Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

CAO BẰNG: ĐÃ SẴN SÀNG CHO LIÊN HOAN CA, MÚA NHẠC TOÀN QUỐC (ĐỢT 1)


        Liên hoan được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, từ ngày 29/6 - 7/7/2018, trong đó Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 29/6, được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng. Tham gia liên hoan có 12 đơn vị nghệ thuật thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, gồm: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hải Phòng và Nhà hát Ca múa nhạc Dân gian Việt Bắc, mỗi đoàn từ 40 - 60 diễn viên.
          Trong thời gian diễn ra Liên hoan, Ban Tổ chức sẽ bố trí 3 đoàn đi biểu diễn phục vụ nhân dân tại các huyện trong tỉnh, cụ thể: 20 giờ ngày 4/7, Đoàn Ca múa nhạc Hải Phòng biểu diễn phục vụ nhân dân tại huyện Thạch An; 20 giờ, ngày 5/7, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái biểu diễn phục vụ nhân dân tại huyện Hà Quảng; 20 giờ, ngày 6/7, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc biểu diễn phục vụ nhân dân tại huyện Trùng Khánh.
Các hình ảnh về danh lam thắng cảnh vùng Công viên địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng sẽ được chiếu trên màn hình LED trong chương trình tham gia liên hoan của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng.
          Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2018 có nhiều điểm mới và được chia thành 3 đợt: Đợt 1 dành cho các đơn vị nghệ thuật thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng Bắc Bộ, được tổ chức tại Cao Bằng; đợt 2 dành cho các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị nghệ thuật của 3 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang phía Bắc, được tổ chức tại Đà Nẵng; đợt 3 diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh dành cho các đơn vị nghệ thuật thuộc khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang phía Nam. Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc được tổ chức 3 năm một lần, với yêu cầu hết sức khắt khe nhằm chọn ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.
Đây là dịp để các đơn vị nghệ thuật gặp gỡ, giao lưu, từ đó rút  kinh nghiệm về công tác quản lý, chỉ đạo nghệ thuật, xây dựng hướng đi đúng đắn phù hợp với tình hình thực tiễn từng địa phương. Theo quy định của Ban Tổ chức, các tiết mục tham gia liên hoan phải có nội dung, tư tưởng rõ ràng, mang giá trị nhân văn, ngợi ca quê hương, đất nước, truyền thống tốt đẹp, lịch sử hào hùng, tinh thần kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam, khuyến khích các tác phẩm có chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, các tiết mục phải có sự mới lạ, độc đáo về hình thức thể hiện, mang lại cảm xúc tích cực với khán giả, không được sử dụng điệu múa, bài hát, bản nhạc, kịch bản sân khấu nước ngoài.
          Ngay từ khi có kế hoạch, Đoàn đã khẩn trương phối hợp với các nhạc sĩ, biên đạo múa tiến hành xây dựng kịch bản, đội ngũ diễn viên gấp rút luyện tập. Đoàn đã mời Nghệ sỹ Ưu tú Huỳnh Tú làm tổng đạo diễn, cố vấn, biên đạo cho các tiết mục tham gia dự thi liên hoan. Chủ đề xuyên suốt được xây dựng là “Sắc chàm miền non nước” với thời lượng 80 - 110 phút, gồm 14 tiết mục mang đậm nét văn hóa các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn đưa hình ảnh quảng bá về văn hóa, du lịch, Công viên địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng... chiếu trên màn hình LED trong đêm Gala khai mạc; xây dựng gian hàng trưng bày quảng bá du lịch, Công viên địa chất Toàn cầu Non nước Cao Bằng...; phối hợp với các doanh nghiệp du lịch trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại tiền sảnh Trung tâm Hội nghị tỉnh, nhằm quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, về quê hương, con người, du lịch tỉnh Cao Bằng với các tỉnh bạn.
Các diễn viên, nghệ sỹ Đoàn Nghệ thuật tỉnh tập luyện chuẩn bị cho Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2018.
Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật sẽ tham gia Liên hoan Ca, múa, nhạc toàn quốc - 2018 (đợt 1) của Đoàn Nghệ thuật tỉnh.
Hiện nay, mọi công tác chuẩn bị đang được gấp rút tiến hành vì mục tiêu hướng tới sự thành công của Liên hoan.
PVCBĐB tổng hợp

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

CAO BẰNG: ĐÂM CHẾT HÀNG XÓM VÌ MÂU THUẪN CÁ NHÂN


Công an huyện Hà Quảng vừa bắt đối tượng Dương Văn Mầu, (SN 1979), trú tại Nà Niệc, xã Cải Viên về hành vi giết người.
Đối tượng Dương Văn Mầu tại cơ quan điều tra.
          Nạn nhân là anh Dương Văn Sinh (SN 1979), cùng trú tại xóm Nà Niệc. Trước đó, khoảng 9 giờ ngày 21/6, Dương Văn Mầu sang nhà anh Dương Văn Sau (anh trai của Sinh) chơi. Tại đây, Mầu và anh Sinh xảy ra mâu thuẫn, thách thức đánh nhau. Sau đó, Mầu cầm con dao nhọn ở trong bếp đâm vào vùng bụng, lưng, sườn phải anh Sinh. Do vết thương quá nặng, anh Sinh đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
          Sau khi đâm nạn nhân, Mầu cầm dao đi ra trước cửa nhà thì gặp anh Dương Văn Sán (em trai của Sinh), Mầu bị khống chế và giao cho lực lượng Công an huyện.
          Hiện vụ án đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
PVCBĐB tổng hợp

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2018

GẦN 1 TRIỆU THÍ SINH LÀM THỦ TỤC DỰ THI THPT QUỐC GIA

       Chiều nay 24/6, gần 1 triệu thí sinh sẽ đến các điểm thi làm thủ tục dự thi THPT quốc gia 2018. Kỳ thi sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 25-27/6.
      
Sáng nay 24/6, các cán bộ coi thi họp và nghe phổ biến quy chế tại các điểm thi.
Chiều nay 24/6, thí sinh đến phòng thi nghe phổ biến qui chế, lịch thi và điều chỉnh sai sót (nếu có).
Vấn đề chủ động trong việc đi lại cũng rất quan trọng, thí sinh nên đến điểm thi không quá muộn, không quá sớm. Không ít thí sinh phải bỏ thi vì đến muộn quá giờ làm bài. Đặc biệt, thí sinh cần nắm rõ quy chế thi để không xảy ra sự cố đáng tiếc.
Trước ngày thi, thí sinh chỉ nên rà soát một loạt hệ thống kiến thức, tránh tập trung ôn luyện cho đến tận khi đến trước cửa phòng thi sẽ tạo tâm lý căng thẳng, mất bình tĩnh.
Thí sinh được đối chiếu, kiểm tra thông tin trước khi bước vào phòng thi.
Cụ thể, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ, Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý (do NXB Giáo dục VN ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì); các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Các loại máy tính được phép mang vào phòng thi: Về nguyên tắc, các loại máy tính được mang vào phòng thi là các loại máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ để lưu trữ dữ liệu. Cụ thể, các loại máy tính được mang vào phòng thi gồm: Casio FX 570 MS, FX 570 ES, FX 570 ES Plus và FX 570 VN Plus, FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500 MS, FX 500 ES, FX 500VNPlus; VinaCal 500MS, 570 MS…
Các em tuyệt đối không được mang theo ĐTDĐ, nếu có mang theo điện thoại phải nhớ gửi lại ở ngoài phòng thi.
Ngoài ra, thí sinh cũng cần ghi nhớ, nếu mang ĐTDĐ vào phòng thi, dù không sử dụng hoặc để ở chế độ tắt nguồn thì vẫn bị coi là vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi. Bộ GD&ĐT cũng đã có yêu cầu các hội đồng coi thi phải có nơi để thí sinh gửi ĐTDĐ trước khi vào phòng thi.
Thí sinh có thể mang theo chai nước nhỏ để có thể uống khi khát trong quá trình làm bài thi, khăn tay để lau mồ hôi nếu hay bị ra mồ hôi. Về trang phục, Bộ GD&ĐT không đưa ra quy định bắt buộc nhưng khi đi thi thí sinh cần ăn mặc lịch sự, gọn gàng, nghiêm túc.
Thí sinh được điều chỉnh sai sót (nếu có) trong ngày hôm nay
Thí sinh không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi.
Các thí sinh ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh. Phải ghi đầy đủ số báo danh vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp trước khi làm bài thi.
Phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in khi nhận đề. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhoè, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi chậm nhất 10 phút sau khi phát đề.
Các thí sinh kiểm tra ngăn bàn và xung quanh để bỏ hết giấy tờ không liên quan, tránh tình huống đáng tiếc xảy ra.
Thí sinh nắm rõ lịch thi cụ thể để tránh nhầm lẫn.
         Không được trao đổi, quay cóp hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận và làm mất trật tự phòng thi. Muốn phát biểu phải giơ tay để báo cáo cán bộ coi thi. Khi được phép nói, thí sinh đứng trình bày công khai với cán bộ coi thi ý kiến của mình.

          Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì trừ vẽ đường tròn bằng compa và tô các ô trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; chỉ được viết bằng một thứ mực (không được dùng mực màu đỏ).
          Khi nộp bài thi tự luận, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào Phiếu thu bài thi. Thí sinh không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi (đối với bài thi tự luận), Phiếu trả lời trắc nghiệm (đối với bài thi trắc nghiệm).
PVCBĐB tổng hợp


Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

SỰ TÍCH VÀ PHONG TỤC TẾT ĐOAN NGỌ


          Tết đoan Ngọ (ngày mùng 5/5 âm lịch) là một trong những ngày Tết truyền thống ở Việt Nam cũng như một số nước Đông Á như Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc... Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá của người dân mỗi nước.
         Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
         Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam còn gọi là "ngày giết sâu bọ" vì người ta tin rằng khi ăn món đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ; giun sán trong người sẽ bị chết hết. ở Trung Quốc, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là tết Trùng Ngũ vì là hai con số 5 gặp nhau, mồng 5 tháng 5.
Mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ hiện nay
          Sự tích Tết Đoan Ngọ
         Ngày xưa, Tết Đoan Ngọ chỉ là ngày dân chúng cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng. Hơn nữa, giữa tiết hạ vi oi bức thường có bệnh thời khí nên người ta hay cúng lễ để cầu an. Về sau, để cho ngày này thêm ý nghĩa, người ta lấy ngày này kỷ niệm ngày Khuất Nguyên tự tận.
         Khuất Nguyên làm chức Tả Đồ nước Sở dưới triều vua Sở Hoài Vương bên Trung Quốc, có tài và liêm chính. Về sau ông bị nhà Vua truất bỏ. Để tả nỗi oán than, ông có viết bài thơ Ly Tao nổi tiếng. Đến thời vua Trưng Vương, ông còn bị đi đày vì nhà Vua nghe theo lời bọn xu nịnh. Ông đã nhảy xuống sông Mịch La tự tận. Hôm đó là ngày mồng 5-5 âm lịch.
         Được tin, nhà Vua vô cùng thương tiếc và hối hận, sai dân làm cỗ và ném xuống sông với niềm tin ông thưởng thức được, nhưng cỗ bị cá tôm ăn hết.
         Ông báo mộng cho nhà Vua là cỗ phải lấy lá bọc lại, buộc chỉ ngũ sắc để cá tôm không ăn được.
         Theo lời báo mộng của ông, Vua ra lệnh cho nhân dân làm theo. Từ đó, vào ngày 5-5 ở Trung Quốc, dân chúng thường làm cỗ cúng linh đình bên các bờ sông rồi lấy lá bọc lại, buộc chỉ ngũ sắc ném xuống sông để tưởng nhớ ông Khuất Nguyên.
          Lễ bái trong ngày Tết Đoan Ngọ
          Cũng như các tết khác, người dân ăn Tết Đoan Ngọ bằng sự cúng lễ.
          Tại các làng xã có lễ thần tại đình, đền; ở thôn, xóm có cúng tại miếu. Tại gia đình thì sửa lễ cúng tổ tiên và Thổ công. Lễ vật cúng là rượu nếp, trái cây. Cúng xong thì ăn, không ai mang đổ xuống sông như tục bên Trung Quốc. Riêng các gia đình thầy thuốc còn có thêm lễ cúng Thánh sư.
          Tục lệ trong ngày Tết Đoan Ngọ
          Sau lễ cúng tết Đoan Ngọ là các tục lệ như giết sâu bọ, nhuộm móng chân, móng tay, tắm nước lá mùi, khảo cây lấy quả, hái thuốc vào giờ Ngọ, treo ngải cứu để trừ tà...
          Phần lớn các tục lệ trên đến nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục giết sâu bọ, tắm nước lá mùi và tục đi hái lá thuốc.
          Giết sâu bọ
          Theo quan niệm của người xưa, trong cơ thể con người luôn có sâu bệnh cần phải diệt trừ, sâu bệnh quanh năm lẩn trốn trong người chỉ đến ngày 5-5 này mới lộ diện, và nhân dịp này chúng phải bị giết.
          Người ta giết sâu bọ bằng rược nếp và hoa quả. Sáng sớm mồng 5-5, ngay sau khi thức dậy, súc miệng xong, mỗi người đều ăn ít nhất một bát rượu nếp, sau đó ăn một bát thạch, rồi đến các trái cây như mận, muỗng, xấu, đào, roi... Người xưa cho rằng, ăn rượu nếp để cho sâu bọ say, sau đó những trái cây sẽ làm cho chúng chết.
          Đối với trẻ con, người ta bôi một ít thần sa hay chu sa vào hai bên thái dương và vào bụng hoặc hoà với nước cho uống vì quan niệm rằng, lúc sâu bọ bị các trái cây giết có phản ứng gây sự bất an cho trẻ nên dùng thần sa, chu sa để trấn an.
          Rượu nếp
          Rượu nếp làm bằng xôi. Men rượu được trộn lẫn với xôi và ủ trong khoảng từ 3 tới 5 ngày.
          Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu để hứng rượu chảy xuống. Cái rượu được ủ men chuyển màu ngà ngà. Khi ăn, trộn cái với rượu hứng được lúc ủ.
          Rượu nếp ăn ngọt ngọt cay cay.
          Tắm lá mùi
          Cây mùi là một loại cây lá nhỏ và có mùi thơm. Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người ta lấy cây mùi đun nước tắm để trừ độc. Tắm nước là mùi trong ngày mồng 5-5 sẽ sẽ tránh được gió máy, cảm mạo và được khỏe mạnh.
          Nhiều địa phương ở ven sông, ven biển thay vì tắm nước lá mùi thì đúng giờ ngọ rủ nhau đi tắm sông, tắm biển gọi là tắm mồng 5-5.
          Hái thuốc
          Người Việt Nam và người Trung Quốc cho rằng, những củ, cành, lá hái và đào được trong ngày 5-5, vào khoảng giờ Ngọ, đều là những vị thuốc tốt và chữa được rất nhiều bệnh.
          Những lá người ta thường hái là lá ngải cứu, đinh lăng, lá mùi… Những lá này được đem phơi khô, để dùng khi bị các chứng bệnh.
          Tục hái lá thuốc vào ngày 5-5 là do sự tích Ngưu Thần, Nguyễn Triệu truyền lại và được thi vị hóa cho rằng Chư Tiên đã truyền phép cho cây lá vào giờ Ngọ ngày Đoan Dương.
          Ở một số nơi vào ngày 5-5 còn giữ tục tết thầy học, tết thầy lang để trả ơn dạy dỗ và đền ơn cứu bệnh.
Theo Báo Văn hóa thể thao

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

Việt Nam lý giải việc thông qua luật an ninh mạng, cập nhật tình hình Bình Thuận



Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết luật an ninh mạng cần thiết trong bối cảnh hiện nay và lực lượng chức năng đang bảo đảm an ninh ở Bình Thuận.

Trước câu hỏi việc Quốc hội Việt Nam thông qua luật an ninh mạng có ảnh hưởng đến quyền tự do ở Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều nay khẳng định an ninh mạng là vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Bà Hằng cho biết luật an ninh mạng đã được thông qua ngày 12/6 với số phiếu cao, sau nhiều vòng thảo luận, tiếp thu ý kiến rộng rãi, minh bạch của các đại biểu Quốc hội và người dân. Luật này cũng phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và không cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 
Với hơn 86% đại biểu Quốc hội Việt Nam có mặt tại hội trường đã đồng ý thông qua dự thảo Luật An ninh mạng. Luật này gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật An ninh mạng có hiệu lực từ 1/1/2019.
Theo người phát ngôn, những năm gần đây, an ninh mạng đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, khu vực. Các cuộc tấn công nhằm vào môi trường mạng phát triển nhanh chóng cả về hình thức và quy mô, có tính xuyên biên giới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định, kinh tế và chính trị của các  nước. Trong khi đó những nỗ lực nhằm cải thiện an ninh trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là do thiếu thể chế pháp lý và năng lực bảo đảm an ninh mạng.
"Do đó việc xây dựng luật an ninh mạng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay", bà Hằng nói.
Đề cập tới tình hình gây rối ở Bình Thuận, người phát ngôn cho hay các lực lượng chức năng đã và đang tiến hành các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật, để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, đảm bảo an toàn cho người dân.
Tình trạng rối loạn ở Bình Thuận diễn ra từ 10/6 đến 12/6, khi nhiều người lấy cớ phản đối dự thảo Luật Đặc khu, kéo ra chặn xe trên Quốc lộ 1. Nhiều người quá khích tấn công lực lượng công vụ, đốt xe, ném bom xăng vào trụ sở UBND tỉnh và các cơ quan ban ngành. Công an Bình Thuận đã tạm giữ 107 người. Khoảng 28 cảnh sát bị thương khi đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực Phan Rí Cửa những ngày qua.
Người phát ngôn cũng cho biết không có thông tin gì về việc công dân Trung Quốc bị thương vong trong biểu tình. "Hiện các hoạt động kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam vẫn diễn ra bình thường".
Lý giải về việc Việt Nam lập các khu hành chính và kinh tế đặc biệt, bà Hằng cho hay trong những năm qua nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện các chính sách pháp luật, triển khai toàn diện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm ngày càng tốt những quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.
Dự thảo luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nằm trong chương trình xây  dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội Việt Nam trong năm 2018. Dự thảo luật được xây dựng nhằm mục đích tạo ra những đột phá, động lực phát triển mới cho nền kinh tế, phát huy lợi thế của địa phương.
Hôm 11/6, Quốc hội Việt Nam đã đồng ý lùi thông qua Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Theo Báo Vnexpress


Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

Kẻ sát hại người yêu, phi tang thi thể gây chấn động đã khai những gì?

Liên quan đến vụ cô gái bị người yêu sát hại, phi tang thi thể ở quận Gò Vấp, mới đây, Công an tỉnh Tây Ninh bàn giao đối tượng Vũ Ngọc Hiếu (SN 1989, ngụ tỉnh Gia Lai) cho đội điều tra truy xét trọng án thuộc phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP.HCM  tiếp tục điều tra mở rộng về hành vi “giết người" và "cướp tài sản". Cơ quan Công an cũng đã hoàn tất công tác khám nghiệm các hiện trường bước đầu.
Hiếu nhẫn tâm sát hại rồi phân xác bạn gái cũ, mang đi phi tang nhiều nơi
Theo đó, Hiếu có quan hệ tình cảm với nạn nhân là chị Đ.Y.N (SN 1991, ngụ huyện Bình Chánh) 9 năm trước. Nhưng 2 người vừa mới chia tay.
Trước thời điểm xảy ra vụ án mạng, Hiếu nổi cơn ghen khi phát hiện chị N có chụp ảnh cùng người khác, đăng trên mạng xã hội. Và Hiếu khai báo thêm, cũng có nghe thông tin chị N chuẩn bị lấy chồng. Từ đó Hiếu lên kế hoạch gặp mặt chị N để nói chuyện nhằm níu kéo tình cảm. Hiếu đón xe từ tỉnh Gia Lai xuống TP.HCM và thuê phòng trọ tại con hẻm 146 đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp.
Ngày 31/5, thông qua nhóm bạn, Hiếu gặp được chị N rủ đi uống nước chung nhóm rồi cả 2 về phòng trọ của Hiếu. Tại đây, chị N nói rằng đây là lần gặp cuối cùng của 2 người, Hiếu không đồng ý và lớn tiếng với nhau. Rạng sáng 1/6, khi chị N đang ngủ say Hiếu dùng dây siết cổ nạn nhân đến tử vong. Phát hiện nạn nhân tử vong, Hiếu ôm thi thể ngủ khoảng 8 tiếng. Sau đó, Hiếu dùng dao phân xác nạn nhân phi tang nhằm che giấu tội ác...
Tối 2/6, Hiếu liên lạc với 1 người bạn, là anh S (SN 1983, ngụ huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh). Sau đó điều khiển xe gắn máy BKS: 59N2 – 57… của chị N, đến tận Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh để gặp rồi nhậu với anh S. Đến chiều cùng ngày, Hiếu để xe lại nhà anh S nhờ anh này bán giúp rồi bỏ đi.
Sáng 4/6, Hiếu tiếp tục gọi anh S sẽ xuống nhà anh S và gửi lại 1 số đồ đạc. Hiếu điều khiển xe máy mang BKS: 59P1 – 45… của Hiếu, chở theo nhiều đồ đạc là túi xách, vali, bọc nilon… Hiếu có gửi tại nhà anh S 2 vali màu đen, còn lại trên xe có chở 1 số bao nilon, ba lô. Hiếu nói với anh S là đi công việc, sẽ quay lại lấy đồ đã gửi sau. Thấy biểu hiện lạ, anh S tiếp cận xe gắn máy phát hiện những túi đồ mà Hiếu chở có mùi hôi nồng nặc, sờ thì thấy vật có hình dạng như chân người. Anh S không hỏi trực tiếp mà chờ Hiếu đi khỏi thì báo Công an.
Công an huyện Gò Dầu kiểm tra, phát hiện bên trong các túi, va ly mà Hiếu gửi có 1 số vật dụng, tài sản như: thẻ căn cước công dân, bằng lái xe, thẻ ATM đều mang tên chị Đ.Y.N (SN 1991, ngụ xã Quy Đức, huyện Bình Chánh), 1 số vật dụng trang điểm, 2 đôi bông tai, 2 ĐTDĐ và 2 con dao phay.
Công an tổ chức khám nghiệm hiện trường nhà trọ của Hiếu.
Công an huyện Gò Dầu liên lạc với Công an huyện Bình Chánh xác minh lý lịch nạn nhân tên N thì được biết được chị N đã mất tích từ tối 31/5, gia đình đang tổ chức tìm kiếm nhưng không có kết quả. Công an huyên Gò Dầu báo thông tin này cho ban giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh, và tình nghi Hiếu có liên quan đến sự mất tích của chị N ở TP.HCM.
Trưa 4/6 lực lượng Công an huyện Gò Dầu đã phục kích bắt giữ Hiếu đang có mặt ở địa phương. Qua đấu tranh, Hiếu khai báo chi tiết hành vi sát hại chị N ở căn nhà trọ trong hẻm 146 đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp, rồi mang lên Tây Ninh phi tang. Từ khai báo của Hiếu, Công an đã truy tìm và thu giữ 1 số phần thi thể chị N, tại khu vực đầm nước nhiều lau sậy ở xã Long Chữ, huyện Bến Cầu.
Nhận được thông tin từ Công an Tây Ninh, Công an quận Gò Vấp tiến hành kiểm tra nhà trọ mà Hiếu khai báo. Tại đây, Công an phát hiện 1 phần thi thể người đang trong giai đoạn phân hủy, nhiều vết máu khô và những tang vật liên quan.

PVCBĐB tổng hợp

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

Xét xử phúc thẩm nhóm khủng bố đốt kho tạm giữ xe vi phạm, đặt bom ở sân bay Tân Sơn Nhất

Ngày 4/6, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân".
Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ án "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân" theo điều 84 Bộ luật Hình sự năm 1999. Thẩm phán Huỳnh Công Lý làm chủ tọa phiên tòa phúc thẩm.

 Các bị cáo bị kết tội khủng bố chống lại chính quyền nhân dân. 

Sau phiên tòa sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/12/2017, 14 bị cáo kháng cáo. Hai bị cáo Trần Quốc Lượng (sinh năm 1991, ngụ tỉnh Đồng Nai) và Lê Thị Thu Phương (sinh năm 1996) không kháng cáo.
Trong vụ án này, Đặng Hoàng Thiện (sinh năm 1992, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) là đối tượng chủ mưu, chế tạo bom xăng để đặt ở sân bay Tân Sơn Nhất; tham gia đốt kho tạm giữ xe vi phạm giao thông số 1, Công an thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) theo kế hoạch của Nguyễn Đức Sinh (sinh năm 1985, ngụ tỉnh Bình Định). Thiện bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt 16 năm tù giam; sau bản án Thiện kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Thiện thừa nhận hành vi như cáo trạng đã truy tố. Thiện đã chế tạo hai quả bom xăng với kích nổ điều khiển từ xa tại căn nhà ở Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện kế hoạch, chiều tối 22/4/2017, Thiện chở hai thùng các-tông đựng bom xăng, giao một thùng cho Trương Tân Phát (sinh năm 1984, ngụ Quận 12) và Ngô Thụy Tường Vy (sinh năm 1986, ngụ quận Tân Bình) ở Sân bay Tân Sơn Nhất. Khi vào bãi giữ xe sân bay, Phát lo sợ hậu quả nên đã tháo pin ra khỏi thiết bị điều khiển. Sau đó, Phát và Vy mang quả bom trong thùng các-tông bỏ ở cột số 9, sảnh chờ ga quốc tế. Sau khi ra bãi giữ xe, Phát gọi điện báo Thiện rằng bom không nổ.
Về phần mình, Thiện mang quả bom còn lại đặt trên tầng ba nhà giữ xe của sân bay rồi đi xuống tầng trệt kích hoạt. Nhưng do khoảng cách xa nên không kích nổ được, Thiện quay lại mang bom xuống tầng trệt kiểm tra thấy vẫn còn hoạt động bình thường, nhưng không dám mang lên lại vì sợ bị phát hiện. Đổi hướng, Thiện mang quả bom xăng này đến đặt ở cột số 9, sảnh chờ ga đến quốc tế thay thế quả bom thứ nhất. Đến 19 giờ 52 phút ngày 22/4/2017, Vy kích nổ thùng bom, bom phát nổ và cháy khiến hành khách hoảng sợ bỏ chạy. Lực lượng chức năng ngay lập tức có mặt, dập tắt đám cháy. Công an và lực lượng an ninh sân bay ngay sau đó phong tỏa hiện trường nhưng Thiện, đồng phạm đã kịp bỏ đi. Quá trình gây án của nhóm này đều bị camera an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất ghi lại.
Nguyễn Đức Sinh cũng thừa nhận hành vi chủ mưu, lên kế hoạch, trực tiếp thực hiện vụ đốt kho tạm giữ xe vi phạm giao thông của Công an thành phố Biên Hòa bằng bom xăng. Khuya 8/4/2017, Đặng Hoàng Thiện đổ xăng vào giẻ, châm lửa, đưa cho Nguyễn Đức Sinh ném bom xăng qua tường rào vào bên trong kho, các đối tượng còn lại cảnh giới. Đám cháy nhanh chóng bùng phát, thiêu rụi hơn 300 xe máy.

Nguyễn Đức Sinh bị kết tội cầm đầu nhóm đốt bãi xe Công an Biên Hòa.

Trước đó, theo nội dung bản án sơ thẩm, các bị cáo đã bị đối tượng phản động lưu vong ở nước ngoài lợi dụng, lôi kéo, kích động tham gia vào tổ chức phản động, chống đối lại chính quyền và nhân dân bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền xuyên tạc trên mạng xã hội, tham gia biểu tình, tuyển dụng thành viên, chế tạo vũ khí, khủng bố bằng bom xăng.
Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên phạt 15 bị cáo mức án thấp nhất 5 năm tù và cao nhất 16 năm tù cùng về tội "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân"; tuyên buộc các bị cáo gây ra vụ đốt kho tạm giữ xe phải bồi thường số tiền hơn 1,2 tỷ đồng cho Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Riêng bị cáo Lê Thị Thu Phương (sinh năm 1996, bạn gái Thiện) nhận mức án 1 năm 6 tháng tù treo, thời gian thử thách 3 năm về tội "không tố giác tội phạm".
Theo cáo trạng, Đào Minh Quân là người cầm đầu tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài.
Năm 2016, Quân móc nối với Phạm Lisa lôi kéo nhiều người trong và ngoài nước thông qua mạng xã hội, thành lập các "nhóm hành động" để thực hiện các vụ khủng bố.
Giữa tháng 4/2017, Phạm Lisa chuyển cho Thiện cùng đồng phạm gần 12 triệu đồng rồi chỉ đạo nhóm này mua vật liệu chế tạo bom xăng, kích nổ bằng điều khiển từ xa với mục đích gây cháy nổ sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp lễ 30/4.
Trước đó, vào đầu tháng 4, Sinh, Thiện cùng 5 đồng phạm khác đã đốt kho tạm giữ xe vi phạm giao thông số một của Công an TP Biên Hòa, phá hủy 320 chiếc xe, gây tổng thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng.
Chiều cùng ngày, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi. Dự kiến phiên tòa xét xử đến ngày 5/6./.

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2018

Hủy bản án treo vụ dâm ô ở Vũng Tàu, tuyên phạt Nguyễn Khắc Thủy 3 năm tù giam

Chiều ngày 1/6, sau khi họp theo thủ tục đặc biệt giám đốc thẩm, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hủy bản án phúc thẩm xử án treo cho ông Nguyễn Khắc Thủy, giữ nguyên bản án của TAND TP Vũng Tàu, phạt ông Thủy 3 năm tù. Với quyết định trên, bản án sơ thẩm có hiệu lực buộc ông Thủy phải thi hành bản án 3 năm tù.
Phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 11/2017, TAND TP Vũng Tàu nhận định hành vi của Nguyễn Khắc Thủy đã cấu thành tội dâm ô với trẻ em với tình tiết phạm tội nhiều lần, phạm tội với nhiều trẻ em nên tuyên phạt bị cáo ba năm tù.
Sau khi bị cáo Thủy kháng cáo kêu oan. Ngày 11/5/2018 vừa qua, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xử phúc thẩm cho rằng chưa đủ căn cứ để quy kết bị cáo Thủy có hành vi dâm ô với bé gái thứ hai. Từ đó HĐXX quyết định sửa một phần án sơ thẩm, giảm án xuống 18 tháng tù treo.
Ngày 17/5, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị bản án trên. Quyết định kháng nghị nêu rõ: bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (sinh năm 1940, ngụ chung cư Lakeside, nguyên giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Cáo trạng và bản án sơ thẩm đã xác định bị cáo Thủy thực hiện hành vi dâm ô với trẻ em.
Theo bản cáo trạng của VKS truy tố Nguyễn Khắc Thủy tội dâm ô với trẻ em theo khoản 2 Điều 116 BLHS 1999 là dâm ô với hai người bị hại. Tòa sơ thẩm đã căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án kết tội Nguyễn Khắc Thủy về hành vi dâm ô là có căn cứ.
Theo VTV online