Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

Nậu bjoóc hom Đoỏng Có

Trong không khí ấm áp của những ngày xuân năm mới, chúng tôi về thăm huyện Thông Nông, gặp bà Hoàng Thị Nhình - người đã cống hiến hết mình trong phong trào diệt giặc dốt, giặc đói, “Ba đảm đang”, “Ba sẵn sàng”, “2 tốt”… trong kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Bà từng được Quân khu Việt Bắc (Quân khu 1) thực hiện bộ phim tài liệu với tên gọi “Nậu bjoóc hom Đoỏng Có” (bông hoa thơm ở Đoỏng Có). Cái tên này đã gắn với bà Nhình đến nay và được bao thế hệ huyện Thông Nông kể lại với niềm tin yêu, tự hào.

CHẮC TAY CÀY, VỮNG TAY SÚNG BẢO VỆ QUÊ HƯƠNG
Bà Hoàng Thị Nhình sinh năm 1947, tại xóm Đoỏng Có, xã Cần Yên (thuộc huyện Hà Quảng khi chưa tách huyện trước năm 1966 và huyện Thông Nông hiện nay) trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống yêu nước. Năm 1959, khi đã 12 tuổi, Nhình là người con gái duy nhất trong xóm đi học lớp 1 tại xóm Tả Bốc, cách nhà 5 km đường núi đá. Đi học chậm so với tuổi nhưng ham học, lại sáng dạ nên Nhình có kết quả học rất tốt. Năm 1963, Hợp tác xã (HTX) Đoỏng Có được thành lập, dù mới 15 tuổi và là học sinh lớp 3 nhưng bà con xã viên thấy Nhình nhanh nhẹn lại biết chữ nên tín nhiệm bầu vào Ban quản trị, kiêm thủ kho, Tổ trưởng Tổ Khoa học kỹ thuật phụ trách một đội lao động. Buổi sáng đi học, Nhình giao lại cho đội phó tờ giấy để ghi công điểm ngoài đồng. Đến trưa đi học về, Nhình ghi công điểm của bà con vào sổ rồi lại theo xã viên đi làm. Đến tối, họp xã viên, Nhình bàn công tác sáng mai, phân công nhiệm vụ cho xã viên; tan họp cố ôn bài để sáng hôm sau lại cắp sách tới trường. Cứ như thế, Nhình lãnh đạo đội mình sản xuất hoàn thành mọi nhiệm vụ. 
Năm học lớp 4, vì ở xã chưa có trường cấp 2 nên Nhình phải nghỉ học. Trong lúc đợi xã mở trường cấp 2, tự thấy trách nhiệm của mình là phải giúp bà con xóa nạn mù chữ, Nhình mở lớp xóa mù chữ tại xóm, sau đó, phong trào nhanh chóng lan rộng đến các xóm khác trong xã. Bà con ngày càng tin cậy Nhình. Từ năm 1964, Nhình được bầu làm Chủ nhiệm HTX kiêm Bí thư Chi đoàn Thanh niên xóm, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên xã Cần Yên, Ủy viên Ban Chấp hành Phụ nữ xã. Nhiệm vụ nào Nhình cũng hoàn thành tốt bởi luôn hết mình với công việc, có quyết tâm, mạnh dạn và tinh thần trách nhiệm rất cao. 
Trong những năm 1964 - 1969, Nhình không chỉ làm Chủ nhiệm HTX tốt mà còn là một Trung đội trưởng nữ dân quân xã Cần Yên can đảm, có ý chí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1964, tại xã Cần Yên mới chỉ có một tiểu đội nữ dân quân gồm 6 người được thành lập, Nhình làm tiểu đội trưởng. Nhình đã đến vận động, tuyên truyền, nói chuyện cho chị em phụ nữ hiểu đây là giai đoạn cả nước đang tập trung kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đàn ông đã đi bộ đội thì chị em ở nhà không chỉ thực hiện tốt phong trào “Ba đảm đang” làm hậu phương vững chắc mà còn cần hưởng ứng và làm tốt phong trào “Ba sẵn sàng”. Từ đó, các tiểu đội nữ dân quân khác trong xã lần lượt được thành lập, phát triển với nhiều hoạt động hiệu quả: Rèn luyện tay súng canh gác bảo vệ xóm bản; là lực lượng nòng cốt khi trên địa bàn xảy ra hỏa hoạn; bắt giữ mật thám… Từ năm 1965 - 1969, các tiểu đội nữ dân quân trên địa bàn xã đã phát triển thành Trung đội nữ dân quân xã Cần Yên do bà Nhình làm Trung đội trưởng.
Với nhiều thành tích trên các lĩnh vực nên từ năm 1963 - 1969, bà Nhình được tặng nhiều giấy khen, bằng khen các cấp, được kết nạp Đảng khi mới 19 tuổi; 7 năm liền là Chiến sỹ thi đua toàn tỉnh; được báo cáo điển hình tại Đại hội Thi đua mừng công toàn tỉnh (về phong trào “Ba đảm đang” của tỉnh). Năm 1966, Ty Giáo dục, Tỉnh đoàn Thanh niên lao động Cao Bằng phát động các trường học toàn tỉnh học tập và làm theo gương Hoàng Thị Nhình. Đặc biệt, năm 1967, bà được khen thưởng Chiến sỹ Thi đua Quyết thắng toàn quốc vì có thành tích vượt mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trung đội trưởng nữ dân quân xã Cần Yên; được Quân khu Việt Bắc tặng Bằng khen… Năm 1990, bà Nhình được Chủ tịch nước tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhất do có nhiều đóng góp trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đặc biệt, tháng 3/2015, bà Nhình là một trong 2 đại biểu của tỉnh vinh dự được tham dự cuộc gặp mặt, tri ân các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đại biểu tiêu biểu của “Đội quân tóc dài” và phong trào “Ba đảm đang” tại Phủ Chủ tịch; được nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đón tiếp nhân kỷ niệm 105 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ, 55 năm  “Đội quân tóc dài”, 50 năm phong trào “Ba đảm đang”. 
Ông Tô Hồng, nguyên Bí thư Huyện ủy Thông Nông nhiệm kỳ 1985 - 1990, trước đó có quá trình làm cán bộ huyện từ những năm 1964 cùng thời với bà Nhình trước và sau này, chia sẻ: Trưởng thành từ HTX Đoỏng Có, từ phong trào “Ba đảm đang” và là một phụ nữ giàu nghị lực, sau này, đồng chí Hoàng Thị Nhình tiếp tục thành công ở các cương vị khác nhau: Đại biểu HĐND huyện khóa V nhiệm kỳ 1968 - 1971; từ năm 1969 - 1973 học Trường Tuyên huấn Trung ương; 1973 - 1975, công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; 1975 - 1984, Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thông Nông; 1985 - 1996, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thông Nông…, đến năm 2002 bà Nhình nghỉ hưu. Được sự động viên của gia đình và sự tín nhiệm của cộng đồng, hiện bà Nhình tiếp tục tham gia công tác tại Hội Người cao tuổi tại thị trấn Thông Nông.
KỶ VẬT VÔ GIÁ CỦA CUỘC ĐỜI
Ngồi nghe bà Nhình sôi nổi kể lại kỷ niệm trong quá trình công tác cũng như được xem rất nhiều phần thưởng, chứng nhận, bằng khen của bà, tôi chợt chú ý trong một chiếc hộp nhỏ màu đỏ được bọc rất kỹ trong các kỷ vật của bà, bà bảo: Với tôi, đây là phần thưởng, là kỷ vật thiêng liêng và cao quý nhất được nhận trong cuộc đời. Đó chính là Huy hiệu Bác Hồ trao tặng năm 1966...
Giữa không khí sôi sục của những ngày “Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”, Hoàng Thị Nhình khi đó là chủ nhiệm HTX Đoỏng Có đã cùng chị em phụ nữ không quản ngại khó khăn, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, luôn đi đầu và làm nòng cốt trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như: Nhân giống mới cho xã viên, hướng dẫn chị em cấy theo lối mới, kinh nghiệm gieo cấy lúa xuân, kỹ thuật tưới tiêu, làm thủy lợi… Áp dụng khoa học kỹ thuật thành công và được mời sang các xã lân cận trong huyện để phổ biến kinh nghiệm. 

Bà Hoàng Thị Thanh, xóm Nà Ca, xã Cần Yên (Thông Nông), cùng tuổi với bà Nhình và là xã viên HTX Đoỏng Có bấy giờ, kể lại: Khi bắt đầu được bầu làm Chủ nhiệm HTX cũng là lúc Nhình học tiếp lớp 5 tại trường cấp 2 của xã. Nhiệm vụ học tập nặng nề thêm nhưng Nhình vừa học vừa làm tốt công tác chủ nhiệm với nhiều cách làm mới, đem lại nhiều lợi ích cho xã viên. Khi đó, HTX chỉ trồng lúa, ngô theo truyền thống nhưng thấy cây thuốc lá ở những huyện lân cận, như: Hòa An, Hà Quảng… đem lại giá trị kinh tế nên Nhình đã đề xuất HTX đem cây thuốc lá về trồng. Nhình tự dùng 30 đồng dành dụm được mua 1 vạn cây thuốc lá về trồng, hằng ngày tự chăm bón. Khi cây phát triển xanh tốt, Nhình giao lại cho HTX gần 700 cây không tính công điểm. Khi cây thuốc lá cho thu hoạch lại không có lò sấy, Nhình phải đi học cách làm lò sấy, vận động chị em lấy cây về dựng lò, tìm chảo về làm thay ống dẫn nhiệt và tự Nhình phụ trách kỹ thuật xây lò, sấy thuốc. Vụ thuốc lá đầu tiên bán được 1.200 đồng cũng là số tiền kiếm được lớn nhất của HTX. Từ việc làm này đến việc làm khác, dần dần Nhình chiếm được lòng tin của tất cả bà con xã viên. Nhiều người vẫn nói: Có Nhình làm Chủ nhiệm HTX không ai lo bị đói nữa.
Tin cô Nhình làm chủ nhiệm HTX giỏi lan ra toàn xã, rồi đến huyện, đến tỉnh, đến Trung ương và Bác Hồ nghe được chuyện đã gửi tặng Nhình Huy hiệu mang tên Người. Huy hiệu là phần thưởng cao quý, là nguồn động lực lớn lao để Nhình luôn cố gắng học tập, rèn luyện, phục vụ nhân dân thật tốt. 
Đến nay, dù đã nghỉ hưu nhưng với ý chí đã được tôi luyện nhiều năm qua, bà Nhình không ngại việc gì, hằng ngày tăng gia sản xuất cùng gia đình nuôi các con khôn lớn. Dù ở vị trí nào, nhưng trong lòng bà vẫn luôn rạng ngời niềm tự hào, không thôi nghĩ về Bác. Mỗi khi nhắc về Bác Hồ, về tấm Huy hiệu của Người, ánh mắt bà lại rạng ngời niềm tự hào và vui sướng lẫn sự xúc động. Những đóng góp của thế hệ cha anh đã quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của những người phụ nữ “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” như “Nậu bjoóc hom Đoỏng Có” Hoàng Thị Nhình đã làm nên những mùa xuân bất tận của dân tộc.
                                                                                                                                                                                 Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét