Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017

TTO - 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). 
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 có 5 bài thi
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 làm thủ tục trước giờ thi - Ảnh: Như Hùng
Chiều 28-9, Bộ GD-ĐT họp báo công bố phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2017.
Chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp
Kì thi sẽ diễn ra với 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân). 
Trong đó, thí sinh giáo dục THPT thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội. Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học Tự nhiên (tổng hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi Khoa học Xã hội (tổng hợp các môn Lịch sử, Địa lí). Thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.
Các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm (Phiếu TLTN); Phiếu TLTN của thí sinh được chấm bằng phần mềm máy tính. Bài thi Ngữ văn, thi theo hình thức tự luận, do giáo viên chấm. 
Đề thi cho hai mục đích
Đề thi gồm các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp THPT và những câu hỏi phân hóa để phục vụ cho xét tuyển ĐH, CĐ.
So với dự thảo đã công bố, trong phương án thi chính thức, thời gian dành cho các bài thi có sự điều chỉnh. 
Theo đó, đề thi cho mỗi  môn thành phần trong bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm (mỗi bài thi tổ hợp có 120 câu hỏi trắc nghiệm).
Thời gian làm bài dành cho mỗi môn thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là 50 phút (150 phút/bài thi). Thời gian làm bài thi Toán là 90 phút, bài thi Ngoại ngữ là 60 phút.
Đối với các môn thi trắc nghiệm, thí sinh sẽ  có 4 lựa chọn với duy nhất 1 phương án trả lời đúng.
Riêng bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận, thời gian làm bài là 120 phút.
Lịch thi
Kì thi THPT Quốc gia năm 2017 sẽ diễn ra vào hai ngày trong tháng 6-2017.
Ngày thứ nhất thi Ngữ văn và Ngoại ngữ (sáng), Toán (chiều);
Ngày thứ 2 thi bài Khoa học tự nhiên (sáng) và bài Khoa học xã hội (chiều).
Xét công nhận tốt nghiệp THPT
Sau khi có kết quả thi, các sở GD-ĐT sẽ cập nhật kết quả thi lên hệ thống quản lý dữ liệu của Bộ GD-ĐT, công bố kết quả thi và cấp cho mỗi thí sinh 1 Giấy chứng nhận kết quả thi.
Việc xét tốt nghiệp THPT sẽ kết hợp sử dụng kết quả điểm 4 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh Giáo dục THPT) hoặc 3 bài thi tốt nghiệp (đối với thí sinh Giáo dục Thường xuyên) với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Phương thức tính điểm xét tốt nghiệp: điểm các bài thi tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12 có tỷ lệ tương ứng 50 : 50. Điểm liệt của mỗi bài thi độc lập (theo thang 10 điểm): 1,0 điểm. Điểm liệt của mỗi môn thành phần (theo thang 10 điểm) của các bài thi tổ hợp: 1,0 điểm. 
Bốn phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ
Với cách thức tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia nhiều đổi mới, Bộ GD-ĐT cũng xác định tuyển sinh ĐH, CĐ 2017 sẽ gồm bốn phương thức như sau
1. Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia 
Với cách xét tuyển này, các trường công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi. Bộ quy định các trường công bố công khai chỉ tiêu dành cho các tổ hợp xét tuyển khác nhau; trong đó, dành ít nhất 25% chỉ tiêu để xét tuyển theo các khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D).
Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ và được sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.
Bộ GD-ĐT sử dụng phần mềm quản lý tuyển sinh để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với 1 nguyện vọng phù hợp nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển.
Danh sách này được công khai để các trường tham khảo, làm căn cứ tuyển sinh. Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.
Trong thời hạn quy định của trường, thí sinh trúng tuyển phải khẳng định nhập học tại trường; trường có trách nhiệm cập nhật sớm nhất danh sách thí sinh đã khẳng định nhập học lên hệ thống quản lý dữ liệu chung để các trường khác cùng biết.
Đặc biệt, việc xét tuyển có thể được thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh và theo yêu cầu của các trường.
2. Sơ tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh
Nếu sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở cấp THPT để sơ tuyển, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh (nếu thấy cần thiết) với các hình thức phù hợp, đảm bảo không để xảy ra tình trạng luyện thi tràn lan.
Các trường phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận) và cách tính điểm xét tuyển.
3. Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT 
Các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT (lớp 12 hoặc cả 3 năm THPT). Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo yêu cầu của trường được quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh đã được công bố công khai.
4. Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh
Các trường có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên và quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh; đồng thời, công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển đối với mỗi phương thức tuyển sinh.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 có 5 bài thi
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Trao đổi tại cuộc họp báo, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết Bộ đã trưng cầu ý kiến rộng rãi. Phần lớn ý kiến cho rằng phương án thi này đã được cải tiến gọn nhẹ hơn (giảm xuống còn 2 ngày) và có nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh.
Ví dụ: thí sinh có thể dự thi cả hai bài thi tự chọn và sử dụng kết quả của bài thi nào có kết quả cao hơn để xét tốt nghiệp. Việc tổ chức thi trắc nghiệm đối với 4/5 bài thi sẽ đảm bảo khách quan hơn.
Có 3 băn khoăn lớn từ dư luận: đó là bài thi tổ hợp, bài thi trắc nghiệm môn toán, tính nghiêm túc của kỳ thi.
Thứ nhất, về bài thi tổ hợp, bộ có một số điều chỉnh sau khi lắng nhe, tiếp thu ý kiến đóng góp của dư luận.
Bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm ba môn sử, địa, giáo dục công dân; bài thi khoa học tự nhiên gồm ba môn lý, hoá, sinh.
Để đảm bảo sự công bằng với những thí sinh sử dụng các tổ hợp khác nhau trong xét tuyển ĐH, Bộ quy định rõ thời gian làm bài từng môn và theo đó, hết thời gian làm bài mỗi môn (50 phút), thí sinh phải chuyển sang làm bài môn khác, tạo công bằng cho thí sinh.
Để tăng độ phân hoá, thuận lợi cho việc sử dụng kết quả thì vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa giúp các trường có căn cứ xét tuyển ĐH, Bộ cũng quyết định tăng cường số câu hỏi cũng như thời gian làm bài thi tổ hợp, từ 60 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 90 phút/bài thi như dự thảo tăng lên thành 120 câu hỏi với thời gian làm bài là 150 phút.
Về thi trắc nghiệm Toán, Thứ trưởng Bùi Văn Ga giải thích:
“Chúng ta cần hiểu rõ mục đích về cuộc thi này gồm mục đích xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả tuyển sinh ĐH-CĐ, không phải kì thi tuyển chọn học sinh xuất sắc. Nên việc tổ chức thi theo hình thức tự luận hay trắc nghiệm đều được. Nhưng đây là kì thi có số đông thí sinh trên phạm vi rộng, nên việc tổ chức thi trắc nghiệm đảm bảo khách quan, hạn chế tiêu cực xảy ra”.
“Làm thế nào để ngăn ngừa tiêu cực, để có kết quả thi tin cậy, khi trong năm nay kì thi được giao chủ động cho địa phương?”, trả lời câu hỏi này, thứ trưởng Ga cho biết việc tổ chức thi trắc nghiệm khách quan, trong đó mỗi thí sinh có một mã đề thi là một trong những giải pháp ngăn ngừa tiêu cực.
Bên cạnh đó, việc chấm thi trắc nghiệm trên máy sẽ giải quyết các bất cập liên quan tới việc không khách quan ở khâu chấm thi do giáo viên chấm khác nhau ở mỗi cụm thi.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 có 5 bài thi
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, trả lời câu hỏi của phóng viên - Ảnh Nguyễn Khánh
"Tổ hợp", "tổng hợp", "tích hợp"
Trao đổi xung quanh những thắc mắc về đề thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD, Bộ GD-ĐT cho biết:
Năm 2017 các bài thi chủ yếu thi trắc nghiệm. Mỗi năm chúng ta có khoảng 1 triệu thí sinh dự thi kì thi THPT quốc gia cho hai mục đích, vì thế Bộ GD-ĐT thấy việc sử dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan là hợp  lý.
Việc tổ chức thi trắc nghiệm đối với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ trong các năm qua được đánh giá là thành công. Thí sinh cũng quen với hình thức câu hỏi này.
Lực lượng tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi là các thầy cô giáo có kinh nghiệm về thi từ các trường THPT, giảng viên ĐH ở các trường ĐH, các chuyên gia từ các viện nghiên cứu.
Bộ GD-ĐT không phải triển khai từ con số 0 mà trong các năm qua đã có một ngân hàng có hàng ngàn câu hỏi. Ngoài ra còn kế thừa ngân hàng câu hỏi của ĐHQG HN.
Với mục đích của kì thi, đề thi được xây dựng chủ yếu từ khối kiến thức cơ bản.
Trong kì thi THPT quốc gia năm trước, tỷ lệ kiến thức kĩ năng cơ bản chiếm khoảng 60%,   tỷ lệ câu hỏi phân hóa 40%.
Năm 2017,  Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc có thể tăng tỷ lệ câu hỏi phân hóa, nhưng sẽ không thay đổi lớn gây sốc cho thí sinh.
Ông Mai Văn Trinh cho biết việc tăng số lượng câu hỏi môn ngoại ngữ trong khi thời gian làm bàii thi không đổi so với dự thảo là một điều chỉnh phù hợp dựa trên ý kiến đóng góp của các thầy cô, các chuyên gia, đảm bảo đề thi phù hợp với mục tiêu của kỳ thi hai mục đích.
Cũng từ việc tiếp thu ý kiến đó góp của các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh..., Bộ đã điều chỉnh mỗi môn thành phần trong bài thi tổ hợp tăng lên thành 50 phút với 40 câu hỏi/môn.
Ông Trinh cũng cho biết đổi mới kỳ thi THPT quốc gia với sự xuất hiện của bài thi tổ hợp là nằm trong lộ trình đổi mới thi những năm tiếp theo.
Cụ thể, từ năm 2017, bài thi sẽ chuyển đổi từ "tổ hợp" sang "tổng hợp" và tiến tới đến bài thi "tích hợp", phù hợp với đổi mới chương trình phổ thông.
Thi nghiêng về trắc nghiệm có ảnh hưởng tới việc dạy học?
Trước băn khoăn về việc tổ chức thi nghiêng về hình thức trắc nghiệm thì sẽ ảnh hưởng tới việc dạy học ở phổ thông khi các nhà trường chạy theo việc luyện thi trắc nghiệm mà không chú trọng đến việc dạy học sinh phương pháp tư duy, trình bày, lập luận ở một số môn học, trong đó cóp môn Toán, ông Mai Văn Trinh cho biết:
“Trên thực tế dạy học, Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường phải kết hợp các hình thức đánh giá khác nhau có trắc nghiệm, tự luận. Nhưng với đặc thù của kì thi THPT quốc gia thì trắc nghiệm là hình thức thi hợp lý”.
Về điều này ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ GD Trung học, cũng cho biết khi chỉ đạo dạy học ở bậc phổ thông, Bộ luôn phải kết hợp tự luận và trắc nghiệm theo các mức độ khác nhau trong đánh giá học sinh ở cả quá trình.
Trong kì thi THPT quốc gia, Bộ cũng yêu cầu xây dựng ma trận đề có các mức độ, tương ứng với chỉ đạo về việc dạy học, đánh giá đối với việc dạy học ở bậc phổ thông. “Vì thế, không phải quá lo lắng thí sinh bị lệch khi kì thi nghiêng về hình thức trắc nghiệm”, ông Chuẩn nói.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Ga cho biết kì thi của ĐHQG HN là kì thi nhằm vào mục đích tuyển sinh, trong khi kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia nhằm công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ vì thế có những điểm không tương thích."Bộ GD-ĐT sẽ kế thừa kì thi đánh giá năng lực của ĐHQG HN như thế nào?", thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: tổ công tác của Bộ đang làm việc với trung tâm khảo thí của ĐHQG HN.
Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu và chỉ kế thừa những phần phù hợp trong ngân hàng câu hỏi thi của ĐHQG HN để bổ sung số lượng cho ngân hàng đề thi của Bộ GD-ĐT nhằm sử dụng cho kì thi sắp tới.
"Bộ GD-ĐT có thử nghiệm thi trắc nghiệm đối với một số môn mới trước khi quyết định đưa vào kì thi THPT quốc gia năm 2017 chưa? Liệu có thể phù hợp với học sinh trên cả nước, trong đó có học sinh miền núi, khó khăn không?", ông Mai Văn Trinh khẳng định Bộ sẽ kiểm thử trước khi xây dựng đề thi cho kì thi Quốc gia để căn chỉnh cho phù hợp.
Lộ trình đổi mới kỳ thi "ổn định"
"Sau đổi mới thi 2017, Bộ đã xác lập lộ trinh rõ ràng cho đổi mới thi, tuyển sinh các năm tới hay không?", thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định đổi mới thi không thể làm ngay một lúc trên mọi phương diện mà phải phù hợp với điều kiện cụ thể.
Theo thứ trưởng Ga, phương án đổi mới kỳ thi năm 2017 sẽ được phát triển lâu dài trên một lộ trình ổn định.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh việc đổi mới kì thi nhằm mục đích để thí sinh đi thi nhẹ nhàng hơn, có nhiều cơ hội hơn để xét tuyển ĐH-CĐ.
Thứ trưởng khuyên thí sinh: “cứ ôn tập theo kế hoạch bình thường. Vì kì thi chắc chắn sẽ không gây sốc, không làm xáo trộn việc dạy học ở bậc phổ thông như nhiều người lo ngại”.
V.HÀ - N.HÀ


Vì sao bạn chỉ nên dùng lò vi sóng khi thật sự cần thiết?


Câu chuyện về sự nguy hiểm của lò vi sóng có thể được chú ý hơn với vụ kiện đình đám ở Oklahoma, Mỹ vào năm 1991. Người phụ nữ tên là Norma Levitt phải trải qua phẫu thuật hông đã bị chết sau khi được truyền máu làm ấm bằng lò vi sóng bởi một cô y tá. Thông thường, máu vẫn được làm ấm lên trước khi truyền, nhưng không phải trong lò vi sóng! Như vậy trong trường hợp này, lò vi sóng đã làm biến đổi máu và làm cô Levitt thiệt mạng. Và lò vi sóng không chỉ đơn thuần là làm nóng lên như nhiều người vẫn tin.

Phá hủy dưỡng chất

Thực tế đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng lò vi sóng hoàn toàn không giúp bạn trong việc bảo vệ những chất dinh dưỡng trong thực phẩm mà lại phá hủy chúng.
Một nghiên cứu do nhóm tác giả Tây Ban Nha công bố trên Tạp chí Science & Agriculture cho thấy rằng khi nấu bông cải xanh nấu bằng lò vi sóng với một ít nước, có đến 97% các hoạt chất chống oxi hóa bị mất đi. So sánh với phương pháp hấp trong hơi, thì chỉ khoảng 11% lượng chất này bị mất đi. Một số hợp chất của phenol và glucosinates cũng bị giảm đi.
Nhiều kết quả khác cũng được công bố. Khi nấu măng tây bằng lò vi sóng, lượng vitamin C mất đi đáng kể. Đối với tỏi, chỉ cần 60 giây cũng đủ để làm mất hoạt tính của toàn bộ allinase vốn là hoạt chất quan trọng trong tác dụng chống ung thư của tỏi.
Còn nếu quay trong vòng 6 phút thì có đến 30-40% % lượng vitamin B12 trong sữa trở nên mất hoạt tính, không còn tác dụng.
Nếu hâm nóng sữa mẹ thì lò vi sóng sẽ nhanh chóng phá hủy các chất vốn có chức năng giúp chống lại bệnh tật, ví dụ làm mất hoạt tính của lysozyme, diệt kháng thể, làm cho sữa nhanh bị hỏng do vi khuẩn tấn công. Không chỉ vậy, nó còn làm biến đổi cấu trúc của protein, biến đổi một số axit amin thành dạng không có tác dụng. Một số axit amin bị hỏng này có thể gây hại cho hệ thần kinh và thận.
Thêm vào đó, khi bạn dùng lò vi sóng để hâm nóng thực phẩm được đựng hoặc bọc trong các bao bì giấy, màng nhựa, hộp nhựa như thường gặp, thì rủi ro không dừng lại ở đó. Sức nóng khủng khiếp do vi sóng sẽ giải phóng nhiều loại chất độc có sẵn (hoặc vừa mới tạo ra) trong giấy, nhựa, sau đó phát tán vào trong đồ ăn. Các chất độc nổi tiếng mà bạn vẫn hay nghe nhắc đến là BPA (bis phenol A). Ngoài ra còn có polyethylene terpthalate (PET), benzene, toluene, xylene, các dioxin… toàn là hóa chất độc hại cho cơ thể.
Tại sao Nga đã từng cấm dùng lò vi sóng?
Sau chiến tranh thế giới lần 2, người Nga đã lấy một số trong những lò vi sóng và tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về tác dụng của chúng. Kết quả thu được dẫn đến việc lò vi sóng đã từng bị cấm tại Nga vào năm 1976.
Phát hiện của các nhà nghiên cứu đã khiến chính phủ Nga ban hành một cảnh báo quốc tế về thiệt hại sinh học và môi trường có thể liên quan đến việc sử dụng lò vi sóng và các thiết bị điện tử tương tự khác (ví dụ như điện thoại di động).
Theo Powerwatch, một tổ chức độc lập tại Anh với kinh nghiệm hơn 20 năm nghiên cứu tác động của sóng điện từ, đã tổng kết các vấn đề mà lò vi sóng có thể gây ra:
  • Các nhà điều tra Nga đã tìm thấy các chất gây ung thư được tạo ra trong gần như tất cả thực phẩm nấu bằng lò vi sóng.
  • Khi nấu sữa và ngũ cốc, nó cũng chuyển một số axit amin thành các hợp chất có khả năng gây ung thư.
  • Quay thịt đã chế biến trong lò vi sóng tạo ra các tác nhân gây ung thư gây ung thư d-Nitrosodienthanolamines.
  • Rã đông hoa quả bằng lò vi sóng sẽ chuyển các chất glucoside và galactoside thành các chất gây ung thư. Nếu là rau sống, nấu chín hoặc đông lạnh cũng sẽ biến đổi các hợp chất alkaloid thành chất gây ung thư. Cũng có thể tạo ra các gốc tự do gây ung thư đặc biệt nếu đó là các loại củ.
  • Sự phá hủy cấu trúc các hoạt chất dẫn đến giảm giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Điều này đã được ghi nhận ở 60 – 90% các loại thực phẩm đã thí nghiệm, trong đó giảm đáng kể hoạt tính của các vitamin nhóm B, vitamin C và E, các chất khoáng quan trọng và các lipotropics (các chất ngăn chặn sự tích lũy béo một cách bất thường).

Tiến sĩ Hertel, tác giả của một nghiên cứu tại Thụy Sĩ, theo dõi một số người sử dụng các thực phẩm nấu bằng lò vi sóng. Ông kết luận rằng lò vi sóng làm thay đổi các chất dinh dưỡng trong thực phẩm, và những thay đổi đó có thể dẫn đến tác động xấu đến sức khỏe:
  • Tăng cholesterol trong máu
  • Giảm số bạch cầu
  • Giảm số hồng cầu
  • Tạo ra các hợp chất radiolytic (giống các chất mới tạo thành khi chiếu xạ thực phẩm)
  • Giảm mức độ hemoglobin, có thể là do thiếu máu
Tiến sĩ Hertel đã viết: “Không có nguyên tử, phân tử, hoặc các tế bào của bất kỳ cơ thể hữu cơ nào có thể chịu được một sức mạnh hủy diệt và bạo lực như vậy trong bất kỳ khoảng thời gian nào. Điều này sẽ xảy ra ngay cả ở dải công suất thấp của lò vi sóng, cỡ vài miliwatt.
Sau công bố của tiến sĩ Hertel, ông đã phải chịu một trận “phản đòn” từ phía các nhà công nghiệp. Tất nhiên nghiên cứu của ông có chỗ sơ hở nhưng cũng làm cho các chuyên gia sức khỏe thực sự phải suy nghĩ.
Nguy cơ rò rỉ bức xạ
Đối với các lò vi sóng kiểu mới và tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chất lượng thì có lẽ nguy cơ này sẽ nhỏ, tuy nhiên với lò vi sóng cũ, hoặc có lỗi thì cũng thật đáng ngại. Khi các mô của bạn tiếp xúc trực tiếp với lò vi sóng, các biến dạng và có thể gây ra “bệnh lò vi sóng”, với một số các biểu hiện như:
  • Mất ngủ, ra mồ hôi đêm, rối loạn giấc ngủ
  • Nhức đầu và chóng mặt
  • Sưng hạch bạch huyết và hệ thống miễn dịch suy yếu
  • Nhận thức kém
  • Trầm cảm và dễ bị kích động
  • Buồn nôn và chán ăn
  • Tầm nhìn và mắt có vấn đề
  • Đi tiểu thường xuyên và cực kỳ khát
Nhiều nghiên cứu mới đây khẳng định vi sóng còn ảnh hưởng đến hoạt động của tim. Không hẳn lúc nào bạn cũng có thể biết được các bức xạ có rò rỉ hay không, do vậy, cho dù lò vi sóng của bạn tốt đến đâu thì cũng nên tránh xa nó khi đang hoạt động, nhất là với phụ nữ có thai và trẻ em.

Chỉ dùng lò vi sóng khi thật sự cần thiết

Lò vi sóng thật tiện lợi. Nhưng nếu nó vừa làm mất đi các chất dinh dưỡng, vừa tạo ra các độc tố, tạo nên các nguy cơ cho sức khỏe như đã bàn ở trên, thì bạn cũng cần cân nhắc lại về việc sử dụng nó như thế nào. Một số chuyên gia khuyên chỉ nên dùng lò vi sóng khi thật sự bí bách quá, và cần lưu ý đến loại bao bì sử dụng để đựng thực phẩm khi đưa vào lò.
Thực ra, nếu bạn chu đáo thêm một chút, giống như trước đây chưa có lò vi sóng, thì mọi chuyện vẫn trôi chảy. Ví dụ có thể bỏ các đồ cần rã đông ra khỏi tủ từ sáng để nấu cho trưa, từ trưa nếu muốn nấu cho tối. Các món nếu cần đông đá thì có thể chia nhỏ ra các đồ chứa, đến khi dùng thì sẽ phá đông bằng nước ấm. Sau đó cho lên bếp để hâm nóng. Một số lò nướng kiểu lò nướng bánh cũng có thể dùng để hâm nóng thức ăn dư.
Mạnh Lạc

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng trên gia súc tại Trùng Khánh
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện trên địa bàn 2 xã: Ngọc Chung, Khâm Thành (Trùng Khánh) đã xảy ra dịch lở mồm long móng với 43 con trâu, bò, lợn mắc bệnh.
    Dịch lở mồm long móng xuất hiện từ ngày 6/9/2016 tại một hộ chăn nuôi với triệu chứng: Gia súc bị chảy nước bọt, lở loét ở miệng và chân, sau đó lây lan sang số gia súc của các hộ chăn nuôi khác.  
    Nguyên nhân dịch bệnh bùng phát do người dân thả rông gia súc, dịch bệnh xuất hiện từ các ổ dịch cũ, trong khi công tác tiêm phòng dịch lở mồm long móng cho gia súc đạt tỷ lệ thấp. Khi gia súc nhiễm bệnh, người dân tự chữa trị, không báo cáo cơ quan chức năng, làm cho dịch lây lan khó kiểm soát. Công tác kiểm soát mua bán, vận chuyển gia súc ra vào vùng dịch chưa được thực hiện tốt.
    Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Trùng Khánh phun hóa chất khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại tại xã Khâm Thành.
    Để khống chế dịch bệnh, ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, phun hoá chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, khu vực có liên quan. Triển khai tiêm phòng hơn 1.000 liều vắc xin bao vây ổ dịch; các hộ chăn nuôi tuyệt đối không được chăn thả, giết mổ, bán gia súc bị bệnh ra vào khu vực có dịch.

    Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016



    Xác nam bảo vệ bị hàng xóm cho vào 3 bao tải

    Biết anh Tuyến tử vong do bẫy điện của mình, Thi phân xác cho vào 3 bao tải, phi tang ở vệ đường và dưới sông.

    Sáng 24/9, trao đổi với VnExpress, đại tá Nguyễn Văn Hồng (Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng) cho biết trong hôm nay nhà chức trách sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển VKS để khởi tố Bế Ích Thi (23 tuổi, xã Triệu Ẩu, Phục Hòa) về hành vi giết người.
    Ngày 23/9 nhận tội tại cơ quan điều tra, Thi khai hôm 16/9 đặt bẫy điện bắt cá trên sông, đến trưa ra kiểm tra phát hiện anh Tuyến (hàng xóm) tử vong do bị điện giật. Lo sợ, muốn phi tang, Thi phân xác cho vào 3 bao tải. Hai bao hắn để bên vệ đường, bao còn lại buộc đá thả xuống sông...
    Theo nhà chức trách, tối 16/9, phần thi thể anh Tuyến trong bao tải được người dân phát hiện, xung quanh có nhiều vết máu. Trước nghi vấn nạn nhân bị sát hại để lấy nội tạng, người đứng đầu Công an tỉnh Cao Bằng đã bác bỏ. Đại tá Hồng cho hay các phần thi thể đã được tìm thấy, kết quả khám nghiệm cho thấy "các bộ phận còn nguyên và không mất nội tạng".
    * Tên nạn nhân đã được thay đổi

    Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016


    Bảo Lạc: Tiếp nhận 5 công dân Việt Nam sang Trung Quốc làm thuê trái phép

    Cập nhật: Thứ hai , 12/09/2016 10:44
    Ngày 10/9, tại khu vực cột mốc số 534, Đồn Biên phòng Cốc Pàng, Bảo Lạc tổ chức tiếp nhận 5 công dân Việt Nam vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê do Đại đội Công an Biên phòng huyện Nà po, Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) trao trả.
    5 công dân gồm: Nhàn Văn Chinh, sinh năm 1990; Ma Văn Lợi, sinh năm 1983; Ma Văn Thủy, sinh năm 1988; Ma Thị Đinh, sinh năm 1962; Ma Thị Tới, sinh năm 1993, cùng quê quán xóm Bản Cao, xã Nam Cao, huyện Bảo Lâm.
    Khai nhận với lực lượng Bộ đội Đồn Biên phòng Cốc Pàng, các đối tượng cho biết đã cùng nhau nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê theo đường mòn từ ngày 11/3/2016 và bị các lực lượng chức năng nước này phát hiện bắt giữ, phạt tù 6 tháng tính từ thời điểm kể trên.
    Đàm Diện

    Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

    Hé lộ ý tưởng cho bộ Quốc phục mà Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam sẽ mặc khi thi quốc tế


    09/09/2016 , 

    Gần 10 năm tham dự Hoa hậu Hoàn vũ, các đại diện Việt Nam vẫn chưa thật sự gây ấn tượng đối với bạn bè quốc tế về bộ Quốc phục của mình. Đẹp nhưng đơn điệu, nhàm chán và thiếu đột phá, chưa bất kịp xu hướng mới tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế là những điều dễ dàng nhận ra trong các bộ trang phục truyền thống của các Hoa hậu Việt.
    n1
    Bộ Quốc phục được đầu tư công phu tỉ mỉ của Phạm Hương tại Hoa hậu Hoàn vũ 2015, với chiếc mấn đồng thau có trọng lượng 1,7 kg được mạ 2,5 chỉ vàng cũng không gây được bất kỳ sự chú ý nào đối với bạn bè quôc tế.
    n2
    So với sự to lớn với hình tượng “Phượng hoàng lửa” của đại diện đến từ Venezuela, Phạm Hương cũng chỉ là một chú “chim Hạc” bé nhỏ trên sân khấu Hoa hậu Hoàn vũ 2015. Nhìn hình ảnh này, khiến không ít người hâm mộ Việt Nam cảm thấy tủi thân cho nàng Hoa hậu Quốc dân.
    Nắm bắt được sự kỳ vọng của người hâm mộ nước nhà, lần đầu tiên Unicorp (đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam và cũng là đơn vị cử đại diện tham gia đấu trường Miss Universe hằng năm) tổ chức cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế Quốc phục cho đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ 2016”. Theo đó các thí sinh sẽ gửi nhiều nhất là 2 mẫu phát thảo bộ Quốc phục để dự thi. Ban tổ chức chọn ra top 10 để đi tiếp vào vòng trong.
    Bằng việc thuyết minh ý tưởng, cách thức thực hiện trước ban giám khảo. Hai ý tưởng xuất sắc nhất được ban tổ chức chọn để thực hiện hoá ý tưởng. Người thắng cuộc là chủ nhân của bộ trang phục được đại diện Việt Nam mặc tại đêm trình diễn quốc phục Hoa hậu hoàn vũ 2016, cùng giải thưởng tiền mặt là 15 triệu đồng.
    Sau một thời gian phát động, đến nay cuộc thi đã chính thức diễn ra vòng bình chọn bài dự thi được yêu thích nhất, các bài thi được công bố trực tiếp trên fanpage chính thức của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Người chiến thắng giải thưởng này sẽ nắm chắc một vé vào top 10 (09 bộ trang phục còn lại là sự lựa chọn của Ban giám khảo).
    Dưới đây là những bài dự thi gây được sự chú ý lớn đối với khán giả ở thời điểm hiện tại:
    n3
    Sử dụng hình tượng chiếc nón lá, mẫu trang phục này nhận được sự đánh giá rất cao từ phía khán giả bởi nó vừa mới lạ mà lại rất gần gũi trong đời sống hằng ngày.
    n4
    Bộ này được sáng tạo từ hình ảnh cây tre Việt Nam, một hình ảnh đã đi sâu vào tâm hồn của bao thế hệ người Việt Nam.
    n5
    Thiết kế áo dài quen thuộc nhưng lại vô cùng quyền lực này đang ở top đầu bình chọn cho chiếc vé tiến thẳng vào top 10.
    Họa tiết hoa lúa, màu sắc rực rỡ cùng hình ảnh bản độ Việt Nam gây ấn tượng mạnh mẽ.
    n7
    Chắc rằng với bộ trang phục này, khán giả sẽ bớt nhàm chán với những mấu thiết kế truyền thống đơn thuần.
    n8
    Không thể tin nổi khi tác giả có thể sáng tạo một bộ trang phục như thế này với ý tưởng từ những tàu dừa cùng những chiếc lọp bắt cá. Những hình ảnh vô cùng quen thuộc với người dân miền Tây Nam Bộ.
    n9
    Hình tượng mẹ Âu Cơ được biến hóa vô cùng đẹp mắt.
    n10
    Bài dự thi cho thấy tác giả đã nghiên cứu rất kỷ một xu thế mới tại Hoa hậu Hoàn vũ, những bộ Quốc phục nhưng lại mang nét những chiếc váy dạ hội lộng lẫy. Hình ảnh Chùa Một Cột cùng với hoa sen, chim Hạc những nét đặc trưng mang đậm nét văn hóa Việt hòa vào nhau tạo nên điểm nhấn đặc biệt trong thiết kế này.
    n12n11
    Những bộ Quốc phục gợi cảm nhưng vẫn giữ nét truyền thống này vô cùng phù hợp với tính chất của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, vốn đề cao vẽ đẹp hình thể bốc lửa của các thí sinh.
    Ngoài những thiết kế khiến khán giả phải xuýt xoa vì quá sáng tạo và đẹp mắt thì cũng không ích bài dự thi không làm hài lòng người hâm mộ bởi những điểm nhấn quá ngoại quốc.
    n13
    Nhiều khán giả ví von, đây giống như nhân vật “Tôn Ngộ Không” trong bộ phim Tây Du Ký của Trung Quốc vậy.
    n14
    Còn bài dự thi này thì làm người khán mường tượng về các vị quang lại nhà Thanh của Trung Quốc, thẳm chí còn liên tưởng đến hình ảnh “cương thi” trong các bộ phim kinh dị của điện ảnh Hoa ngữ.
    Trang phục truyền thống không chỉ đơn thuần là một bộ trang phục “mặc nhiều” mà nó còn phản ánh các nét đặc trưng trong kiến trúc, danh lam thắng cảnh, những hình tượng đặc biệt trong đời sống hằng ngày,… Với nền văn hóa lâu đời và rất nhiều nét độc đáo đáng tự hào. Người hâm mộ đang chờ đón văn hóa Việt và nét đẹp Việt thật sự tỏa sáng tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế trong thời gian tới.
    Nguồn: http://m.phununews.vn/bat-dau-tuyen-chon-quoc-phuc-viet-nam-tai-hoa-hau-hoan-vu-2016-270655.html