Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

ĐINH LA THĂNG KHAI NHỮNG GÌ TẠI PHIÊN TÒA NGÀY 9/1

Tại phiên toà, trả lời phần thẩm vấn của HĐXX liên quan đến hợp đồng số 33 chưa đủ điều kiện, thuộc cấp khai đã báo với ông Đinh La Thăng về việc này nhưng ông Thăng vẫn lệnh: “Tôi không biết, sang tuần các ông phải chuyển tiền cho PVC”.
Trong buổi sáng 9/1, HĐXX tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo Đinh La Thăng, Ninh Văn Quỳnh, Vũ Hồng Chương liên quan đến Hợp đồng EPC số 33 (về việc “Thiết kế, chế tạo, kiểm tra và thử nghiệm, cung cấp, đóng gói và vận chuyển, giao hàng đến công trường, thông quan hàng hoá, bảo hiểm, dỡ hàng tại công trường, xây dựng, lắp đặt, chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và bảo hành Công trình NMNĐ Thái Bình 2 gói thầu “EPC xây dựng nhà máy chính” thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình NMNĐ Thái Bình 2 (2x600MW)”) mà ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo cho các thuộc cấp chuyển số tiền hơn 1.300 tỉ đồng và hơn 6,6 triệu USD trái quy định cho PVC. .
Tại phiên tòa, ông Thăng khẳng định đã chỉ đạo rõ số tiền này chỉ được sử dụng cho dự án không được dùng vào mục đích khác.
Khi tòa đặt vấn đề hợp đồng 33 chưa đủ điều kiện mà bị cáo đã cho tạm ứng 10% giá trị hợp đồng như vậy có đúng không? Ông Thăng trả lời: "Lúc đó bị cáo chưa biết gì về hợp đồng 33".
Ngay sau đó, Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN được HĐXX mời lên đối chất. Ninh Văn Quỳnh cho biết: "Bị cáo đã báo cáo nội dung hợp đồng 33 với anh Thăng, còn một số nội dung khiếm khuyết của hợp đồng thì báo cáo trực tiếp với ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN.
Bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 cũng tiếp tục được Tòa yêu cầu đối chất.
Bị cáo Chương khẳng định đã báo cáo cụ thể về hợp đồng 33 không đúng quy định với ông Đinh La Thăng. Vũ Hồng Chương khai, tại cuộc họp ngày 31/3/2011, ông Đinh La Thăng chỉ đạo ban quản lý dự án rà soát lại nội dung hợp đồng 33 để ký lại hợp đồng điều chỉnh chủ thể.

Đến cuộc họp ngày 1/6, ông Thăng yêu cầu hoàn thành sớm thiết kế tổng thể và sớm thực hiện việc tạm ứng 10% giá trị hợp đồng cho dự án. "Bị cáo được anh Thăng gọi lên phòng hỏi tại sao không làm văn bản chuyển tiền tạm ứng cho PVC. Bị cáo bảo anh xem lại hợp đồng 33 không phù hợp quy định, không đúng với nghị định 48 của Chính phủ, đề nghị Tập đoàn hướng dẫn ban quản lý thực hiện theo đúng quy định. Khi đó anh Thăng đã cho gọi anh Sơn, (Nguyễn Xuân Sơn, Phó TGĐ PVN) và anh Khánh (Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó TGĐ PVN) lên phòng. Khi anh Sơn lên hỏi tại sao không chuyển tiền, bị cáo trả lời rằng mới ký hợp đồng chuyển đổi chủ thể, hợp đồng có 2 trang chưa có phòng ban ký nháy vào đó nên chưa đủ điều kiện", ông Chương khai. Theo bị cáo Chương, lúc đó ông Thăng vội đi đâu và nói: "Tôi không biết, các ông phải làm sao chuyển tiền tạm ứng cho PVC thực hiện dự án vào tuần sau".
Đinh La Thăng khai nhận tại phiên tòa ngày 9/1
Truy tiếp việc PVC được giao làm tổng thầu, HĐXX thẩm vấn ông Đ inh La Thăng. Theo bị cáo Đinh La Thăng, hội đồng thành viên đã làm việc, có các ban ngành giúp việc và đều báo cáo PVC có đủ năng lực. Căn cứ vào báo cáo của chủ đầu tư, của Tổng Giám đốc, nên bị cáo quyết định giao cho PVC làm tổng thầu theo đúng quy định. Lý giải vì sao trong nghị quyết đã nêu PVC là tổng thầu liên doanh nhưng tại một công văn khác lại chuyển đổi thành chỉ có PVC được chỉ định thầu. Bị cáo Đinh La Thăng nêu, thầu và liên doanh tổng thầu có những điểm khác nhau. Đối với liên doanh tổng thầu vẫn do PVC làm chủ nhưng phần của nước ngoài thì do nước ngoài làm. Căn cứ vào quá trình thực tế trước đó đã từng liên kết nhưng không đảm bảo nên bị cáo quyết định giao cho PVC làm tổng thầu. Hội đồng xét xử đề nghị làm rõ việc khởi công nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 khi thiếu các thủ tục cần thiết theo quy định. Bị cáo Đinh La Thăng lý giải rằng, mỗi năm thực hiện hàng chục dự án, vì vậy để đảm bảo tiến độ, các đơn vị phải thực hiện đồng thời các công việc, không thể chờ xong việc này mới làm việc khác. Theo ông Đinh La Thăng, trong Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, việc chỉ định PVC làm tổng thầu xuất phát từ chủ trương phát triển PVN đến năm 2025 trở thành tập đoàn mạnh, kinh doanh ngoài ngành. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát huy nội lực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô…, Chính phủ cũng cho phép PVN chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện các dự án của tập đoàn. Vì vậy, PVN mở một số công ty con, trong đó có PVC để xây dựng thành một đơn vị xây lắp dầu khí mạnh của tập đoàn. Từ đó, PVN giao PVC làm tổng thầu dự án. Phóng viên của Cao Bằng Điểm Báo sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất đến bạn đọc trong các ngày diễn ra phiên tòa.
PV CBĐB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét