Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

KHAI MẠC TRIỂN LÃM ẢNH VỚI CHỦ ĐỀ "BIỂN ĐẢO VÀ NGƯỜI CHIẾN SĨ HẢI QUÂN"

Sáng 25/2 tại Sân Vườn hoa trung tâm Thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bảo tàng Hải quân khai mạc triển lãm ảnh, hiện vật với chủ đề “Biển đảo và người chiến sĩ Hải quân”.
Dự lễ khai mạc có các đồng chí: Đàm Viết Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trịnh Hữu Khang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, Cục Chính trị Hải quân.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Cục Chính trị Hải quân cắt băng khai mạc triển lãm.
Những năm qua, cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn thể hiện tình cảm và trách nhiệm to lớn đối với biển, đảo của Tổ quốc; góp sức người, sức của cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây là hoạt động có ý nghĩa trong chuỗi các sự kiện giao lưu, ký kết phối hợp tuyên truyền biển, đảo giữa Đảng ủy Quân chủng Hải quân với Tỉnh ủy Cao Bằng. Tạo nên động lực, nguồn sức mạnh to lớn cho cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Các đại biểu nghe hướng dẫn viên thuyết minh một số hình ảnh quá trình chiến đấu của Quân chủng Hải quân. 



Một số hình ảnh được trưng bày tại triển lãm
Triển lãm giới thiệu hơn 200 bức ảnh, bản đồ, sơ đồ, tài liệu hiện vật, thể hiện hình ảnh chân thực về biển, đảo, người chiến sĩ hải quân chung sức xây dựng, bảo vệ chủ quyền biên giới - biển đảo của Tổ quốc. Qua đó góp phần thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đấu tranh hiệu quả với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch trong và ngoài nước lợi dụng các vấn đề liên quan đến biển, đảo Việt Nam để làm tổn hại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ truyền thống tốt đẹp của Việt Nam với các nước láng giềng Đồng thời, cảm thông, chia sẻ và tin tưởng vào bộ đội hải quân - những cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió, chấp nhận sự hy sinh gian khổ để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thềm lục địa thiêng liêng.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 27/2/2019.
PVCBĐB tổng hợp


CAO BẰNG:TÓM GỌN 02 ĐỐI TƯỢNG TRONG VỤ MUA BÁN VẬN CHUYỂN 24 BÁNH HÊ-RÔ-IN CÙNG 6000 VIÊN MA TÚY TỔNG HỢP

Ngày 25-2, Công an tỉnh Cao Bằng cho biết đã bắt giữ đối tượng đang vận chuyển 24 bánh heroin cùng 6.000 viên ma túy tổng hợp.
Khoảng 5h sáng ngày 23-2, tổ công tác của Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an tỉnh Cao Bằng phối hợp với Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy Bộ Công an và Đội kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng làm nhiệm vụ tại khu vực Bến xe khách tỉnh Cao Bằng thuộc phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng, đã phát hiện một đối tượng nam đi bộ từ trong bến xe hướng ra cổng có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Đối tượng Khà A Sùng và đối tượng Trần Minh Phương cùng tang vật tại cơ quan công an
Kiểm tra tại chỗ, lực lượng chức năng phát hiện bên trong chiếc balo đối tượng đang đeo trên người có 24 bánh heroin và số lượng lớn ma túy tổng hợp. Danh tính đối tượng được xác định là Khà A Sùng (SN 1987, trú tại xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình).
Bước đầu Sùng khai nhận đang vận chuyển ma túy đến thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng để tiêu thụ. Qua kiểm đếm, tang vật được lực lượng chức năng thu giữ có 24 bánh heroin cùng 6.000 viên ma túy tổng hợp.
Quá trình mở rộng điều tra, Công an tỉnh Cao Bằng đã bắt giữ khẩn cấp đối tượng Trần Minh Phương (SN 1974, trú tại thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng).
Tại cơ quan điều tra, Trần Minh Phương khai nhận khoảng 10h ngày 22-2, Khà A Sùng đã gọi điện thoại cho Phương hẹn ngày 23-2 mang “hàng” đến Cao Bằng bán. Phương còn khai nhận trước đó vào tháng 6-2018, Sùng đã bán cho Phương 8 bánh heroin với giá 180 triệu/bánh.
Hiện, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cao Bằng tiếp tục điều tra vụ án để xử lý 02 đối tượng trên theo quy định của pháp luật./.
Theo Báo an ninh thủ đô

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

HỒI TƯỞNG CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC QUA ỐNG KÍNH NHIẾP ẢNH GIA


Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường năm nay 83 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn. Nói về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, ông bảo từ lâu vẫn xem Cao Bằng như quê hương thứ hai của mình. Ở đó 40 năm trước người nghệ sĩ này đã in dấu chân khắp nơi, xông pha vào nguy hiểm để ghi lại những bức ảnh lịch sử của cuộc chiến bảo vệ biên giới.

Hai bức ảnh xúc động của nghệ sĩ Trần Mạnh Thường.
Ông Thường kể: Ông lên Cao Bằng từ tháng 10.1978. Lúc đó tại biên giới Việt Nam – Trung Quốc có một số nơi xảy ra căng thẳng. Ban Tuyên giáo Trung ương có chủ trương đưa văn nghệ sĩ về những nơi đó để vận động quần chúng. Ông Thường được cử đến khu vực đồi Con Lợn (huyện Trùng Khánh, Cao Bằng).
Tết năm 1979, ông trở về Hà Nội đón Tết cùng vợ con. Ăn Tết xong ông Thường trở lại Cao Bằng.
"Lúc đó chúng tôi đi bằng máy bay loại nhỏ, bình thường mua được cả vé khứ hồi nhưng lần này không thấy bán. Tôi có linh cảm có thể sắp có biến động lớn. Chiều hôm đó, tôi không nghỉ lại nhà khách Giao Tế ở Trung tâm thị xã (nay là thành phố) Cao Bằng như những lần trước mà theo một chiếc xe u oát ngược lên phía Bắc. Đêm đó tôi nghỉ lại Phòng Văn hóa ở thị trấn Nước Hai, Hòa An (cách thị xã 16 km)”, ông Thường nhớ lại.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường
Sáng hôm sau khi vừa trở dậy ông Thường bỗng nghe thấy tiếng xe tăng gầm rú, tiếng súng nổ dữ dội xé toang không gian yên tĩnh của thị trấn miền biên giới. Đeo ba lô, đồ đạc lên người ông Thường chạy tìm đến nơi đang có tiếng nổ ầm ầm. Đó là khu cầu Bản Sẩy giáp ranh giữa xã Bế Triều và thị trấn Nước Hai.
“Trước mắt tôi là cảnh tượng nhiều chiếc xe tăng của quân Trung Quốc (không có bộ binh đi cùng) bị trúng đạn B41 của bộ đội ta. Chiếc đang bốc cháy, chiếc đứt xích, chiếc lao xuống ruộng, có chiếc bị cháy còn lao cả vào bụi tre... Tôi chạy tới gần những xe tăng vừa bị tiêu diệt giơ máy ảnh bấm lia lịa. Sau này đếm lại thấy chụp được 8 chiếc, trong đó có 1 chiếc bị bắt sống. Nếu đêm đó tôi nghỉ tại nhà khách Giao Tế thì không có cơ hội có những bức ảnh thế này”, nghệ sĩ Trần Mạnh Thường kể. 
Sau khi chụp ảnh xong những chiếc xe tăng bị tiêu diệt ở khu vực cầu Bản Sẩy, ông nghe tin có đoàn xe tăng khác của quân Trung Quốc đang tiến từ phía Đông Khê theo đường quốc lộ 4 ra thị xã Cao Bằng.

Chiếc xe tăng của quân Trung Quốc bị quân ta bắt giữ tại khu vực cầu Bản Sẩy, Hòa An Cao Bằng (ảnh Trần Mạnh Thường)
“Tôi tranh thủ lấy mấy phong lương khô của địch để làm đồ ăn trên đường sau đó cắm đầu, cắm cổ chạy bộ xuôi về phía thị xã (cách 15 km). Khoảng hơn một tiếng tới nơi bộ đội ta đang giao tranh ác liệt với đoàn xe tăng địch. Đó là khu vực đồi Nà Toòng”, ông Thường cho biết.
Thời điểm đó có 3 chiếc xe tăng địch bị tiêu diệt, ông Thường chụp được 2 chiếc. Chiếc thứ 3 ông không chụp được vì lúc đó quân địch bắn dữ dội quá
Sau khi dời khu vực đồi Nà Toòng, ông Thường đi xuyên theo đường tắt ra quốc lộ 3. Đến khu vực cầu Tài Hồ Sìn ông chụp được những bức ảnh từng đoàn người dân đang chạy giặc (xuôi về Bắc Kạn, Thái Nguyên). Trong những bức ảnh đó có bức mà bất cứ ai nhìn vào đều xót xa, thương cảm cho những đứa trẻ ngơ ngác khi loạn lạc. Đó là bức ảnh hai chị em địu nhau theo đoàn người chạy giặc. “Cả đoàn người mà chẳng thấy cha mẹ hai cháu đâu, nhìn hai đứa trẻ ngơ ngác tôi giơ máy lên bấm rồi lấy tay gạt nước mắt”, ông nói.
Sáng hôm sau (18.2.1979), ông Thường đi bộ theo đường tắt từ Hòa An ra đèo Mã Phục để vào Trùng Khánh (cách thị xã hơn 60km). Đến chân đèo ông bỗng trông thấy cảnh hai cha con, cháu bé khoảng 4 -5 tuổi, đầu chít khăn tang đang đắp mộ cho mẹ (mẹ bé bị quân Trung Quốc sát hại ngày 17.2.1979).
“Ngôi mộ được đắp vội để còn chạy giặc. Giữa bốn bề hoang vắng, trên đầu tiếng súng, tiếng pháo nổ chát chúa, chỉ có bóng dáng côi cút của hai cha con, không có một người thân, quen nào ở bên. Tôi đã phải lau nước mắt trước khi giơ máy ảnh lên”, ông Thường xúc động nhớ lại.

Quân Trung Quốc tàn phá thị xã Cao Bằng (ảnh Trần Mạnh Thường).
Trong những ngày khói lửa ác liệt ở mảnh đất Cao Bằng, dấu chân của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường đã in khắp những nơi nóng bỏng nhất. Ông bảo chủ yếu là đi bộ qua đường tắt, đường rừng để tránh nguy hiểm. Có những đoạn đường vắng vẻ quá, cứ đi được khoảng vài km ông lại rút khẩu K54 (được trang bị) ra bắn lên trời để chấn an mình. “Nhiều hôm hết lương khô, đói phải vào rẫy của người dân để đào sắn ăn sống, rồi ăn củ chuối”, ông Thường cho hay.
Khi đang ở trong huyện Trùng Khánh, ông được lệnh quay trở ra tìm cách lên huyện Hà Quảng đến khu vực hang Pác Bó để chụp lại cảnh cửa hang bị quân Trung Quốc dùng bộc phá đánh sập.

Nhiều ngôi chùa cũng bị quân Trung Quốc phá tan hoang (ảnh Trần Mạnh Thường).
Những ngày đi như con thoi đó, ông đã chụp hết 20 cuốn phim (mỗi cuốn 36 kiểu ảnh). Cảnh thị xã Cao Bằng bị tàn phá không còn một ngôi nhà, cảnh bệnh viện, trường học, cầu cống, nhà dân bị phá hoại, cảnh người dân bị sát hại... đều được ông chụp lại để vạch trần tội ác quân xâm lược; sau đến cảnh chiến đấu anh dũng của quân và dân Cao Bằng.
Ngày 24.2.1979, ông Thường về đến Ngân Sơn (Bắc Kạn) và gửi những bức ảnh chụp được về Hà Nội. Sau đó báo Nhân dân, Quân đội nhân dân đã đăng ảnh của ông về những chiếc xe tăng bị tiêu diệt và bắt sống. “Thời điểm những ngày khói lửa đó, bên phía ta có độc nhất tôi là phóng viên chiến trường. Bởi vì quân Trung Quốc đánh vu hồi, các anh em phóng viên ở phía dưới xuôi không lên được. Còn tôi lên Cao Bằng trước ngày xảy ra cuộc chiến”, ông Thường bảo.

Quân và dân Cao Bằng phục kích quân xâm lược (ảnh Trần Mạnh Thường).
Vào thời điểm sau ngày 17.2.1979, ông Dương Tường (Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng lúc đó) có nói với một số người chuyện anh bộ đội nhặt được máy ảnh ở khu vực Ngân Sơn. Anh bộ đội còn nói thấy có phóng viên chụp ảnh nhưng sau không thấy nữa. “Ông Dương Tường và một số lãnh đạo tỉnh nghĩ một là tôi đã bị bắt, hai là đã hy sinh. Sau khi gửi đến Ngân Sơn để gửi phim về Hà Nội tôi trở lại thị xã Cao Bằng, lúc này mọi người mới biết tôi còn sống”, nghệ sĩ Trần Mạnh Thường kể.
Trước khi trở về Hà Nội, ông nghe tin các cơ quan chức năng tỉnh đang vớt các thi thể người dân (43 người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) bị quân Trung Quốc sát hại dã man rồi vứt xuống giếng, suối ở Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng. Ông đã dành chọn một ngày để tác nghiệp ghi lại tội ác tày trời của quân xâm lược.
“Do tiếp xúc với thi thể đã phân hủy nên khi trở về chiếc áo nato của tôi rất nặng mùi, giặt cũng không hết nên đành bỏ đi. Ngày 15.3.1979, tôi về Hà Nội kết thúc những ngày tác nghiệp trên mảnh đất biên viễn Cao Bằng”, ông nhớ lại.
Theo Báo 24h

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2019

CAO BẰNG: BẮT ĐỐI TƯỢNG TRONG ĐƯỜNG DÂY BUÔN MA TÚY LỚN, THU GIỮ 90 BÁNH HÊ-RÔ-IN


Vào hồi 10 giờ 20 phút, ngày 23-1, tại huyện Thạch An (Cao Bằng), phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy- Công an tỉnh Cao Bằng phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) bắt giữ hai đối tượng: Hoàng Thanh Bình (SN 1970), trú tại tổ 19, phường Đề Thám, TP Cao Bằng và Lương Văn Đảm (SN 1978), trú tại xã Kim Quan, huyện Thạch Thất (Hà Nội) khi hai đối tượng đang vận chuyển 90 bánh heroin.
Đối tượng Hoàng Thanh Bình và tang vật vụ án.
Việc bắt giữ hai đối tượng và 90 bánh heroin tại Cao Bằng nằm trong kế hoạch đấu tranh chuyên án lớn do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì, liên quan đến đường dây ma túy xuyên quốc gia do một đối tượng thường trú ở Hà Nội cầm đầu và nhiều đối tượng ở các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tĩnh. Các đối tượng đã hình thành đường dây mua bán, vận chuyển heroin từ Lào, về các tỉnh Tây Bắc, rồi vận chuyển lên Cao Bằng bán sang Trung Quốc.
Được biết thêm, ngay trong ngày 23-1, đối tượng cầm đầu đường dây thường trú ở Hà Nội đã bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy bắt giữ.
Lực lượng chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Hoa Hồng- PVCBĐB tổng hợp