Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

BÀ NỘI GIẤU THI THỂ CHÁU BÉ 20 NGÀY TUỔI DƯỚI GẦM GIƯỜ SAU KHI SÁT HẠI

   

Tối ngày 28/11, Trung tá Trình Hữu Thành, Trưởng công an Thị xã Bỉm Sơn cho biết: “Thứ nhất, không hề có vụ bắt cóc nào xảy ra. Thứ hai, nghi can sát hại cháu bé đã xác định là bà Phạm Thị Xuân (66 tuổi, trú tại Thái Bình, bà nội cháu bé). Việc bắt cóc do bà Xuân thuật lại và tự dàn dựng nên”.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên Dân trí, nguyên nhân bà Xuân sát hại cháu là do nghe lời thầy bói - cho rằng cháu là nghiệp chướng của gia đình. Tối 25/11, bà Xuân đã sát hại cháu nội rồi giấu xuống gầm giường, đồng thời tự dựng lên vụ bắt cóc.
Sau khi bị công an gọi lên lấy lời khai, bà Xuân trở về mang cháu bỏ vào bao tải rồi mang để vào thùng rác cách nhà vài trăm mét.


Căn nhà - nơi bà Xuân thực hiện hành vi sát hại cháu rồi tìm cách dựng hiện trường giả
Thùng rác trên được xe gom rác đưa xuống bãi rác phường Đông Sơn và bà Dương Thị Thơm (SN 1964, ở tổ 5, khu 9, phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) làm nghề nhặt rác tình cờ phát hiện thi thể cháu bé, báo cho cơ quan chức năng.
Về thông tin bao bì đựng thi thể cháu bé có ghi tên "Thuận" và số điện thoại anh Thuận (tức bố cháu bé) là do bà Xuân lấy bao bì của anh Thuận đặt hàng trước đó nhiều ngày (gia đình có đặt hàng ghi tên, số điện thoại anh Thuận) bọc thi thể cháu bé, đưa ra thùng rác.
Trước đó, theo như trình báo, vào khoảng 18h40 ngày 25/11, tại nhà anh Lê Hữu Thuận (SN 1980) và vợ là Phạm Thị Thanh Huyền (SN 1979, trú khu phố 1, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn) đã xảy ra một vụ bắt cóc trẻ em.
Ngày 27/11, Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, đã tìm thấy một thi thể bé gái, nghi là cháu bé 20 ngày tuổi trong vụ việc.
Theo cơ quan công an, thi thể bé gái được tìm thấy ở bãi rác thuộc phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn vào lúc 10h20 sáng 27/11.
Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan điều tra Bộ Công an đã cử lực lượng vào phối hợp cùng cơ quan điều tra tỉnh Thanh Hoá truy tìm thủ phạm.

Nguồn Báo Dân trí

Truyền thuyết rồng sông Gâm

Sông Gâm ngày xưa rộng mênh mông, hai bên bờ sông những cây cổ thụ vươn rễ chằng chịt bám vào vách đá dựng đứng trông xa như những con rắn khổng lồ. Nước trong xanh lạnh ngắt vỗ vào hang sâu dưới lòng sông, vẳng nghe âm vang tựa như tiếng trống trận ngày xưa vọng về.
     Hàng đàn cá sộp, cá chày mắt đỏ to như những ống đựng nước ngoi lên mặt nước cuộn mình đớp những nụ hoa mà lũ khỉ vàng đang đuổi nhau thoăn thoắt nghịch ngợm trên những cành cây cao vừa ném xuống. Ở dưới vực sâu của dòng sông Gâm có một con Rồng nhỏ được Long Vương ở biển cả xa xôi cử lên coi giữ sông Gâm với trách nhiệm tạo mưa thuận gió hòa, cho nên mỗi lần Rồng hiện lên là trời nổi mưa, gió. Từ ngày có Rồng, dọc hai bên bờ sông Gâm những thửa ruộng lúa xanh ngắt một màu, những vạt lúa nương vàng trĩu hạt, người dân vùng sông Gâm sống ấm no, hạnh phúc trong những vụ mùa bội thu. 
    Ngã ba đèo Cổ Rồng, thị trấn Bảo Lạc.
    Năm tháng cứ trôi đi, Rồng nhỏ ngày nào đã lớn, trở thành một chàng Rồng thông minh khỏe mạnh. Bỗng một ngày tháng 5 vào khoảng giờ Tỵ, trời trong vắt không một gợn mây, dòng sông Gâm trong xanh hiền hòa lững lờ trôi bỗng rùng mình cuộn sóng trào lên hai bên bờ. Những người dân gần ngã ba sông Nho Quế - sông Gâm thuộc địa phận Lý Bôn đang đãi vàng bị sóng đánh dạt cả lên bờ, hoảng hốt vứt bỏ ống máng đãi vàng chạy lên cao rồi tĩnh tâm nhìn ra giữa dòng sông Gâm xanh thẳm. Chợt một cái vây lưng cá khổng lồ và dài như một tấm liếp tre vùn vụt rẽ sóng lao ngược dòng sông, người dân vội chạy về báo với vị Tù trưởng họ Nùng. Đó là một con Rồng xanh to lớn ở thượng nguồn sông Nho Quế (phía bắc tỉnh Hà Giang) ghen tức với Rồng sông Gâm nên đã vượt sang. Cực chẳng đã, chú Rồng sông Gâm phải nhận lời thách đấu. Địa điểm giao tranh tại một vực lớn trên thượng nguồn sông Gâm. 
    Hôm ấy bắt đầu từ giờ Mão, trời bỗng nổi sấm chớp, mưa gió ầm ầm dữ dội. Sông Gâm gầm gào, nước sông đục ngầu cuộn sóng dữ dội. Ông mặt trời sợ hãi đã lặn đi đâu mất để lại bầu trời một màu đen xám xịt. Đó là giờ phút giao tranh quyết liệt nhất giữa con Rồng hung dữ sông Nho Quế và chú Rồng sông Gâm. Hai bên bờ vực, người dân sông Gâm đứng đầu là vị Tù trưởng đang hò reo gõ trống thị uy cổ vũ cho chú Rồng của mình. Vị Tù trưởng họ Nùng thân hình lực lưỡng, tay lăm lăm thanh đại đao đứng thế trên một tảng đá lớn ngay cạnh vực sâu, mặc sóng nước đục ngầu tạt vào người như muốn kéo ông xuống vực. Nét mặt đăm đăm lo âu của vị Tù trưởng vốn dĩ thông minh đã tiên đoán được sẽ xảy ra ngày này, nên trước đó ông đã truyền dạy cho chú Rồng nhỏ nhiều thế võ gia truyền. Trước giờ thách đấu, ông đã cẩn thận buộc vào cổ chú Rồng chiếc khăn đỏ thêu hình ông mặt trời để cầu sức mạnh và may mắn, căn dặn kỹ khẩu quyết khi dùng phép. 
    Trong đòn quyết định, chú Rồng nhỏ vâng lời tự tin vẫy chào mọi người rồi lặn xuống vực. Trong khi đó con Rồng xanh thách đấu đang gào thét đập sóng dữ dội. Vừa thoáng thấy chú Rồng sông Gâm xuất hiện, con Rồng xanh đã xông lên định quật ngã chú Rồng nhỏ trong nháy mắt. Nhưng chú Rồng sông Gâm đã nhẹ nhàng né tránh những cú giáng sấm sét, uyển chuyển quay mình cuộn người lại phía sau thọc một đòn trúng huyệt "tam túc" chân sau làm con Rồng xanh gầm lên đau đớn. Con Rồng xanh lập tức dùng 8 móng vuốt sắc nhọn vồ lấy chú Rồng nhỏ để xé xác cho hả giận. Nhưng miếng vồ hụt đã làm đầu con Rồng xanh lao vào tảng đá to dưới chân vị tù trưởng làm nó choáng váng. Chớp thời cơ đó, chú Rồng sông Gâm cong người lại dùng đuôi cuộn vào cổ con Rồng xanh. Con Rồng xanh vùng vẫy cố thoát khỏi miếng võ hiểm. Bị trọng thương, con Rồng xanh say máu đánh đá túi bụi nên tốn nhiều sinh lực. 
    Cuộc giao tranh kéo dài suốt 3 ngày 3 đêm, nước sông Gâm đục ngầu, cây cối hai bên bờ vực đổ rạp trước những đợt sóng dữ dội. Tiếng trống hò reo làm cho con Rồng xanh hoang mang. Những thế đánh loạng choạng đã làm nó mất thế thượng phong, một chân sau bị điểm huyệt tê cứng chính là điểm yếu. Nhận ra điều đó, không bỏ lỡ cơ hội hiếm có, chú Rồng sông Gâm đánh lừa bằng đòn vỗ mặt. Con Rồng xanh vội giương 2 chân trước đỡ đòn. Ngay lập tức chú Rồng sông Gâm dùng đuôi cuốn lấy cái chân sau bị thương của con Rồng xanh. Một tiếng rắc gọn nghe buốt óc, đó là miếng đòn quyết định. Cái chân con Rồng xanh đã rời ra, máu tuôn trào xối xả, con Rồng xanh chỉ còn 3 chân đau đớn quay đầu xuôi dòng sông chạy mất. 
    Chú Rồng sông Gâm vui sướng ngoi lên để báo tin thắng trận với mọi người. Mải đánh nhau, chú quên rằng đã làm rơi chiếc khăn quàng cổ. Còn vị Tù trưởng suốt 3 ngày 3 đêm vẫn lăm lăm thanh đại đao đứng trên tảng đá lớn để canh chừng bất trắc. Lúc chú Rồng sông Gâm ngoi lên, ông không thấy chiếc khăn đỏ nơi cổ rồng, chỉ thấy cái đầu rồng bê bết máu. Tưởng đó là con Rồng xanh đã giết chết chú Rồng nhỏ của mình, máu giận trào dâng, thanh đại đao vung lên lóe sáng, đầu Rồng nhỏ đã rơi xuống. Nhìn kỹ lại ông mới nhận ra mình đã chém nhầm con Rồng yêu quý của mình. Thương tiếc Rồng nhỏ, ông cùng dân làng đem xác Rồng chôn cất cẩn thận bên bờ nam sông Gâm trên gò đất cao thành ngôi mộ dài, tiếng địa phương gọi là "Rẻo Rì". Mảnh đất "Rẻo Rì" nay thuộc xóm Nà Pằn, thị trấn Bảo Lạc. Vài ngày sau, người dân phát hiện có con cá khổng lồ trôi dạt trên sông Lô. Đó chính là con Rồng xanh mất một chân thua chạy về đến sông Lô thì kiệt sức chết. Còn vị Tù trưởng ân hận tự trách mình có tội với dân làng nên ông đã tự vẫn để tạ tội, để lại trong lòng người dân vị thủ lĩnh một thời kiêu hùng. Người dân địa phương lập đền thờ ông và chú Rồng nhỏ bên bờ tây sông Gâm, gần ngã ba đèo Cổ Rồng của thị trấn Bảo Lạc bây giờ.
    Từ đó, hằng năm vào ngày rằm tháng 5, người dân trong vùng thịt một con trâu trắng, cắt lấy đầu trâu và toàn bộ tiết đựng trong chiếc chậu đá lớn đặt cạnh vực nơi hai con rồng giao tranh để cúng Rồng và người Tù trưởng. Vực lớn nơi giao tranh được người dân đặt thành tên là "Vằng Áng Lượt", nghĩa là "vực chậu máu". Sau này do nạn phá rừng bừa bãi, dòng sông Gâm bị thu hẹp lại, đến mùa mưa lũ dòng sông Gâm trở nên hung dữ đã cuốn trôi cả chậu đá lớn bên bờ vực. Còn ngôi đền thờ vị Tù trưởng và con Rồng nay chỉ còn là bãi sỏi bên bờ sông Gâm. Tục lệ thờ cúng trâu trắng mai một dần theo thời gian. Câu chuyện chú Rồng sông Gâm chỉ còn mơ hồ qua tên gọi "Vằng Áng Lượt" và cánh đồng phì nhiêu "Rẻo Rì".             
    Nguồn Báo Cao Bằng

    Tục cắm “bâư phật” của người Tày ở Cao Bằng

    Người Tày ở Cao Bằng có tục cắm “bâư phật” (cắm chùm lá tươi) bên cửa ra vào khi trong nhà có con dâu sinh con, để báo tin với mọi người về việc vui của gia đình. Tục lệ này đến nay vẫn được người Tày ở các bản vùng cao duy trì.
      Người Tày ở Cao Bằng còn gìn giữ, bảo tồn và phát huy được nhiều phong tục, tập quán độc đáo.
      Ảnh: Hoàng Chuyên
      Từ xa xưa người Tày ở Cao Bằng coi con người là vốn quý làm nên nền tảng gia đình và xã hội tốt đẹp nên ngay từ khi con cái mới lớn cho đến khi dựng vợ, gả chồng họ luôn quan tâm đến vấn đề sinh đẻ con cái. Trong đó, tục cắm chùm lá tươi bên cạnh cửa ra vào khi nhà có con dâu sinh con là một trong những tục lệ độc đáo. Chùm lá tươi dùng để cắm có thể bất kỳ loại lá tươi nào nhưng thường là lá hương nhu và lá bưởi. Chùm này cắm khoảng 3 - 4 ngày sẽ thay chùm lá khác để đảm bảo chùm lá luôn tươi. 
      Các cụ già cho biết đây là tục lệ đã có từ lâu đời. Tục này có lẽ do quan niệm khi đứa bé vừa mới lọt lòng hãy còn non nớt, người ta cần cho đứa trẻ được yên tĩnh và cầu cho đứa bé ngoan ngoãn, khỏe mạnh và chóng lớn. Theo tục lệ, khi nhìn thấy nhà nào có cắm chùm lá tươi, những người thân, họ hàng, người hàng xóm hay khách lạ không tự ý vào nhà. Nếu có việc, cần xin phép vào nhà hoặc đứng ở ngoài cửa nói khẽ, tránh làm đứa trẻ mới sinh giật mình. Người Tày còn kiêng kỵ nhất những người không sạch sẽ, những người “pác khôm” (ăn nói hàm hồ, ngoa ngoắt, ác khẩu). Thậm chí nếu đã trót vào nhà do không tinh ý thấy chùm lá tươi thì chủ nhà lấy một nửa bát nước lã ra cho khách nhúng gấu áo của vạt trước vào bát nước rồi lấy nước đó vẩy nhẹ lên đầu đứa bé vài giọt - gọi là làm phép tẩy uế, trừ vía độc... 
      Người Tày còn cho rằng chùm lá tươi sẽ giúp ngăn chặn được những loại ma tà, yêu quái, hung thần… có thể xâm nhập vào nhà ám ảnh đứa bé hoặc bắt mất hồn vía đứa bé. Tục cắm lá tươi còn có ý nhắc một số người đi đường xa về, hoặc vừa đi lao động, sản xuất nên mất vệ sinh, vào nhà nhiều khi vô ý bế ẵm cháu bé có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và con. Khi đứa bé đầy tháng mới cất bỏ chùm lá tươi vào dịp lễ đầy tháng. Từ đấy việc ra vào nhà mới trở lại bình thường. 
      Có thể nói, tục cắm “bâư phật” thể hiện lối sống văn minh, các ứng xử tinh tế, lịch sự của người Tày đối với người sản phụ trong quan hệ gia đình và xã hội. Phong tục tập quán của người Tày ở Cao Bằng về việc sinh đẻ rất đa dạng, trong đó có nhiều tục lệ đã lạc hậu được lược bỏ hoặc cách tân đơn giản để phù hợp với thời đại. Tuy nhiên, tục cắm “bâư phật” là một tục lệ hay hiện vẫn được gìn giữ.
                                                                                                                                                                Nguồn Báo Cao Bằng             

      Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

      PHÁ THÀNH CÔNG VỤ CƯỚP TÀI SẢN TẠI HUYỆN TRÀ LĨNH

      Tối ngày 10/11/2017, tại tổ dân phố 2, thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng xảy ra vụ cướp tài sản. Người bị hại được xác định là bà Nông Thị Cửu (SN 1971) trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã xác minh, điều tra làm rõ vụ việc.
      Được biết, khi đang bán hàng tại ki ốt thuộc tổ dân phố 2, thị trấn Hùng Quốc thì bà Cửu bị một nam thanh niên lạ mặt dùng gạch đập vào bên phải phần đầu gây thương tích. Trong lúc nạn nhân gắng sức truy hô và phản kháng, nam thanh niên đó đã nhanh chóng điều khiển xe mô tô bỏ chạy.
      Hiện trường xảy ra vụ cướp
      Nhận thấy đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, với tinh thần khẩn trương, lực lượng chức năng tiến hành truy tìm, sàng lọc các đối tượng có biểu hiện nghi vấn. Sau 02 ngày kể từ khi vụ án được phát hiện, lực lượng chức năng Công an tỉnh Cao Bằng đã điều tra lãm rõ và bắt đối tượng Nông Văn Nghiêm (SN1994), trú tại xã Quang Trung, huyện Trà Lĩnh về hành vi Cướp tài sản.

      Ảnh đối tượng Nông văn Nghiêm tại Cơ quan công an
      Vào thời điểm cuối năm, tình hình hoạt động của các loại tội phạm trộm cướp ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng với những phương thức và thủ đoạn khác nhau. Tình trạng trên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến trật tự xã hội, gây tâm lý bất an trong quần chúng nhân dân. Do vậy, mọi người cần nêu cao ý thức cảnh giác, có biện pháp quản lý, bảo vệ tài sản của mình một cách chặt chẽ. Đồng thời tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, mạnh dạn tố giác, tham gia truy bắt tội phạm khi phát hiện.
      Hiện nay, Cơ quan công an đang tiếp tục hoàn tất hồ sơ vụ án để xử lý theo quy định của pháp luật.
                                          
                      Nhóm PV