Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Hấp dẫn... “Lẩu vỉa hè”
Nghe có vẻ “quê” khi là dân thành phố mà chưa ra quán “lẩu vỉa hè” bao giờ. Không chỉ riêng tôi, mà khá nhiều người cùng suy nghĩ: “Có tuổi” rồi, ngồi đâu mấy chỗ vỉa hè của giới trẻ. Trong lần làm khách mời không thể chối từ, tôi có điều kiện “mục sở thị”, để tận hưởng thứ lẩu dân dã. Câu chuyện đi từ các món rau, thành phần gia vị đến chủ quán và các “thượng đế” hằng đêm cũng có những chuyện thú vị để kể.
    ĐỘC ĐÁO QUÁN LẨU VỈA HÈ
    Hỏi thăm tình hình kinh doanh của cô bạn mở nhà hàng lẩu trên địa bàn Thành phố từ nhiều năm nay, tôi nghe phân trần: Ôi giời, chán lắm. Khách chạy ra quán vỉa hè hết rồi. Nhất là các đội đến ăn với tinh thần “cam pu chia” ấy, mỗi người cũng chỉ từ 150 đến 200 nghìn đồng. Chưa biết đến bao giờ “mốt” vỉa hè mới hết đây.
    Lẩu "vỉa hè" thu hút nhiều thực khách về đêm trên địa bàn Thành phố.
    Theo một số người “nghiền” vỉa hè thì thời giá đắt đỏ, thu nhập eo hẹp nên những quán bình dân, quán vỉa hè trở thành bến “tập kết” lý tưởng. Bởi giá cả phải chăng nhưng đồ nhậu không kém phần độc đáo, mà thoáng đãng. Tuy chỗ ngồi không đẹp, độ sang không bằng, nhưng nhờ chất dân dã mà quán ngày một lên ngôi. Là người thường tụ tập bạn bè sau giờ làm việc, anh Duy Linh, cư trú trên địa bàn Thành phố bày tỏ, cả năm nay không còn lui tới các nhà hàng “máy lạnh” như trước kia. Thời buổi kinh doanh khó khăn nên “túi không còn rủng rỉnh”, mọi khoản chi tiêu đều phải hạn chế. Thay vì vào các nhà hàng sang, nhóm bạn nhậu của anh chuyển dần qua quán bình dân, là trà đá, cà phê và lẩu vỉa hè.
    Khách ngồi vỉa hè thật đa dạng lứa tuổi. Một nhóm bạn lứa tuổi học sinh THCS xúm xít, nhiều bạn vừa ăn vừa khoe: Bọn cháu nhúng đến gần thùng mỳ tôm rồi. Ngồi đây vừa ăn, vừa ngắm người qua lại... Nhìn sang mâm bên cạnh lại thêm phát hiện. Một nồi lẩu canh chừng các con của các bậc phụ huynh. Đây không chỉ là “công cuộc” tiết kiệm, mà là một hình thức “cải thiện” thưởng ngoạn cho các cháu trong những ngày nghỉ.
    Chúng tôi đến quán Lẩu Phố (sát với Siêu thị Cao Bằng). Mặc dù mới hơn 18 giờ, lướt nhìn từ đầu đến cuối dãy, số bàn ghế bày xếp dài trên hai chục mét, nhiều mâm đã nghi ngút khói. Khách hàng đầy đủ các thành phần, lứa tuổi, thậm chí có cả khách nước ngoài.
    Được biết, vợ chồng chủ quán Lẩu Phố đều là viên chức Nhà nước. Họ còn rất trẻ. Nhận thấy kinh doanh vỉa hè đã và đang là “mốt” thời thượng, mà vốn đầu tư không nhiều nên hai vợ chồng tranh thủ sau giờ tan tầm đầu tư cho nghề “tay trái”. Mới đầu chỉ vài ba nồi. Bằng những tìm hiểu, cũng giống như bao nồi lẩu nơi quán xá, nào rau tươi, đậu phụ, nấm..., quán còn tìm những mặt hàng “độc” như gà “đi bộ” lông đen, chân đen, xương đen..., đậm chất vùng cao. Mọi thứ được bưng ra trên một chiếc mẹt mi ni rất hấp dẫn, gồm trứng gà non, tim, kê, thịt gà đen, chim bồ câu... Mới chỉ lướt qua thôi cũng đã hài lòng. Chưa kể đến một nồi khá “hoàn chỉnh” thế này có giá trên 500 nghìn đồng. Còn nếu bình dân hơn chỉ có giá từ 250 đến 300 nghìn đồng. Thêm rau, thì cứ 15 nghìn đồng một rổ, còn nước dùng gọi thoải mái.
    VỈA HÈ, NƠI MƯU SINH
    Vào ngày lễ, nhiều quán lẩu vỉa hè cho xuất từ 30 - 40 nồi lẩu. Với số lượng khách như vậy, mỗi quán cũng giải quyết việc làm cho khá nhiều lao động. Quán ít vài ba người, quán đông có tới 6, 7 người chạy bàn. Công việc chủ yếu từ 17 giờ đến hơn 22 giờ; mức lương từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Do quán đông khách nên doanh thu không hề nhỏ. Không hẳn đến với quán vỉa hè là người ít tiền, mà đúng ra là người biết tiêu tiền, nên vừa phải rẻ, vừa ngon để thu hút khách hàng. Hơn nữa, các sản phẩm chế biến đều phải tìm được đầu mối tận gốc, xây dựng cho mình một ấn tượng để khách hàng nhớ tìm về.
    Trên địa bàn Thành phố, ngoài Lẩu Phố, còn Nhất Lẩu, Lẩu phố Cũ, lẩu 250k..., mỗi quán đều có một loại đồ nhậu khá độc đáo, giá rẻ, mỗi lần ăn chơi “kiểu đường phố” cũng tiết kiệm vài trăm nghìn đồng. Có lẽ đây là lý do đầu tiên vì sao vỉa hè lại đông đến thế. Một chị tên Hồng, thành thật: Lúc đầu ngồi vỉa hè cũng thấy ngại nhưng đi nhiều thành ra nghiện. Trong bối cảnh kinh tế khó nhăn, quán bình dân đang lên ngôi bởi hợp túi tiền của đại bộ phận người lao động. Chính vì thế, các quán này đang hút được một khách lớn từ các nhà hàng sang chuyển qua. Bí quyết duy nhất để hút khách vẫn là giá cả, nhưng không vì thế mà bỏ qua chất lượng. Chỉ cần nấu không ngon một, hai lần là mất khách ngay.
    Không chỉ lẩu vỉa hè mà mặt hàng nào bán trên vỉa hè hiện nay đều đông khách hơn cửa hàng, cửa hiệu. Nó hội tụ nhiều lợi thế từ thời gian, chi phí, đến chất lượng đều được “cân đong đo đếm”. Với cách nhìn nhận đa chiều, thì vỉa hè là nơi mưu sinh của bao người. Ngoài đồ ăn, thức uống kinh doanh trên vỉa hè còn bao nhiêu nghề  “dựa” vào vỉa hè để tồn tại. Trong bữa lẩu vỉa hè hôm đó, tôi bắt gặp người hát rong. Trên tuyến vỉa hè tấp nập, lời ca như chạm vào cõi lòng để thấu hiểu và sẻ chia.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét