyền TP Hồ Chí Minh, Anh đã thể hiện một tư duy đột phá hết sức năng động và sáng tạo trong việc điều hành kinh tế của thành phố và chủ động hội nhập quốc tế. Nhớ lại quãng thời gian cách đây 30 năm, thời điểm đó, công cuộc "đổi mới" vừa mới được khởi động, tư duy cũ, cách làm cũ vẫn còn nặng nề, những bước chuyển vừa chớm bắt đầu, hai đầu Tổ quốc tiếng súng vẫn còn vang, sự hỗ trợ của Liên Xô và khối XHCN đã kết thúc, đất nước oằn mình trong cảnh bao vây cấm vận. Với trọng trách của mình, Anh Sáu đã tận tâm, tận sức cùng tập thể lãnh đạo và nhân dân thành phố lao tâm khổ tứ, nghiên cứu tìm tòi các bước đi đầu tiên trong đổi mới. Trong bối cảnh đó, với tư duy đổi mới, Anh Sáu hết sức quan tâm đến thúc đẩy kinh tế nhiều thành phần, kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Một trong những kỷ niệm sâu đậm nhất Anh Sáu để lại trong tôi là việc Anh dẫn đầu đoàn đại biểu thành phố đi thăm bốn nước Ðông - Nam Á để tìm hiểu về kinh tế, vận động đầu tư, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế.
Ðiểm đến quan trọng của chuyến đi là Xin-ga-po, quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh nhất, năng động nhất trong khu vực. Thời điểm này, TP Hồ Chí Minh nói riêng và nước ta nói chung chưa có quan hệ ngoại giao với Xin-ga-po cho nên đoàn gặp rất nhiều khó khăn trong việc liên hệ gặp gỡ, trao đổi cũng như không thể thăm trực tiếp nhiều nơi. Suốt cả chuyến đi, đến nơi nào Anh Sáu cũng chăm chú nghe những bài học, những kinh nghiệm, những lời khuyên mà phía bạn đưa ra. Sau mỗi buổi gặp, mỗi buổi làm việc, Anh Sáu đều trò chuyện, nhắc lại để chúng tôi thảo luận thêm, gắn với tình hình thực tiễn TP Hồ Chí Minh. Tại quốc gia nào, điểm đến nào Anh Sáu cũng giới thiệu hết sức tâm huyết về các chính sách mới ban hành trong việc kêu gọi đầu tư nước ngoài như Luật Ðầu tư năm 1987, Nghị định 139-HÐBT năm 1988. Anh Sáu luôn khẳng định một cách mạnh mẽ rằng, Việt Nam muốn hợp tác với các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Ðông - Nam Á. Bây giờ đề cập đến chuyện kêu gọi, vận động đầu tư nước ngoài là rất bình thường. Song 30 năm trước, nói tới chuyện kêu gọi đầu tư thôi đã là chuyện lạ rồi. Thế nhưng, vì sự phát triển của thành phố, vì nỗi trăn trở chăm lo cải thiện đời sống nhân dân, Anh Sáu đã tìm cách đi dù với danh nghĩa là doanh nhân để tìm cách kêu gọi đầu tư cho TP Hồ Chí Minh. Trong thời điểm bị bao vây, cấm vận mà có suy nghĩ, tư duy đột phá như vậy thật sự không có nhiều người.
Tôi vẫn còn nhớ, có lần đến nhà Anh Sáu, hai anh em uống trà, cùng nhau trò chuyện về định hướng phát triển TP Hồ Chí Minh. Anh Sáu bộc bạch rất chân tình: "Nếu mà kiếm được 50 triệu USD thôi, tao sẽ làm kinh tế thành phố phát triển nhanh hơn và sẽ thay đổi bộ mặt của thành phố". Từ những suy nghĩ này, gắn với việc tìm cách đi nước ngoài tìm hiểu kinh tế, kêu gọi, vận động đầu tư mở ra đột phá về hội nhập quốc tế có ý nghĩa quan trọng trong quá trình điều hành hoạt động của chính quyền TP Hồ Chí Minh của Anh. Những bài học đó, những kinh nghiệm hay, những câu chuyện trong chuyến công tác nước ngoài của Anh Sáu thu thập được trong thời gian Anh ở thành phố, đều có ảnh hưởng đến các quyết định của Anh cũng như sự phát triển kinh tế đất nước về sau này rất nhiều.
Trao cho TP Hồ Chí Minh "cây gậy quý"
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, trong các nội dung chính của Nghị quyết thì nội dung phân cấp, ủy quyền đối với chính quyền TP Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng. Với tư duy đột phá của mình, vào đầu những năm 2000, khi đương nhiệm Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải đã ký ban hành Nghị định về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP Hồ Chí Minh.
Giai đoạn những năm 2000, đồng chí Phan Văn Khải - Anh Sáu Khải, được phân công đảm đương trọng trách Thủ tướng Chính phủ. Anh Sáu đã có sự quan tâm lớn đến đổi mới chính sách, đổi mới kinh tế, đến hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính cũng như công tác xây dựng Ðảng. Trong thời điểm này, tôi được phân công giữ nhiệm vụ Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh và có ấn tượng sâu sắc đối với Anh Sáu. Khi đó, Anh Sáu đã mở ra cho TP Hồ Chí Minh cơ chế tuy không gọi là đặc thù nhưng đã giúp để phát huy tính chủ động, sáng tạo cho thành phố. Cụ thể, năm 2001, Thủ tướng Phan Văn Khải ký Nghị định 93 (Nghị định 93/2001/NÐ-CP ngày 12-12-2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP Hồ Chí Minh), nêu rõ: "Tăng cường phân cấp quản lý cho TP Hồ Chí Minh nhằm đề cao trách nhiệm và tạo điều kiện phát huy tính chủ động, sáng tạo để giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của TP Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với vị trí, vai trò của thành phố với cả nước và khu vực". Tôi còn nhớ rất rõ, nhờ Nghị định này, TP Hồ Chí Minh được phân cấp quản lý về quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức.
Không những vậy, giá trị lớn nhất của Nghị định chính là tính lan tỏa và là tiền đề thực tiễn khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 20 và Nghị quyết 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, đã "cho phép thành phố được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn thành phố đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp". Việc Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành Nghị định 93 vào thời điểm đó đã thể hiện rất rõ tư duy, bên cạnh việc quan tâm thúc đẩy phải đổi mới đồng bộ, toàn diện và hội nhập quốc tế thì gắn liền với đó, TP Hồ Chí Minh là nơi có điều kiện thể nghiệm những cơ chế, chính sách mới để từ thực tiễn khái quát lên thành chính sách chung. Nghị định 93 còn chứa đựng tinh thần trao cho TP Hồ Chí Minh những điều kiện để phát triển tương xứng với vị trí, vai trò của TP Hồ Chí Minh đối với đất nước và khu vực.
Một tấm lòng sắt son
Sau 59 năm tham gia hoạt động cách mạng, với hai nhiệm kỳ giữ trọng trách là người đứng đầu Chính phủ, cùng với Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị chèo lái vận mệnh quốc gia, Anh Sáu rời khỏi chính trường về vui cảnh điền viên giữa tình chòm xóm tại quê nhà xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Trong quãng thời gian nghỉ hưu, Anh Sáu cũng không hề nghỉ ngơi mà tập trung chăm lo những việc mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Trong đó, với tâm huyết của mình, Anh Sáu đã chủ trì đề xuất ý tưởng và cùng tham gia vào công trình xây dựng Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Ðịnh từ khi có Ðảng đến ngày thống nhất đất nước, non sông thu về một mối. Tuy tuổi đã cao, song Anh Sáu vẫn tận sức chăm lo, quan tâm từng chút một, từ thiết kế chung đến từng loại ngói, cụ thể từng tấm bia bằng chất liệu gì được dùng trong công trình; nội dung ghi danh, mỗi chữ, mỗi dấu gạch ngang trên tấm bia đều được sự xem xét, góp ý rất cẩn trọng, tâm huyết của Anh Sáu. Ðến cả việc tạo cảnh quan, trồng cây chung quanh khu truyền thống, Anh Sáu cũng quan tâm, góp ý lựa chọn từng loại cây, bảo đảm sự tiêu biểu cho các vùng miền của đất nước...
Không những vậy, Anh Sáu còn tham gia công tác chỉ đạo việc bảo tồn các căn cứ kháng chiến của Xứ ủy Nam Bộ và T.Ư Cục miền nam trên chiến trường Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Song song đó, là việc tổ chức biên soạn các sách hồi ký kháng chiến, cũng như các phim tư liệu về những năm tháng hào hùng đã qua. Gần đây nhất, được sự đồng ý của Ban Bí thư, Anh Sáu đã nhận trách nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Sách Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Ðây là một công trình lớn, do Ban Bí thư giao cho Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện; thật đáng tiếc Anh Sáu đã không kịp nhìn thấy tâm huyết của mình được hoàn thành.
Ðể kể những kỷ niệm và những điều học tập được từ một nhân cách lớn, một tấm lòng sắt son vì nước, vì dân như Anh Sáu thì không biết bao nhiêu giấy bút, bao nhiêu lời văn cho đủ. Chỉ có thể nói ngắn gọn rằng, đó là một nhà lãnh đạo tài ba, với tư duy vượt trước thời đại, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; một người lãnh đạo hết lòng, hết sức lo toan cho cuộc sống của nhân dân; một người con ưu tú của dân tộc, của Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Ðịnh - TP Hồ Chí Minh hồn hậu chân tình, một đồng chí thân thương, chí tình chí nghĩa và một người luôn hết lòng tri ân những thế hệ đi trước, hết lòng giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo ANTV


Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

VỤ TAI NẠN TRÊN TUYẾN CAO TỐC PHÁP VÂN – CẦU GIẼ: XE CỨU HỎA ĐI NGƯỢC CHIỀU CÓ PHẠM LUẬT?


Tai nạn thảm khốc đã xảy ra vào chiều tối 18/3 trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khi xe cứu hỏa đi ngược chiều, đâm đối đầu với một xe khách gần trạm thu phí Thường Tín (xã Văn Bình, huyện Thường Tín). Nguyên nhân ban đầu xảy ra tai nạn là do trời mưa to và trời tối nhanh có thể làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của tài xế. Ngoài ra, do tài xế không làm chủ tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn nên dẫn tới tai nạn.


Vụ tai nạn gây ùn tắc giao thông kéo dài trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ gây bức xúc cho người tham gia giao thông
 Nhiều người cho rằng sự cố giao thông xảy ra gây ùn tắc kéo dài từ 16h chiều đến hơn 23h đêm nhưng không xả trạm thu phí, thậm chí tại các tuyến đường dẫn vẫn mở cửa bán vé cho xe đi lên cao tốc.
Giải thích về việc này, đại diện đơn vị quản lý tuyến đường cao tốc cho hay, các vụ TNGT trên đều xảy ra ở khu vực giữa tuyến, cách xa trạm thu giá, vì vậy đơn vị không thực hiện xả trạm.
Cũng theo đại diện đơn vị này, lực lượng cứu hộ cứu nạn, có mặt kịp thời tham gia cứu chữa người bị nạn, phân luồng giao thông, bảo vệ tài sản và hiện trường, thu dọn hiện trường và giải quyết hậu quả TNGT đến hồi 23h15 mới xong.
Đề cập tới vấn đề lực lượng Cảnh sát giao thông không phân luồng, điều tiết giao thông từ xa là một trong những nguyên nhân khiến cho ùn tắc trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ càng thêm nghiêm trọng, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết do TNGT liên tiếp xảy ra nên lực lượng phải căng mình giải quyết các vụ việc. Cục CSGT đang yêu cầu báo cáo chi tiết về tình hình trật tự an toàn giao thông trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ ngày 18/3.
Sự việc này cũng đã gây ra rất nhiều tranh luận; nhiều người cho rằng xe cứu hỏa không được phép đi ngược chiều trên cao tốc… Điều này có đúng không?


Những hình ảnh kinh hoàng về hiện trường vụ tai nạn
Đã có khá nhiều bình luận cho rằng cần nghiêm trị hành vi đi ngược chiều trên cao tốc của chiếc xe cứu hoả, thậm chí, nhiều câu nói tỏ thái độ cực kì gay gắt với sự việc này. Tuy nhiên, cần khẳng định lại một lần nữa, việc chiếc xe cứu nạn, cứu hộ của Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội mang biển kiểm soát 29A-02307 đi ngược chiều trên cao tốc là hoàn toàn đúng luật.
Tại điều Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ về Quyền ưu tiên của một số loại xe, cụ thể như sau:
1. Những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:
a) Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ;
b) Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường;
c) Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu;
d) Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật;
đ) Đoàn xe tang.
2. Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Chính phủ quy định cụ thể tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
3. Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Như vậy, trong tai nạn xảy ra trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra tối hôm qua, việc xe cứu hoả đi vào đường ngược chiều trên cao tốc là hoàn toàn được phép theo Luật Giao thông đường bộ.
Trong khi đó, trong Nghị định 46/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, lái xe bị xử phạt từ 2 đến 3 triệu đồng đối với đối với hành vi: Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ (Điều 5 khoảng 6 điểm d); ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng hành thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng (Điều 5 khoản 12 điểm b).
PVCBĐB tổng hợp

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

CAO BẰNG: ĐỒN BIÊN PHÒNG CỬA KHẨU TRÀ LĨNH TRAO TRẢ 11 CÔNG DÂN INDONESIA


Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh vừa tiến hành trao trả 11 công dân mang quốc tịch Indonesia cho Đại sứ quán Indonesia do ông VICTOR JOSEF SAMBUAGA - Tham tán Công sứ tại Hà Nội (Việt Nam) đại diện nhận số công dân trên, với sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Ngoại vụ và Công an huyện Trà Lĩnh.
Theo đó, vào lúc hơn 4 giờ ngày 6/3/2018, tại khu vực mốc 736/2 cách đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc khoảng 15 m, tổ công tác Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà lĩnh phát hiện 12 người, trong đó có 11 phụ nữ có hộ chiếu mang quốc tịch Indonesia và 1 công dân Việt Nam là người dẫn đường. Tại thời điểm kiểm tra, số người trên không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp cho để ra vào khu vực biên giới, nên Đồn đã yêu cầu toàn bộ số người trên về Trạm Kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Trà Lĩnh để làm rõ vụ việc.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh trao trả 11 công dân cho đại diện Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam.
Quá trình làm việc cho thấy hoạt động trên có dấu hiệu đưa người nước ngoài quá cảnh trái phép. Sau khi làm rõ vụ việc, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Trà Lĩnh đã hoàn tất mọi thủ tục, hồ sơ trao trả 11 công dân Indonesia với tình trạng sức khỏe tốt và các tài sản, giấy tờ tùy thân đầy đủ cho ông VICTOR JOSEF SAMBUAGA - Tham tán Công sứ - Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam.
Riêng đối tượng người Việt Nam, Đồn đã bàn giao cho cơ quan chức năng điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.
Nguồn Báo Cao Bằng


Thứ Ba, 13 tháng 3, 2018

CAO BẰNG: XE TẢI LAO XUỐNG SUỐI TRONG ĐÊM KHIẾN TÀI XẾ TỬ VONG



Sáng nay (13/3) người dân tại xã Ngũ Lão (Cao Bằng) đi làm bất ngờ phát hiện chiếc xe tải nằm dưới suối, trong xe tài xế đã tử vong
Theo đó vào sáng sớm nay (13/3), tại km số 6, quốc lộ 3 (cũ) đoạn chạy suối Củn thuộc địa phận xã Ngũ Lão, huyện Hòa An (Cao Bằng) người dân bất ngờ phát hiện một chiếc xe tải nằm dưới suối.
Chiếc xe nằm lật nghiêng giữa suối
Ngay sau khi phát hiện người dân xuống kiểm tra thì phát hiện tài xế xe tải này đã tử vong bên trong cabin xe.
Theo phản ánh của người dân thì chiếc xe tải gặp nạn này mang biển kiếm soát 11C-020.19 nằm ở dưới suối cách mặt đường quốc lộ khoảng hơn 7m.
Qua quan sát tại hiện trường, chiếc xe bị lật nằm ngang dưới suối, toàn bộ phần cabin ngập sâu trong nước. 
Phần cabin xe bị chìm hoàn toàn trong nước
Sau khi nhận được tin báo đến 10h sáng nay, lực lượng chức năng đã trục vớt chiếc xe ôtô và nạn nhân lên bờ xác minh danh tính nạn nhân và tiến hành xử lý vụ việc.
Hiện nguyên nhân vụ việc đang được điều tra làm rõ./.
PVCBĐB tổng hợp

CẢNH GIÁC TRƯỚC CHIÊU TRÒ XUYÊN TẠC CỦA VIỆT TÂN VÀ CÁC TRANG MẠNG PHẢN ĐỘNG TRONG VỤ ÁN NGUYỄN THANH HÓA



Một trong những bài viết xuyên tạc 
được đăng trên fanpage Việt Tân
Trước sự kiện Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa bị tước quân tịch, bắt tạm giam, các trang mạng phản động như: Việt Tân, Hiện tình đất nước, Tin mừng cho người nghèo, Đài Á Châu tự do, BBC Vietnamese, BBC News, Chân trời mới media, Nhật ký yêu nước, tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam, Đảng tự do, kênh VHK …và các phần tử “Hội anh em nhà dân chủ”, các Hội, Nhóm phản động liên tục đăng tải các đoạn video, hình ảnh và bài viết xuyên tạc cho rằng “nay Nguyễn Thanh Hóa bị bắt, có nghĩa là thanh bảo kiếm, hay lá chắn của đảng đã bị chính đảng quẳng vào lò”; “khi tướng công an lại chính là tội phạm thì đám kẻ cướp ngoài xã hôi còn gì phải e dè gì nữa, chúng sẽ lừa lọc, cướp bóc, phá sạch …bởi những kẻ được giao nhiệm vụ bắt chúng, lại đang đi cướp bóc, tham gia vào việc lừa lọc, cướp bóc ở mức độ cao hơn, tàn hại hơn.”. Chúng cho rằng do ăn chia không đều nên giữa nội bộ thanh trừng lẫn nhau, càng “bệnh hoạn” hơn khi chúng cho rằng “Nhưng vấn nạn đó nguy hại trực tiếp đến sinh mạng của Đảng cộng phỉ trước tiên. Bởi chỉ những kẻ nắm giữ quyền lực mới đủ “tư cách” để mà vòi vĩnh hối lộ, tham nhũng, móc ngoặc “ăn không từ một thứ gì” của công và từ túi của dân.”, “độc Đảng sinh tham nhũng, chống tham nhũng cũng chỉ có quyền của độc Đảng”…
Một bài viết xuyên tạc được đăng trên fanpage Đài Á Châu Tự Do
Trong 2 ngày 11 và 12/3/2018 mạng xã hội lên cơn sốt, sốt và sốc khi lệnh bắt giữ tướng công an Nguyễn Thanh Hoá được thực hiện. Ngỡ ngàng, sửng sốt, đau buồn, bức xúc, phẫn nộ… những sắc thái tình cảm ấy có thể hiểu được. Nhưng cũng nhiều không kém là dư luận về niềm tin công lý. Rằng nếu đã vi phạm thì ai cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, dẫu đó có là một vị tướng công an. Đây là sự kiện bình thường của một cơ quan an ninh bởi:
* Thứ nhất: Điều đầu tiên cần nhắc tới là sự công khai kịp thời của ngành công an. Ngay tối Chủ nhật, dù là vào ngày nghỉ, những thông tin về việc bắt giữ bị can Nguyễn Thanh Hoá đã được đăng tải chính thức trên trang chủ của Bộ Công an, chấm dứt sự nhiễu loạn thông tin. Những thông tin ban đầu cho thấy đây là vụ án tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua Internet dưới danh nghĩa các game bài, được điều hành bởi 2 đối tượng – ông Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương. Tướng Nguyễn Thanh Hoá – Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) thuộc Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) được xác định trong vai trò đồng phạm, bảo kê mang tính chất tiếp tay cho đường dây này. Ngỡ ngàng, sừng sốt là đúng, khi một vị tướng công an đứng đầu cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao lại là đồng phạm, mà lại bảo kê cho tội phạm.
* Thứ hai: Chẳng có gì phải sốc cả. Ở đâu, ngành nào, lĩnh vực nào cũng có những người tốt và kẻ xấu, thậm chí tha hoá, biến chất. Cũng giống như một vị trưởng thôn “cầm nhầm” tiền cứu trợ, như vị chủ tịch tập đoàn mua những đống sắt vụn về bảo đó là con tàu, là nhà máy…Vụ bắt giữ một vị nguyên tướng công an, nguyên cục trưởng một đơn vị phòng chống tội phạm, ở khía cạnh tích cực, là lời khẳng định sự bình đẳng trước pháp luật. Một vị tướng vi phạm pháp luật thì đều phải chịu trách nhiệm như một người dân bình thường. Có hai chi tiết đáng chú ý trong vụ án này. Thứ nhất, đây là vụ án mà Bộ Công an đã giao cho công an một địa phương là Phú Thọ trực tiếp thụ lý điều tra.
* Thứ ba, trong hôm qua, Ban Bí thư yêu cầu Đảng ủy Công an trung ương chỉ đạo tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đối tượng có liên quan, xử lý nghiêm minh với tinh thần kiên quyết, chặt chẽ, khách quan, chính xác, đúng người, đúng vi phạm, đúng pháp luật.
Vụ bắt giữ không làm xấu đi hình ảnh lực lượng CAND khi chính ngành công an đang tự làm trong sạch nội bộ. Số bị can trong vụ án đang và có lẽ còn tiếp tục tăng lên, vì thế, chỉ đang chứng tỏ quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực. Một cuộc đấu tranh sẽ không có bất cứ ngoại lệ nào, một cuộc đấu tranh không khoan nhượng, không có vùng cấm và cũng chẳng có ai được mang “kim bài miễn tử”.  Như vậy, tước quân tịch, bắt tạm giam để điều tra thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – nguyên cục trưởng C50 là việc làm thể hiện đúng tinh thần thượng tôn pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Theo Lâm Hoàng Ân (PVCBĐB tổng hợp)

Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

BẮT BÀ TRÙM MA TÚY LẨN TRỐN TẠI CAO BẰNG


Ngày 03/03, Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, đơn vị vừa bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Bế Thị Mần (SN1969), trú tại xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, khi đang lẩn trốn tại nhà người quen ở tỉnh Cao Bằng. 
Bế Thị Mần trong quyết định truy nã; và thời điểm bị bắt
Mần bị truy nã đặc biệt nguy hiểm do tham gia đường dây mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn. Bế Thị Mần là thành viên trong một gia đình có 5 chị, em gái cùng chồng và em rể đều liên quan đến những đường dây ma túy khủng và đều là  những cái tên nổi tiếng trong giới buôn bán “cái chết trắng”. Trong đó, chồng của Mần là Triệu Đức Hanh bị kết án tử hình; các em gồm: Bế Thị Dưng bị kết án tử hình, Bế Thị Mọn (45 tuổi), Bế Thị Kim và em rể Chu Văn Anh (chồng Dưng) đang bị kết án tù về tội danh liên quan đến ma túy, còn lại Bế Thị Nhình (55 tuổi), chị gái của Mần, đã ra tù.
Theo tài liệu của CQĐT, ngày 9/9/2008, Cục CSĐT tội phạm về ma túy phối hợp với CAH Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình bắt giữ Nông Văn Quyết và Hoàng Thị Hải vận chuyển 41 bánh heroin từ Sơn La về Hòa Bình.
Mở rộng điều tra, cơ quan Công an làm rõ các đối tượng khác trong đường dây mua bán ma túy “khủng” này là Trần Thị Hương, trú tại TP Lạng Sơn; Hoàng Văn Tiện, trú tại huyện Văn Lãng, Lạng Sơn, và hai em gái của Bế Thị Mần là Bế Thị Dưng (46 tuổi) và Bế Thị Kim.
Đầu tháng 2/2015, lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng đã bắt quả tang Triệu Đức Hanh – chồng của Bế Thị Mần đang vận chuyển 156 bánh heroin; đồng thời xác định Bế Thị Dưng là đối tượng cầm đầu đường dây mua bán trái phép chất ma túy cùng chồng là Chu Vân Anh và em gái Bế Thị Mọn. Tuy nhiên, các đối tượng này đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Ngày 21/06/2016, Cục CSĐT tội phạm về ma túy và lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên đã bắt giữ Bế Thị Dưng tại tầng 4 của một căn biệt thự (do hai con của Dưng và hai con của Bế Thị Mần đứng tên). Đồng thời tại tầng 2 của ngôi nhà, lực lượng Công an bắt giữ Chu Văn Anh.
Về phần Bế Thị Mần, đối tượng từ khi có quyết định truy nã đã bỏ trốn sang Trung Quốc, thi thoảng lén lút về Việt Nam, và vẫn thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Trung Quốc về Việt Nam và ngược lại.
Với quyết tâm chặt đứt mầm họa cho xã hội, lãnh đạo Cục và Tổng cục Cảnh sát đã quyết định xác lập chuyên án truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Bế Thị Mần.
Bằng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, sự kiên trì, quyết tâm của các chiến sỹ Công an đã thu được kết quả tích cực. Tại tỉnh Cao Bằng, lực lượng chức năng đã xác định đối tượng đang ở trong ngôi nhà của người họ hàng tại phường Hòa Chung, TP Cao Bằng. Sau khi nghiên cứu, phân tích kỹ tình huống, lực lượng chức năng đã chia làm nhiều mũi phục kích, bao vây ngôi nhà và tiến hành bắt giữ Bế Thị Mần, đảm bảo an toàn.
Theo Báo An ninh Thủ đô