Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019

TƯNG BỪNG LỄ HỘI PHÁO HOA HUYỆN QUẢNG UYÊN

Hằng năm, cứ vào ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch, huyện Quảng Uyên lại tưng bừng tổ chức lễ hội pháo hoa truyền thống. Đây là lễ hội lớn nhất của huyện Quảng Uyên và là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh.
Tương truyền, sau khi đánh tan quân xâm lược, Nùng Trí Cao - một vị tướng người dân tộc đã chọn nơi đây để tổ chức khao quân mừng chiến thắng với tên gọi là Hội Pháo hoa. Từ đó, Hội Pháo hoa trở thành lễ hội truyền thống lớn nhất và lâu đời nhất của nhân dân các dân tộc huyện Quảng Uyên, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc địa phương gắn với yếu tố lịch sử đậm nét tâm linh của miếu Bách Linh.
Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ khai quang mở mắt rồng được tổ chức chiều 29 tháng Giêng, tại đầu nguồn Bó Cốc Chủ (Thị trấn huyện Quảng Uyên), với mong muốn rồng làm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu, người dân được ấm no, hạnh phúc. Sáng mùng 2/2, diễn ra lễ tế thần. Lễ rước thần gồm đoàn kiệu rước ảnh Bác Hồ, kiệu thần Thổ công, kiệu pháo hoa, kiệu rước lợn quay (phần thưởng cho đội thắng cuộc trong trò chơi cướp đầu pháo). Đoàn xuất phát từ miếu Bách Linh đến đền thờ Nùng Trí Cao, đền thờ Trần Hưng Đạo. Sau đó, rồng được rước qua các tuyến phố, các cơ quan trong khu vực Thị trấn để chào mừng Lễ hội. 

Lễ rước thần tại Lễ hội pháo hoa Quảng Uyên
Phần hội được tổ chức với chương trình văn nghệ, nhiều trò chơi dân gian đặc sắc và các hoạt động thi đấu thể thao (cầu lông, bóng đá), thi chim chào mào hót, chọi gà; ẩm thực; triển lãm ảnh quê hương, đất nước và con người Cao Bằng. Đặc sắc nhất trong phần hội là trò chơi cướp đầu pháo với sự tham gia của 17 đội thuộc các xã, thị trấn trong huyện. Theo quan niệm dân gian, đội nào tranh được đầu pháo sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc cả năm và đem lại vinh dự cho địa phương mình. Cuộc tranh đầu pháo diễn ra sôi nổi với tinh thần thể thao cao thượng, thu hút sự cổ vũ của đông đảo người xem.
Tranh đầu pháo tại Lễ hội

Lễ hội pháo hoa là lễ hội đông vui nhất tỉnh Cao Bằng được tổ chức vào dịp đầu xuân mang ý nghĩa mở đầu cho mọi hoạt động của một năm mới. Người dân cùng nhau cầu phúc, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, là lễ hội đẹp trong lòng thần, được lòng dân, được nhân dân truyền đời, bảo tồn và phát triển.
PVCBĐB tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét