Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

SỰ TÍCH VÀ PHONG TỤC TẾT ĐOAN NGỌ


          Tết đoan Ngọ (ngày mùng 5/5 âm lịch) là một trong những ngày Tết truyền thống ở Việt Nam cũng như một số nước Đông Á như Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc... Tết Đoan Ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá của người dân mỗi nước.
         Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa). Còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
         Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam còn gọi là "ngày giết sâu bọ" vì người ta tin rằng khi ăn món đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ; giun sán trong người sẽ bị chết hết. ở Trung Quốc, Tết Đoan Ngọ còn được gọi là tết Trùng Ngũ vì là hai con số 5 gặp nhau, mồng 5 tháng 5.
Mâm cỗ cúng Tết Đoan ngọ hiện nay
          Sự tích Tết Đoan Ngọ
         Ngày xưa, Tết Đoan Ngọ chỉ là ngày dân chúng cúng lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng. Hơn nữa, giữa tiết hạ vi oi bức thường có bệnh thời khí nên người ta hay cúng lễ để cầu an. Về sau, để cho ngày này thêm ý nghĩa, người ta lấy ngày này kỷ niệm ngày Khuất Nguyên tự tận.
         Khuất Nguyên làm chức Tả Đồ nước Sở dưới triều vua Sở Hoài Vương bên Trung Quốc, có tài và liêm chính. Về sau ông bị nhà Vua truất bỏ. Để tả nỗi oán than, ông có viết bài thơ Ly Tao nổi tiếng. Đến thời vua Trưng Vương, ông còn bị đi đày vì nhà Vua nghe theo lời bọn xu nịnh. Ông đã nhảy xuống sông Mịch La tự tận. Hôm đó là ngày mồng 5-5 âm lịch.
         Được tin, nhà Vua vô cùng thương tiếc và hối hận, sai dân làm cỗ và ném xuống sông với niềm tin ông thưởng thức được, nhưng cỗ bị cá tôm ăn hết.
         Ông báo mộng cho nhà Vua là cỗ phải lấy lá bọc lại, buộc chỉ ngũ sắc để cá tôm không ăn được.
         Theo lời báo mộng của ông, Vua ra lệnh cho nhân dân làm theo. Từ đó, vào ngày 5-5 ở Trung Quốc, dân chúng thường làm cỗ cúng linh đình bên các bờ sông rồi lấy lá bọc lại, buộc chỉ ngũ sắc ném xuống sông để tưởng nhớ ông Khuất Nguyên.
          Lễ bái trong ngày Tết Đoan Ngọ
          Cũng như các tết khác, người dân ăn Tết Đoan Ngọ bằng sự cúng lễ.
          Tại các làng xã có lễ thần tại đình, đền; ở thôn, xóm có cúng tại miếu. Tại gia đình thì sửa lễ cúng tổ tiên và Thổ công. Lễ vật cúng là rượu nếp, trái cây. Cúng xong thì ăn, không ai mang đổ xuống sông như tục bên Trung Quốc. Riêng các gia đình thầy thuốc còn có thêm lễ cúng Thánh sư.
          Tục lệ trong ngày Tết Đoan Ngọ
          Sau lễ cúng tết Đoan Ngọ là các tục lệ như giết sâu bọ, nhuộm móng chân, móng tay, tắm nước lá mùi, khảo cây lấy quả, hái thuốc vào giờ Ngọ, treo ngải cứu để trừ tà...
          Phần lớn các tục lệ trên đến nay đã được bãi bỏ, chỉ còn giữ lại tục giết sâu bọ, tắm nước lá mùi và tục đi hái lá thuốc.
          Giết sâu bọ
          Theo quan niệm của người xưa, trong cơ thể con người luôn có sâu bệnh cần phải diệt trừ, sâu bệnh quanh năm lẩn trốn trong người chỉ đến ngày 5-5 này mới lộ diện, và nhân dịp này chúng phải bị giết.
          Người ta giết sâu bọ bằng rược nếp và hoa quả. Sáng sớm mồng 5-5, ngay sau khi thức dậy, súc miệng xong, mỗi người đều ăn ít nhất một bát rượu nếp, sau đó ăn một bát thạch, rồi đến các trái cây như mận, muỗng, xấu, đào, roi... Người xưa cho rằng, ăn rượu nếp để cho sâu bọ say, sau đó những trái cây sẽ làm cho chúng chết.
          Đối với trẻ con, người ta bôi một ít thần sa hay chu sa vào hai bên thái dương và vào bụng hoặc hoà với nước cho uống vì quan niệm rằng, lúc sâu bọ bị các trái cây giết có phản ứng gây sự bất an cho trẻ nên dùng thần sa, chu sa để trấn an.
          Rượu nếp
          Rượu nếp làm bằng xôi. Men rượu được trộn lẫn với xôi và ủ trong khoảng từ 3 tới 5 ngày.
          Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu để hứng rượu chảy xuống. Cái rượu được ủ men chuyển màu ngà ngà. Khi ăn, trộn cái với rượu hứng được lúc ủ.
          Rượu nếp ăn ngọt ngọt cay cay.
          Tắm lá mùi
          Cây mùi là một loại cây lá nhỏ và có mùi thơm. Trong ngày Tết Đoan Ngọ, người ta lấy cây mùi đun nước tắm để trừ độc. Tắm nước là mùi trong ngày mồng 5-5 sẽ sẽ tránh được gió máy, cảm mạo và được khỏe mạnh.
          Nhiều địa phương ở ven sông, ven biển thay vì tắm nước lá mùi thì đúng giờ ngọ rủ nhau đi tắm sông, tắm biển gọi là tắm mồng 5-5.
          Hái thuốc
          Người Việt Nam và người Trung Quốc cho rằng, những củ, cành, lá hái và đào được trong ngày 5-5, vào khoảng giờ Ngọ, đều là những vị thuốc tốt và chữa được rất nhiều bệnh.
          Những lá người ta thường hái là lá ngải cứu, đinh lăng, lá mùi… Những lá này được đem phơi khô, để dùng khi bị các chứng bệnh.
          Tục hái lá thuốc vào ngày 5-5 là do sự tích Ngưu Thần, Nguyễn Triệu truyền lại và được thi vị hóa cho rằng Chư Tiên đã truyền phép cho cây lá vào giờ Ngọ ngày Đoan Dương.
          Ở một số nơi vào ngày 5-5 còn giữ tục tết thầy học, tết thầy lang để trả ơn dạy dỗ và đền ơn cứu bệnh.
Theo Báo Văn hóa thể thao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét