Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

Lễ “Kỳ ri thọ”- nét đặc sắc trong văn hóa tinh thần người Tày, Nùng


Theo chu kỳ vận chuyển bốn mùa của đất trời phương Đông thì mùa xuân được xem là khởi đầu của một năm. Đây là mùa của vạn vật sinh sôi nẩy nở. Người Tày, Nùng vừa chuẩn bị đón Tết Nguyên đán vừa sắp xếp một số công việc trong nhà. Trong đó người ta chú ý đến đời sống tinh thần của các thành viên trong gia đình.
Đối tượng đầu tiên là người cao tuổi và trẻ em, sau nữa là những người có biểu hiện sức khỏe yếu. Tùy từng đối tượng mà người ta tiến hành các lễ “Giải xung, giải hạn”, trong đó lễ “Pủ liềng - Pủ dảo” (Bù lương) cho người cao tuổi được nhiều gia đình quan tâm tiến hành. Nội dung của Lễ là cấp lương thực, tiền và các lễ vật cho vía người được khỏe mạnh trường thọ.
Nghi lễ trong Lễ mừng thọ của người Tày.
Các lễ Bù lương cho những người ở tuổi 49, 61, 73, 85 (Phúc, Thọ, Khang, Ninh) được nhiều gia đình tổ chức, riêng lễ Bù lương cho người 97 tuổi gọi là “Kỳ ri thọ” thì xưa nay hiếm.
Gia đình nào có cha mẹ, ông, bà thọ trên 90 tuổi được xem là có phúc lớn. Người thọ đến tuổi này được gọi là “Kỳ ri thọ”, đây là chữ thứ năm trong chu kỳ vận hạn của đời người. Lễ “Kỳ ri thọ” tiến hành khá công phu. Theo người Tày, Nùng người được tổ chức lễ này mai sau quy tiên nếu vì lý do nào đó con cháu không tổ chức được tang lễ thì người chết cũng có đầy đủ các lễ vật mang theo sang cõi âm để dùng. Với ý nghĩa đó. Lễ Bù lương lần này được tiến hành với đầy đủ các thủ tục như một lễ cúng Phi Ham của người Tày, Nùng.

  Chuẩn bị lễ được chia làm hai phần. Các lễ vật con trai chuẩn bị: Con trai trưởng chặt tre đan hũ đựng lương (tre không lấy cây gẫy ngọn). Hũ dán giấy hồng điều có trang trí bốn dây đai bằng giấy các màu xanh, đỏ, tím, vàng. Miệng hũ cắm 12 hình nhân cùng tiền Âm Dương (quân trông coi hũ lương); 4 đọt măng tre, 1 đọt chuối, 3 cành lá đa; 2 gốc tre lấy cả rễ, 1 cây trúc cả rễ, 2 cây chuối cả rễ, 2 cây mía có cả rễ; 1 gánh gạo, rượu, nước mỗi thứ 1 ít buộc vào cây chuối mệnh (gạo nước nuôi cây mệnh trên trời). Đôi cầu mệnh. 7 chiếc màn, 1 túi nải bằng giấy đựng các đồ vật như tiền, quần áo, giày, tất, khăn bằng giấy. 12 đôi đũa mới được sắp lại từng đôi một, dùng mảnh giấy hồng điều nhỏ quấn lại, thầy Tào viết họ tên người thụ lễ lên các đôi đũa (sau lễ 12 đôi đũa này được chia cho các con cháu trong nhà gọi là phúc cha, mẹ để lại cho con - cầm đũa ăn nhớ ơn công nuôi dưỡng của cha mẹ). Một con lợn quay, gà, vịt…

Các lễ vật con gái: 5 mét vải đen, vải trắng (gọi là vải rằm khấư - vải ướt khô trả ơn sinh thành của mẹ), 3 mét vải đỏ dùng để quây quanh hũ gạo lương.

Bài trí khi hành lễ: 3 cây sào treo lễ vật hoa và quần áo, lúa bông được treo song song đối diện với bàn thờ tổ tiên.

Lấy tấm vải trắng đen phủ lên ba cây sào treo các lễ vật trên, một đầu tấm vải kéo dài vào nơi giường ngủ của người thụ lễ. Đầu cây cầu này đặt ngọn nến và bát gạo vía thắp hương. Sau khi căng cây cầu âm xong người ta, lấy tấm vải đỏ 3 m phủ lên trên ba sào hoa (tượng trưng cho Phúc, Lộc, Thọ).

 Cầu âm dương đưa lễ vật lên trời: Từ mâm hương, thầy Tào ngồi trải tấm vải đen trắng ra phía cửa ra vào. Tạo thành cây cầu thẳng ra hướng cửa. Trên cây cầu bài trí thứ các lễ vật trên.

 Đầu cầu trong nhà đặt chiếc nong trải tấm vải đỏ rồi đặt khay đựng 100 chiếc bánh dày phủ giấy hồng điều giữa tâm điểm khay cắm 1 đọt chuối và 1 ngọn lá đa, đĩa đựng 12 miếng trầu, quanh khay cắm 24 chim én được cắt từ giấy (chim én đưa lễ vật lên trời) và lên 12 đôi đũa mới cuộn giấy hồng điều có viết tên người thụ lễ. Cạnh khay có ngũ quả, đôi cầu mệnh, 12 con thuyền gấp bằng giấy màu.

 Hũ gạo lương cắm đọt chuối, 3 đọt măng và cành lá đa và ngôi nhà bằng hộp giấy, một chiếc đẫy bằng giấy đựng 12 bộ quần áo và 7 chiếc chăn bằng giấy màu, chiếc thuyền vía và 12 thỏi gấp bằng giấy bạc các màu. Một chậu nước lá bưởi (tẩy uế) các lễ vật trước khi dâng lên thánh thần. Ngoài cùng là các loại cây mệnh, hình nhân.

 Lễ dâng rượu và tiền: Người thụ lễ ngồi trên ghế nhỏ bên trái đầu cầu âm, hai lòng bàn tay mở ra đặt ngửa lên đầu gối. Con cháu ngồi dọc hai bên cây cầu (mỗi người cầm 100 nghìn đồng mừng thọ cụ 100 tuổi). Người con trai cả và con trai thứ tay cầm cây mía có kèm đọt măng tre quấn giấy hồng điều. Tiền mừng của hai người con được kẹp trên kẽ lá mía. Trong khi tiến hành lễ, một người có nhiệm vụ nhúng các cây hương vào dầu hỏa cắm vào chậu tro đốt cho cháy sáng.

Sau khi thầy Tào ca bài dâng lễ vật, con trai cả cầm cây mía và đồng tiền đến đặt bên đầu gối bên trái người thụ lễ, kế đó là con trai thứ hai cầm các lễ vật như trên đến đặt bên phải. Tiếp đến là con cháu lần lượt từng người một dâng rượu hồng và tiền bạc đặt vào lòng bàn tay người thụ lễ.

Người ta lấy một thanh cây nhỏ cuốn giấy màu làm đòn gánh gạo và rượu. Gánh gạo, rượu cho vía người thụ lễ được đặt trên thân cây chuối. Khi chuyển lễ, gánh lễ vật này được một người cháu trai ngồi bên người thụ lễ gánh. Thầy làm phép chúc phúc rồi đóng dấu vào các lễ vật con cháu đã dâng tặng, người thụ lễ xòe hai lòng bàn tay cùng tiền ra, Thầy đóng dấu sau đó đem số tiền con cháu dâng ra đếm. Số tiền đếm được tính bằng 15 tờ là tượng trưng cho số tuổi cụ bà sẽ sống trên 100 tuổi.

Mục chuyển lương (Pủ liềng): Lấy tấm vải đỏ trải dọc hướng ra cửa (cầu chuyển lương). Dọc theo cây cầu đặt mỗi bên 12 cây nến thắp sáng. Giữa cầu đặt 12 đôi đũa xếp thành hình thoi cạnh đó đặt đôi cầu mệnh.

Đầu cầu phía trong người thụ lễ ngồi, trước mặt là hũ đựng gạo vía đặt trong chiếc nong to, có ngọn chuối, búp lá đa, quanh hũ xếp 24 bộ quần áo màu. Đầu cầu bên ngoài đặt mâm ngũ quả, thúng gạo vía, tiền âm, dương, có chậu tro nhỏ để cắm hương nhúng dầu đốt cháy. Con cháu ngồi hai bên cây cầu. Thầy ca bài chuyển lương.

Gạo và tiền con cháu đến mừng đổ vào dậu, rồi dùng bát đong chuyền tay nhau đổ vào hũ lương. Khi hũ lương đầy, các lễ vật trên cây cầu được đặt vào nong gạo. Người thụ lễ ngồi trên ghế, hai tay đặt ngửa lên gối, cây nến được chuyển lên lòng bàn tay bên trái, các con cháu lần lượt dâng rượu màu cho người thụ lễ uống, sau đó dâng các lễ vật khác. Sau khi dâng một số thứ cấp cho người thụ lễ được chuyển vào chỗ nghỉ người thụ lễ.

Thầy thắp 100 cây hương cắm vòng quanh hũ lương đầy (tượng trưng cho việc giải hết hạn đến 100 tuổi). Sau khi hương thắp trong hũ lương tàn, người ta đổ lương trong hũ nong, thầy cùng con cháu đếm số tiền con cháu mừng. Gạo được trút vào bao để người thụ lễ ăn, gạo bù lương không được đem chăn chó. Số tiền con cháu dâng cất để sau 100 ngày mới được đem dùng.

 Buộc hũ hương: Các lễ vật con cháu dâng được cho vào trong hũ lương. Tấm vải đỏ được quấn vòng quanh chiếc hũ. Tấm vải đen bắc cầu âm được cắt một nửa đem quấn vòng quanh hũ. Hũ lương được con trai đưa lên buộc vào cây thượng lương gian giữa nhà. Gánh gạo rượu được chuyển lên buộc cạnh hũ lương. Ba sào hoa, lúa quần áo vẫn treo để ba ngày sau mới cất.

Trồng cây mệnh: Cây mệnh được đưa ra người vườn chỗ đất tốt để trồng, các lễ vật treo trên cây như gạo, rượu được đem đổ xuống hố cây. Cây mọc tốt người mới khỏe mạnh. Đối với Lễ “Kỳ ri thọ”, ngoài cây chuối cây tre, người ta trồng thêm cây trúc mỗi cây cách nhau hơn sải tay. Cắt bốn dẻ vải đỏ buộc vào thân cây.

Lễ tháo sào hoa và treo chữ: Khi trồng các loại cây mệnh được ba ngày, thầy đến nhà tháo ba cây sào treo hoa, hoa tháo được đem ra vắt vào hàng cây mệnh trồng ngoài nhà, các nhành lúa được treo vào đầu giường người thụ lễ. Thầy viết vào giấy đỏ tám chữ nôm Tày: TRƯỜNG SINH HỘ MỆNH/ BÁT QUÁI HỘ THÂN. Chữ được treo vào thân cây mệnh. Họ tên và chữ mệnh của người thụ lễ được viết bằng chữ nôm Tày vào ba tờ giấy vàng. Một tờ được cho vào trong hũ gạo đã buộc trên cây thượng lương. Hai tờ được chia làm hai cho vào hai túi ni lông cùng hai tờ 100 nghìn đồng. Một túi ghi là phải, một túi ghi là trái. Hai túi đựng mệnh này cất để, sau này người thụ lễ chết hai túi này sẽ được đặt vào tay để mang về cõi âm. Tấm giấy đặt trong hũ lương sẽ đem che lên mặt. Tấm vải trắng đen con gái dâng sẽ lót nằm, tấm vải đỏ đen gối đầu để phúc lộc cho con cháu. Khi người thụ lễ chết, chai rượu buộc cùng gánh gạo treo trên sà nhà được đưa xuống rượu đổ vào miệng và rửa mặt cho người chết. Người ta cho rằng mọi bệnh hoạn tai họa sẽ không xảy ra đến với con cháu mai sau.

Một số điều phải kiêng kỵ sau khi tiến hành lễ Bù lương: Sau lễ Bù lương gia chủ và người thụ lễ phải kiêng một số điều sau: Trong ba ngày không được cho người khách vào nhà, không được quét rác ra ngoài. Một trăm ngày không đi đám ma hay đầy tháng trẻ. Nếu không kiêng được sẽ có họa xảy đến với con cháu trong nhà. Người thụ lễ phải kiêng: Ba ngày không được cầm chổi quét nhà, không được mở vung nồi, không được tắm gội, không được vào nơi uế tạp (trong ba ngày này vía người thụ lễ còn ở trên trời với tiên thánh, mọi hoạt động dưới trần gian cần tạm ngừng nghỉ ngơi. Nếu không kiêng được thì lễ không hiệu quả).

Lễ “Kỳ ri thọ” là nét đặc sắc trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Tày, Nùng. Việc nghiên cứu, bảo tồn, đưa lễ Bù lương vào sinh hoạt văn hóa ở các làng xóm là điều cần bàn, làm sao vừa kết hợp giữa chúc thọ của các tổ xã hội vừa phối hợp với gia đình tiến hành lễ Bù lương theo truyền thống. Tạo ra sự đoàn kết trong gia đình và cộng đồng làng xóm.               

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét