Tuy “Cao Bằng” là vùng đất “cao” nhưng “bằng”. Nhưng để đi đến được vùng đất này là cả một kỳ công. Và cũng có thể ngày xưa, người xưa trẩy hội Cao Bằng là trẩy hội đến thác Bản Giốc. Và bao năm nay, lớp người lớn tuổi nghĩ đến thác Bản Giốc là nhớ đến bức ảnh đen trắng chụp một phụ nữ Tày, đội nón Tày đứng bên ngọn thác hùng vĩ ấy.
|
Thác Bản Giốc |
Nhưng đó là chuyện “xưa như trái đất” rồi. Ngày nay, đường đến Cao Bằng êm thuận và nhanh hơn rất nhiều. Từ Hà Nội, ta có thể chọn một tour vòng tròn. Lượt đi theo đường Lạng Sơn, qua Đồng Đăng, theo quốc lộ 4, qua Thất Khê, vượt đèo Bông Lau qua Đông Khê rồi đến Cao Bằng. Lượt về, đi theo đường quốc lộ 3 hướng Bắc Cạn, qua đèo Tài Hồ Sìn, đèo Cao Bắc, đèo Gió, về Bắc Cạn thăm hồ Ba Bể rồi xuôi về Hà Nội theo cao tốc Thái Nguyên. Hoặc mọi người sẽ đi theo hướng Bắc Cạn-Cao Bằng trước, lượt về sẽ là Cao Bằng-Lạng Sơn-Hà Nội. Rất nhiều gia đình đã chọn một tour du lịch như vậy.
Đi du lịch không có nghĩa chỉ du lịch ở điểm đến. Mà điều thú vị nhiều khi xảy ra trên từng cung đường. Xuân - Hạ - Thu -Đông, Sáng - Trưa - Chiều - Tối, mỗi mùa, mỗi thời điểm đều có những trải nghiệm riêng. Nhưng thôi, đó là câu chuyện dài dài của “du lịch ký”. Bây giờ, ta quay lại thành phố Cao Bằng, như vừa bừng tỉnh giấc ngủ say sau cung đường từ Hà Nội lên… Ra phố, chọn một quán phở vịt, món ăn truyền thống của người Tày Cao Bằng. Rau sạch, thịt vịt ngon béo, mấy miếng thịt quay thái mỏng, hành củ rán giòn...với ít bánh phở khô trần chín... Xong một bữa sáng, lên đường vào Bản Giốc...Sương mù còn bảng lảng, núi gần núi xa, mùa xuân thì có hoa đào hồng đỏ, hoa lê trắng muốt. Mùa hè các loại cây rừng xanh mướt. Đi vào mùa gặt lúa chín vàng trải dài theo chân núi. Đi vào dịp tháng Ba hoa gạo đỏ rực một góc trời. Đèo Mã Phục, đèo Khau Liêu được hạ độ cao, đi như giữa đồng bằng Thanh-Nghệ... Không muốn theo đường cũ, đến Thông Huề ta có thể đi theo triền sông Bác Vọng, qua các xã Trung Phúc- Cảnh Tiên đến thị trấn huyện lỵ Trùng Khánh, để ngắm những cọn nước lớn kẽo kẹt quay đều đưa nước vào ruộng.
|
Mùa xuâna đã về |
Đàm Thuỷ đây rồi. Đường vào Bản Giốc đây rồi. Với tâm trạng nao nức, ta bỏ qua điểm du lịch động Ngườm Ngao với những nhũ đá không kém động Phong Nha Kẻ Bàng, bỏ qua đoạn đường dưới chân núi Cò Muông nơi con sông Quây Sơn đến đây hạ độ cao đột ngột, tạo thành ngọn thác Bản Giốc hùng vĩ...Không thấy tiếng ầm ào, từ xa, thác Bản Giốc trông như một bức tranh thuỷ mặc, quyến rũ đến lạ thường. Thác chính đã đẹp, thêm mấy ngọn thác nhẹ bên phía Việt Nam lại càng đẹp hơn.
Thác Bản Giốc mùa nào cũng đẹp. Mùa khô, khi những mảnh ruộng dưới chân thác khô hạn, ánh lên màu cỏ úa, những dải nước như những dải lụa mềm khe khẽ chảy xuống. Mùa mưa, mùa gieo cấy, là lúc những thửa lúa đang thì con gái thơm thơm mùi thơm quyến rũ, càng nô đùa, lúa càng thơm, ba ngọn thác lớn tung bụi nước trắng mờ cả một khúc sông. Những hôm nắng đẹp, từng vệt nước ánh lên màu xanh của đất và trời. Có cảm tưởng mỗi giọt nước chứa đựng cả trời mây trong đó. Những hôm nước không lớn, bạn có thể bám theo từng mô đá, đi gần đến chân thác. Ngồi trên bãi đá mà ngắm dòng Quây Sơn đang chảy về xuôi, trước khi quay sang biên giới, trở lại nơi ngọn nguồn mà nó sinh ra.
|
Tuổi hoa đến trường |
Từ trạm biên phòng Bản Giốc, nơi có một bãi để xe rộng, xuôi theo triền núi xuống thác Bản Giốc, mùa nào thức nấy, ta có thể mua làm quà vài món đồ thủ công mỹ nghệ của đồng bào đem bán, hoặc mớ rau sạch, con lợn béo... Sẵn có bãi sông rộng, bẳng phẳng, cả đoàn ngồi lại nghỉ ngơi, giở cơm nắm muối vừng ra ăn, hay nổi lửa nấu cơm, nướng thịt, nướng khoai... (nếu mang theo bếp ga và đồ ăn thức uống...). Trong lúc lũ trẻ con tung tăng chạy nhảy, người không phải lo nấu cơm có thể quây quanh vài ông già người Tày, với cây đàn Then, hát một điệu then ca ngợi cảnh đẹp quê hương...
Thời gian trôi thật nhanh. Xong bữa cơm trưa ta lên thắp hương chùa Phật tích Trúc Lâm sừng sững trên núi cao, xuống động Ngườm Ngao rồi xuôi về Cao Bằng, để ngày hôm sau chọn tour Pắc Bó-Hà Quảng hay Khu rừng Trần Hưng Đạo-Nguyên Bình.
Nhưng đó là chuyện của ngày hôm sau, chuyện của một tour khác. Trải nghiệm thú vị nhất có lẽ nên chọn đến Bản Giốc vào buổi chiều tà, nghỉ lại ở khu du lịch nghỉ dưỡng Sài Gòn-Bản Giốc, đêm nằm nghe chuông chùa trôi giữa thinh không, đốt một đống lửa trại và lắng nghe những âm thanh của núi rừng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét