Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2016

Cao Bằng: Khởi sắc trong xây dựng Nông thôn mới

Bảo Lạc là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng. Thị trấn Bảo Lạc cách Thành Phố Cao Bằng 134 km theo đường Quốc lộ 34.
Với tổng diện tích tự nhiên 92.072,68 ha, gồm 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Tày (chiếm khoảng 28%). Dân cư sinh sống rải rác, trình độ dân trí, canh tác của nhân dân còn thấp. Là một huyện nghèo của tỉnh Cao Bằng, với 16 xã, 1 thị trấn nhưng lại có tới 15 xã nằm trong diện “đặc biệt khó khăn”, nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nền sản xuất nông nghiệp chính vì vậy ngành nông nghiệp của huyện Bảo Lạc được coi trọng, đánh giá là yếu tố chủ lực, then chốt để thúc đẩy kinh tế và làm thay đổi đời sống, diện mạo của nhân dân trong huyện.
Nhờ định hướng chính xác, áp dụng đúng tiến bộ khoa học của ngành Nông nghiệp về giống cây trồng, vật nuôi mà đời sống kinh tế của nhân dân huyện Bảo Lạc đã được nâng cao
Hiện nay mạng lưới giao thông mặc dù còn khó khăn. Hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Điện thắp sáng, điện thoại và các dịch vụ bưu chính viễn thông có nơi chưa đáp ứng được nhu cầu của bà con các dân tộc. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất sản xuất…
Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kịp thời của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo đến nay bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của huyện Bảo Lạc đã dần vào guồng và đang trên đường đổi mới. Các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất đã khẳng định được tính hiệu quả, đưa đời sống kinh tế của nhân dân ngày một phát triển.
Đa phần người dân được nhận sự hỗ trợ phát triển sản xuất đều vận dụng, phát triển hiệu quả và phấn khởi chia sẻ: “Qua các cuộc họp xóm, bà con rất phấn khởi vì hiểu rõ hơn về sự quan tâm của Đảng đối với đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao.
Dân bản ơn Đảng nhiều, không nghe, không tin theo lời kẻ xấu, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Những gia đình thuộc diện hộ nghèo do thiếu đất canh tác, hàng năm đều nhận được gạo cứu đói và các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế của Chính phủ. Từ sự quan tâm của Đảng, cán bộ các cấp, mọi người đều tích cực vận động con, cháu học hành, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước ổn định về kinh tế, xây dựng đời sống mới, nông thôn mới...”
Sau 5 năm (2011 – 2015) tích cực triển khai thực hiện “Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới”, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền, sự đồng lòng ủng hộ, chung tay, góp sức của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân, việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Bảo Lạc đã trở thành phong trào rộng khắp và đạt được một số kết qủa bước đầu: Việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở tiếp tục được quan tâm. Mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư, đến nay hệ thống GTNT trên địa bàn huyện được cải thiện đáng kể, đường huyện (14 tuyến dài 188,3km) nhựa hóa 26,13%, cấp phối 61,13%; Đường xã (203 tuyến dài 937km) bê tông 0,74%, cấp phối 29,15%, đất 70,11%;
Đường thôn bản xe tải nhẹ đi được đạt 66,2%, xe máy đi lại được đạt 92%. Hàng năm hệ thống giao thông được tổ chức duy tu sửa chữa thường xuyên, kịp thời khắc phục sạt lở đảm bảo giao thông thông suốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của huyện; Điện sinh hoạt nông thôn được đưa đến các xã, đến nay có 15/16 xã có điện lưới Quốc gia đạt 93,7% trong đó 51% số hộ dân được sử dụng điện; trường học các cấp từng bước được xây dựng theo chuẩn, trong đó có 06 trường đạt chuẩn quốc gia; Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố có 6/17 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, tổ dân phố có nhân viên y tế thôn bản, cơ bản đáp ứng được công tác phòng, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân;
Các công trình cấp nước sinh hoạt từng bước được đầu tư xây dựng từ các ngồn vốn đến năm 2015 toàn huyện có trên 80% người dân được sử dụng nuớc hợp vệ sinh; Công tác vệ sinh môi trường sinh thái vùng nông thôn được chú trọng trong đó tập trung vào việc di chuyển chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà (trong 5 năm qua đã có trên 2.000 hộ gia đình di chuyển chuồng trại tách biệt với nhà ở).
Chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo và có chuyển biến tích cực, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 7% ( theo chuẩn nghèo cũ), Thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng 10 – 12% đến năm 2015 đạt 14 triệu đồng/ năm; Nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Chương trình được nâng lên; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, tăng cường; diện mạo nông thôn từng bước được đổi mới; đời sống của nông dân tiếp tục được cải thiện, an sinh xã hội đảm bảo.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, năm 2016 Đảng bộ, chính quyền huyện tập trung chỉ đạo các phòng, ban, các xã chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, nhân dân về các chính sách XDNTM. Khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân chủ động tham gia, tạo được phong trào thi đua rộng khắp trên địa bàn toàn huyện.
Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn cho việc xây dựng NTM bằng các chương trình hỗ trợ sản xuất như Nghị quyết 30a/CP, Chương trình 135, Quyết định 102/CP huyện Bảo Lạc đã tổ chức hỗ trợ sản xuất cho nhân dân chuyển đổi 1.000 ha lúa thuần sang lúa lai, 397 ha ngô thuần sang ngô lai (với tổng số giống lúa, ngô lai cung ứng cho sản xuất là 7.947 kg giống ngô lai và 35.872 kg giống lúa lai các loại). Hỗ trợ 681 con bò cái sinh sản để bà con chăn nuôi phát triển tổng đàn, tăng thu nhập.
Theo bà Lãnh Thị Mai (Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Bảo Lạc): Trong chăn nuôi, trồng trọt, huyện đã xác định con bò, trồng dâu nuôi tằm, cây trúc sào, cây hồi là những cây trồng, con nuôi thế mạnh của địa phương trong phát triển nông nghiệp.
Trong những năm qua từ các Chương trình hỗ trợ sản xuất, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp & PTNT phối kết hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn rà soát, xác định nhu cầu xây dựng kế hoạch hỗ trợ các giống cây trồng, vật nuôi là thế mạnh của địa phương hỗ trợ cho bà con nông dân. Đồng thời hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Từ nguồn vốn và con giống hỗ trợ từ chương trình nhiều hộ gia đình đã phát triển đàn bò lên tới hàng chục con, kết hợp với trồng trúc sào cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm (hiện nay huyện có 1.892,86 ha trúc sào, trong đó diện tích đã được khai thác: 750,5 ha) điển hình như gia đình Ông Đặng Phụ Lìn xóm Nặp Cốp xã Huy Giáp, Bà Sầm Thị Lẩy xóm Nà Nôm xã Hồng Trị.
Đặc biệt, theo chương trình hợp tác với huyện Nà Po (Trung Quốc) huyện đã xây dựng mô hình sản xuất “trồng dâu nuôi tằm” tại xã Cô Ba với qui mô diện tích ban đầu là 03 ha. Qua triển khai trồng dâu nuôi tằm tại địa phương đã chứng minh cây dâu là cây trồng chủ lực để huyện chỉ đạo bà con chuyển một số diện tích đất nương rẫy kém hiệu quả sang trồng dâu làm thức ăn cho tằm. Qúa trình theo dõi, đánh giá thấy cây dâu sinh trưởng phát triển tốt.
Mặt khác, việc đầu tư sản xuất trồng dâu, nuôi tằm không quá lớn, nhanh cho thu hoạch. Cây dâu, con tằm của Bảo Lạc thực sự có cơ hội nhân rộng trở thành hàng hóa. Sau 3 năm sản xuất từ diện tích ban đầu là 03 ha nay diện tích đã nhân rộng lên tới 95 ha được trồng chủ yếu tại các xã Hồng Trị, Bảo Toàn, Khánh Xuân, Thượng Hà và dự kiến phát triển từ nay đến năm 2020 nâng diện tích trồng dâu nuôi tằm lên khoảng 200 ha.
Từ những mục tiêu, định hướng này huyện Bảo Lạc phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới từ 01 – 02 xã vào năm 2020. Bình quân mỗi xã đạt 7 tiêu chí trở lên theo bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Dự kiến là các tiêu chí: Qui hoạch (TC 1), Chợ nông thôn, Bưu điện (TC 15), Văn hóa (TC 16), Hệ thống chính trị trật tự xã hội (TC 18), An ninh trật tự xã hội (TC 19), Giáo dục (TC 14)..... Đời sống của dân cư nông thôn ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 22 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân trên 4%/năm.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ích Chánh (Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc) chia sẻ: Dù huyện còn nhiều khó khăn nhưng cấp chính quyền huyện sẽ lãnh đạo cùng nhân dân vượt khó vì mục tiêu phát triển kinh tế. Ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông, giáo dục, thủy lợi, y tế, điện sinh hoạt. Huyện cũng xác định phát triển lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi là chủ lực. Hình thành vùng trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với thế mạnh và quyết tâm sớm đưa xã điểm Huy Giáp về đích theo Chương trình NTM...
Trần Hải / KD&PL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét