Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2016

Bảo Lâm-Cao Bằng: Hoàn thiện xây dựng cơ bản cho phát triển kinh tế

Bảo Lâm là huyện vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn, nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm thị xã Cao Bằng 172 km theo Quốc lộ 34 Cao Bằng - Bảo Lạc - Hà Giang.
Huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng) được chia tách từ huyện Bảo Lạc theo Nghị định 52/2000/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Bảo Lâm là huyện vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn, nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm thị xã Cao Bằng 172 km theo Quốc lộ 34 Cao Bằng - Bảo Lạc - Hà Giang
Với địa hình tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình 900 m so với mặt nước biển. Lượng mưa hàng năm rất lớn, bình quân 2.000-2.500 mm. Vì vậy huyện Bảo Lâm có tiềm năng dồi dào về thuỷ lợi và thuỷ điện. Bảo Lâm có 14 xã và thị trấn, ngoài thị trấn Pác Miầu thì toàn bộ 13 xã còn lại của huyện đều thuộc diện xã đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II. Phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa cao, đời sống còn khó khăn, nguồn lao động hầu như chưa qua đào tạo...
Bảo Lâm Cao Bằng (hình minh họa)
Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện diễn ra trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng UBND huyện Bảo Lâm đã tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2016 và cũng là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2016 – 2020).
Trong 9 tháng đầu năm 2016, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn cùng ngành nông nghiệp triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2015 – 2016, vụ Mùa 2016 theo đúng thời vụ và cơ cấu cây trồng phù hợp, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống hạn, phòng chống dịch vện cho cây trồng, vật nuôi; tập trung chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm.
Chỉ đạo tổ chức tốt các Lễ hội xuân 2016, đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an toàn giao thông trên địa bàn. Chỉ đạo và thực hiện tổ chức thành công Lễ hội thi “Bò đẹp và chọi bò” cấp huyện lần thứ 9.
Trong thời gian qua, UBND huyện cũng đã tập trung hoàn thiện và thực hiện thanh toán dứt điểm các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2015, triển khai tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo kế hoạch đầu tư công và nguồn vốn được giao.
Thực hiện chỉ đạo đẩy mạnh các biện pháp tâng thu ngân sách Nhà nước, chống thất thu, nợ đọng thuế. Tăng cường kiểm tra quản lý thị trường, VSATTP. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016–2021.
Tăng cường chỉ đạo tốt công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe và giáo dục trên địa bàn. Đẩy mạnh các tiêu chí bảo vệ môi trường như làm nhà vệ sinh, đưa chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm sàn nhà và xây dựng nông thôn mới. Thành lập đoàn và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm tại 7/14 xã/thị trấn để có cơ sở đánh giá khách quan, thực chất và làm cơ sở định hướng chỉ đạo 9 tháng cuối năm 2016.
Tổ chức các cuộc họp với các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn và các ngành liên quan để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nhằm tập trung đẩy nhanh việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2016. Qua khảo sát và tổng hợp kết quả sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn 9 tháng đầu năm có doanh thu ước đạt 6 tỷ đồng (đạt 115% kế hoạch).
Đôn đốc nhà thầu xây lắp tiếp tục triển khai thi công các công trình chuyển tiếp, lập kế hoạch kiểm tra việc thi công xây dựng các công trình xây dựng, tổ chức nghiệm thu các công trình xây dựng trên địa bàn, thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình.
Dù vậy, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản trong huyện còn gặp nhiều khó khăn bởi: Các công trình khởi công mới trong năm thuộc nguồn vốn theo Nghị quyết 30a, Chương trình 135 mặc dù đã được giao vốn nhưng tỉnh vẫn chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm một số công trình như: Đường giao thông nông thôn Sác Ngà – Khau Noong – Lũng Kim (xã Thạch Lâm), đường giao thông nông thôn Khuổi Đuốc – Nặm Trà (xã Thái Sơn), phân trường Nà Lầu, trường tiểu học Nà Hiên, trạm biến áp xóm Nà Bon (xã Mông Ân), thủy lợi Nặm Phiêng xóm Phiêng Phát (xã Quảng Lâm),...
Một số nguồn vốn giao chậm: tháng 5/2016 giao 19.800 triệu đồng, cuối tháng 7/2016 giao 6.108,132 triệu đồng (tổng số 25.980 triệu đồng, tương đương 32,5%). Phần lớn dự án giao vốn chậm phải thực hiện từ khâu xin chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư đến triển khai thực hiện. Các công trình thi công chủ yếu theo thời vụ, mùa khô nên khối lượng hoàn thành thanh toán tập chung chủ yếu vào cuối năm.
Để khắc phục khó khăn, việc giải ngân đạt và vượt cam kết với UBND tỉnh Cao Bằng (là 86%), BQLDA ĐTXD và thực hiện Nghị quyết 30a/CP đã đề ra một số nhiệm vụ giải pháp như: Tăng cường kiểm tra đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đang thi công, tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành và lập hồ sơ thanh toán khi có khối lượng hoàn thành.
Khẩn trương lập và hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự toán, giá gói thầu đối với công trình khởi công mới, công trình hoàn thành trong năm. Tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, triển khai thi công xây dựng các công trình, hạng mục công trình đủ điều kiện khởi công mới.
Qua đó, UBND huyện cần sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thẩm định, dự toán đền bù, đề xuất chủ trương đầu tư, kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu,.. để làm cơ sở cho UBND huyện phê duyệt và là điều kiện cần để BQLDA triển khai xây dựng và có đủ khối lượng hoàn thành thanh toán vốn theo kế hoạch nhằm đẩy mạnh tiến độ xây dựng cơ bản, góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế của huyện.
Trần Hải / KD&PL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét