Thứ Ba, 23 tháng 1, 2018

CHÍNH THỨC TUYÊN ÁN ĐINH LA THĂNG VÀ THUỘC CẤP

“Toà án ghi nhận những đóng góp của ông Đinh La Thăng đối với xã hội, nhưng pháp luật phải được tôn trọng. Điều đó thể hiện sự công minh, bình đẳng, không loại trừ bất kỳ ai nếu đã phạm tội. Toà áp một bản án có tình, có lý, đánh giá cả công và tội là sự cảnh báo cần thiết cho sự tùy tiện, lạm dụng quyền lực vi phạm pháp luật gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước và nhân dân”, Chủ tọa nhấn mạnh. Sau khi phân tích, đánh giá vai trò, hành vi và mức độ phạm tội của từng bị cáo, Chủ tọa phiên toà đã tuyên án đối với từng bị cáo.
Sáng 22/1, TAND TP Hà Nội tuyên án ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’’ và ‘‘Tham ô tài sản”.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng mức án 13 năm tù giam vì tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị tuyên phạt 14 năm tù tội cố ý làm trái, chung thân tội tham ô.

Tuyên bị cáo Thanh và Thăng mức án trên, HĐXX nhận định: Năm 2010, do việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả, dẫn tới tình hình tài chính của PVC lâm vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng. Thay vì tìm các giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn cho PVC, PVN lại giao PVC gánh vác thêm các khoản đầu tư có nợ xấu và thua lỗ của 5 dự án tại PVFC với giá trị lên tới 793 tỷ đồng.
HĐXX đọc bản tuyên án các bị cáo
Tính đến năm 2011, PVC đã đầu tư tài chính vào 43 đơn vị với tổng giá trị đầu tư 3.460 tỷ đồng/2.500 tỷ đồng vốn điều lệ, làm mất cân đối dòng tiền đầu tư gần 1.000 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính năm 2009, năm 2010 đã được kiểm toán của PVC).
HĐXX cho rằng ông Đinh La Thăng biết rõ PVC đã gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm làm tổng thầu thi công những dự án nhiệt điện lớn.
Trong khi đó, Nghị quyết số 9396/NQ-DKVN của HĐTV PVN phê duyệt phương án thành lập liên doanh tổng thầu EPC dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, theo đó PVC là thành viên đứng đầu liên danh, nhà thầu nước ngoài tham gia được lựa chọn theo hình thức đấu thầu quốc tế.
Dù vậy, bị cáo Thăng vẫn quyết định lựa chọn PVC làm tổng thầu EPC Nhiệt điện Thái Bình 2 - một công trình trọng điểm quốc gia theo hình thức chỉ định thầu.
Mặt khác, trong khi dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được phê duyệt, chưa có thiết kế FEED, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu và một loạt các thủ tục pháp lý khác có liên quan, bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết hợp đồng số 33 và hợp đồng chuyển đổi chủ thể số 4194 với giá trị tạm tính là 1,2 triệu USD.
Việc chọn nhà thầu và ký hợp đồng EPC số 33 trên là làm trái điều 41, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo luật Xây dựng; Điều 17 Nghị định số 12/2009- NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng; Điều 9, 10 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
HĐXX còn cho rằng, hợp đồng 33 giữa PVPower và PVC được lập, ký không đúng quy định của pháp luật, có nhiều nội dung không có, nhất là không có Điều 14 về giá trị hợp đồng và thanh toán; không có phụ lục 2, không có thỏa thuận hợp đồng.Các hợp đồng được lập và ký chưa được HĐTV của chủ đầu tư phê duyệt và Ban QLDA Thái Bình 2 báo cáo PVN vẫn đang đàm phán và chưa đi đến thống nhất tỷ lệ tạm ứng hợp đồng với PVC, nhưng theo đề nghị của PVC, PVN đã chuyển 8.268.000 USD và hơn 1.317 tỷ đồng cho Ban QLDA Thái Bình 2 để tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng. Việc tạm ứng tiền theo hợp đồng 33 và hợp đồng 4194 là làm trái khoản 2, khoản 3, điều 3, Nghị định số 112/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; khoản 2, điều 6 Nghị định số 48/2010/NĐ- CP của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng; khoản 2, khoản 4, điều 10, Quyết định số 190/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN.
Cũng theo nhận định của HĐXX, sau khi PVC nhận tiền tạm ứng, Trịnh Xuân Thanh và thuộc cấp đã sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Việc sử dụng tiền tạm ứng của dự án Thái Bình 2 làm trái khoản 2, điều 31 Nghị định số 9/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Hội đồng xét xử kết luận: Hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh có đủ dấu hiệu phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3, điều 165, bộ luật Hình sự năm 1999. PVC tại thời điểm được chỉ định thầu trái pháp luật, ký kết hợp đồng EPC số 33 và hợp đồng EPC số 4194 khi chưa đủ điều kiện, tạm ứng vốn trái phép là một doanh nghiệp đang thâm hụt tài chính, không đủ kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn. Điều này đã được các bị cáo Vũ Đức Thuận, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt khẳng định trước tòa, cũng đã được Ban Quản lý dự án và PVPower báo cáo. Cũng cùng thời điểm đó, PVC được PVN chỉ định thầu xây dựng một số dự án khác như Ethanol Dung Quất, Ethanol Phú Thọ, Xơ sợi Đình Vũ… cho đến nay đã được Chính phủ xác định thất thoát thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng. Mỗi dự án như vậy có nguy cơ trở thành một vụ án, lãnh đạo PVC đang phải đối mặt với nguy cơ điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án hình sự khác.
Đinh La Thăng tại tòa

              + Các bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng:
 Ông Đinh La Thăng 13 năm tù; Phùng Đình Thực, cựu Tổng Giám đốc PVN 9 năm tù; Nguyễn Quốc Khánh, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN 9 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN 9 năm tù; Ninh Văn Quỳnh, cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và Kiểm toán PVN 7 năm tù; Nguyễn Mạnh Tiến, cựu Phó Tổng Giám đốc PVC 6 năm tù; Nguyễn Ngọc Quý, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị 6 năm tù; Lê Đình Mậu, cựu Phó Trưởng Ban Kế toán và Kiểm toán PVN từ 4 năm 6 tháng tù; Vũ Hồng Chương, cựu Trưởng Ban quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 3 năm tù (án treo); Trần Văn Nguyên, cựu Kế toán trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 30 tháng tù (án treo); Phạm Tiến Đạt, cựu Kế toán trưởng PVC 4 năm 6 tháng tù; Trương Quốc Dũng, cựu Phó Tổng Giám đốc PVC 17 tháng tù.
+ Các bị cáo bị truy tố về tội tham ô tài sản:
Nguyễn Anh Minh, cựu Phó Tổng Giám đốc PVC 16 năm tù. Bùi Mạnh Hiển, cựu Chánh Văn phòng PVC từ 10 năm tù; Lương Văn Hòa, cựu Giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch thuộc PVC 10 năm tù; Nguyễn Thành Quỳnh, cựu Giám đốc Kỹ thuật Công nghệ Tổng Công ty cổ phần Miền Trung từ 8 năm tù; Lê Thị Anh Hoa, cựu Giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa 46 tháng tù (án treo); Nguyễn Đức Hưng, cựu Trưởng phòng Tài chính kế toán, Ban điều hành Vũng Áng-Quảng Trạch 36 tháng tù (án treo); Lê Xuân Khánh, cựu Trưởng phòng kinh tế Kế hoạch, Ban điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch 36 tháng tù (án treo); Nguyễn Lý Hải, cựu Trưởng phòng kỹ thuật, Ban điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch 36 tháng tù (án treo).
 Riêng hai bị cáo: Trịnh Xuân Thanh bị phạt tù chung thân về hai tội: cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản và Vũ Đức Thuận, cựu Tổng Giám đốc PVC 22 năm tù cũng về hai tội danh này.
Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc các bị cáo cấm các vị trí quản lý kinh tế, tài chính trong doanh nghiệp Nhà nước sau 5 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt.
Các bị cáo khác tuy theo mức độ phạm tội mà bị HĐXX buộc bồi thường trong tổng số tiền được xác định thiệt hại gần 120 tỷ đồng. Số tiền này, HĐXX đã buộc ông Đinh La Thăng và bị cáo Trịnh Xuân Thanh bồi thường 60 tỷ đồng.
PV CBĐB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét