TP - Nhớ hồi đồng hồ còn là đồ vật quý hiếm, cũng giống như mọi nơi, quê tôi thường đón giao thừa bắt đầu bằng tiếng gà gáy. Hồi đó phố tôi, cái thị trấn Cô Sầu tận non nước Cao Bằng xa lắc, có một gia đình rất ưa nuôi gà trống gáy.

Minh họa: Đỗ Phấn
Minh họa: Đỗ Phấn
Đó là nhà lão Lâm. Nhà lão có thằng con tên Păn chạc tuổi tôi, nó rất hãnh diện mỗi khi được giúp cha chăm sóc đàn gà trống lông đỏ, điểm màu vàng chanh. Cả đàn con nào con nấy chắc nịch, bước đi oai vệ, cựa nhọn hoắt cong như mũi câu liêm, mào rực như giấy hồng điều. Thằng Păn bảo, cả nhà nó từ già tới trẻ đều mê gà, nhất là gà trống có tiếng gáy đĩnh đạc, ngân vang. Đàn cả trăm con có khi chỉ một con có tiếng gáy như thế. Hồi đó nhà nào cũng nuôi gà, mọi người đều ước nuôi được con trống có tiếng gáy như gà lão Lâm gia. Tiếng gáy mang đến may mắn cho con người ta phải là gáy phút giao thừa. Lão Lâm chắc nịch như thế. Lão còn bảo, nghe tiếng gà gáy người ta có thể biết nhà nào khá giả, nhà ai túng bấn nghèo hèn. Gà của kẻ khó, tiếng gáy nghe lép, đứt đoạn, kết thúc chuỗi âm thanh yếu ớt là tiếng ò ọ vớt vát hệt quả héo rụng lăn góc vườn, chầm chậm buồn bã. Tiếng gà gáy của nhà giàu sang nghe biết ngay, nó nổi bật bởi độ ngân vang, kiêu dũng và đĩnh đạc vô cùng. Âm ò ó o cuối cùng được nhấn mạnh và cong vút như cầu vồng mùa hạ. Đó chính là tiếng gáy mang đến tài, lộc cho một năm mới.
Tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu, lão Lâm luyện cách nào mà đúng phút giao thừa gà nhà lão bao giờ cũng cất tiếng gáy đầu tiên. Tiếng gáy oai vệ như kèn lệnh làm họ hàng nhà gà tức nhau đập cánh râm ran. Dân Cô Sầu bảo, con gà trống nhà Lâm như tư lệnh, khi đập cánh, vươn cổ tức thì quân tướng đồng thanh. Tiếng gà gáy báo cho các nhà náo nức đốt pháo tống cựu nghênh tân. Sắp mâm, đốt đèn bày ra trước cửa cúng tế trời đất. Cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lúc này cả thị trấn núi non bao bọc bỗng rực rỡ ánh đèn như đêm hội hoa đăng. Từng tốp người tay cầm đuốc, vai quẩy thùng rủ nhau ra mỏ nước chân núi Hiếu Lễ xin sơn thần, thổ địa gánh nước mới về. Giây phút này nước mới là vật chất thiêng liêng nhất. Từ bao đời, thứ đầu tiên đưa vào nhà lúc giao thừa của người Tày, Nùng phải là nước. Nước sẽ đem đến cho một năm mới sự ngọt ngào và an lành vô cùng. Chờ đổ nước vào ang xong, mọi người trong gia đình lại quây quần bên mâm cỗ, ăn mỗi thứ một chút để lấy lộc.
Trong tiết trời se lạnh, trẻ nhỏ háo hức đợi những đồng xu lì xì. Để rồi sớm mùng 1 tết chỉ được chơi trong nhà và ngoài đường, chứ nhất quyết chưa được bước chân vào nhà ai. Đó là điều kiêng kỵ, mục đích tránh xung tuổi với gia chủ, vì như thế năm mới sẽ gặp điềm không may. Trẻ nhỏ ngày tết thật sướng, từ mùng 2 tết chúng hồn nhiên vui chơi mà không lo ngại bị ai quấy rầy, trách mắng. Người Tày, Nùng không bao giờ đánh mắng trẻ nhỏ trong những ngày tết. Đánh mắng, nặng lời với chúng trong những ngày tết sẽ làm chúng đau ốm, bệnh tật quanh năm, học hành không tấn tới. Vậy nên những ngày này trẻ nhỏ là những con chim tự do, là mặt trời làm bừng thức muôn loài trong nắng xuân ấm áp.
Sáng mai mùng 1, các nhà sẽ mở cửa hồi hộp chờ lão ăn mày mà không phải ăn mày. Lão là người bình thường nhưng có nhiều chữ hơn người. Lão tự nguyện khoác lên bộ quần áo cũ rách, lần lượt đến các nhà khai vài xuân. Chúc cho trẻ già một năm mới bình an, thịnh vượng, vô cương. Trẻ nhỏ sẽ thả vào trong chiếc thu xáu đan bằng cật giang đeo bên hông lão những đồng xu lẻ. Chỉ cần một đồng xu thôi, sẽ được nghe sướng tai một bài thơ chúc phúc và sẽ được dán lên cánh cửa một tờ giấy điều với những chữ nôm Tày đẹp như phượng múa. Không khí tết cứ ngất ngây, ngất ngây.
Ngày mùng 2 rồi mùng 3, mùng 4... Tết mới thật là tết, xuân mới thật là xuân. Trai tài, gái sắc, già trẻ lớn bé tốp năm, tốp bảy kéo nhau từ nhà này sang nhà khác. Xóm này tới xóm kia, quần áo mới, giày dép mới đưa những nét mặt tươi rói đến chật sân, chật cửa tay bắt mặt mừng, chúc nhau lời hoa, lời nụ. Những người thường ngày mình vẫn gặp trong xóm phố, thường ngày vẫn cùng lam lũ sao hôm nay mới lạ, đáng yêu. Lại sướng nhất vẫn là trẻ nhỏ, chúng tha hồ được người lớn mừng tuổi, những đồng xu trĩu cả túi quần. Trai gái nô nức vui xuân. Đường xuân đi khiến người ta không còn nhớ đến giờ giấc, quên cả bữa ăn. Rượu men cỏ nhiều như nước khiến tâm hồn lúc nào cũng lâng lâng, bay bay. Khái niệm vui tết mới thật là đây. Nhưng vui chơi mãi, uống mãi cũng đến lúc mỏi chân, rỗng bụng. Đói chẳng cần về nhà sắp bữa, gặp đâu ăn đó. Những ngày tết nhà nào cũng nấu sẵn một nồi cháo gà nóng hổi, một nồi cơm đầy, bánh chưng sẵn đấy cứ bóc mà ăn. Lạp xường treo lủng lẳng gác bếp cứ tự cắt xuống mà nướng. Tết nay ai xông nhà mình đều là quý nhân. Nhà thực khách càng đông, năm mới làm ăn càng phát tài. Nhưng tết đến chủ nhà đâu chịu để khách nhạt miệng. Chặt ngay con gà nấu món canh gừng hạt dổi ăn cho lại sức. Chỉ nghe chủ nhân nói đến thế, thực khách đã bừng lên như cáo ăn đèn. Có thể nói đây là món ăn tuyệt ngon của quê tôi. Nó đứng vào hàng thứ mấy trong thế giới ẩm thực thì không biết, nhưng tôi dám chắc, đây là món ăn lạ và khoái khẩu nhất trần gian.
Món này dân Cô Sầu nhà nào cũng biết nấu, nhưng nấu ngon và cầu kỳ hấp dẫn không ai qua mặt được bếp Nhì. Bếp Nhì là bố thằng Nhiêu, bạn tôi. Tài nấu ăn của ông nức tiếng khu Việt Bắc. Ấy là năm 1962 ông đã đoạt giải vàng về món canh gà gừng hạt dổi. Món này tôi và lũ bạn từng được lão khoản đãi. Tết ấy thấy lão hăng hái vào bếp, tôi liền dè dặt đến ngó. Thấy tôi tò mò, lão cười và nói: - Cháu à, món gà nấu canh gừng hạt dổi nhất định phải là gà giò. Sau khi làm lông, bỏ ruột, rửa sạch, gà sẽ được chặt thành từng miếng vừa ăn. Trước khi chế biến ướp thịt gà với gừng già, hạt dổi giã nhỏ và rượu ngô trong khoảng mươi phút. Canh này nấu bằng chảo gang mới thơm hương, đậm vị. Chảo bắc lên bếp phải rực như đuốc. Chờ chảo nóng ran, sẽ cho chút mỡ vào. Thấy mén khói xanh ấy là mỡ đã già, sẽ cho thịt gà xuống đảo. Khi thấy da gà xoăn là thức ăn đã chín. Vừa mau mắn bày cách chế biến, lão vừa biểu diễn tài nghệ thị phạm cho tôi xem. Đôi tay lão lúc nâng lên, khi hạ xuống điệu nghệ như diễn trò tung hứng. Chiếc bàn xản chạm thành chảo vang coong keng, coong keng nhịp nhàng như khúc nhạc vui. Mùi thịt gà quyện hương rượu, gừng, hạt dổi thơm nức khiến miệng tôi ứa nước bọt. Nào đã được ăn ngay, chờ thêm chút nữa. Lão đang chuẩn bị thực hiện công đoạn cuối. Nghe tiếng mỡ ran trong chảo, lão cẩn thận chế nước cho ngập thức ăn, rồi đậy vung lại, chờ canh sôi. Có lẽ đây là đoạn quan trọng nhất làm nên món ăn đặc biệt này. Khi chảo canh sôi bùng, lão nhanh tay rót nửa ly rượu ngô, rưới vào. Cũng nhanh như lúc rưới rượu, lão lấy muôi gỗ múc thức ăn ra bát. Giờ mới là lúc thưởng thức. Mùi gừng, rượu, hạt dổi quyện với hương vị tuyệt hảo của thịt gà non hôi hổi bỗng lan khắp mọi ngõ ngách cơ thể. Cái giá lạnh trong thân ta, bên ngoài ta bỗng tan biến. Thay vào đó là cay nóng như lửa hồng, chăn ấm, như da thịt chồng vợ, người yêu với người yêu nồng nàn và thỏa thê. Còn nhớ mãi cảm giác lúc ấy, tôi thấy mình như được nâng khỏi mặt đất, bay bay, bay bay, trời xuân như rộng hơn, sáng hơn, sương mây chợt như đang tan dần trong nắng ấm.
Xuân đã lại đến. Sáng xuân nay gợi bao thương nhớ ngày xưa. Lòng lắng lại, và nhận ra, ngày xưa cùng với thiên nhiên lặng lẽ nhả nhựa, cựa mình đón xuân, thứ khởi đầu phút giây thiêng liêng để muôn nhà biết thời khắc dâng hương bái tổ cầu được sức khỏe, hạnh phúc, bình an, tài lộc hóa ra là tiếng gà gáy. Âm thanh cao quý và thiêng liêng đó còn ngân vang mãi tận bây giờ. Bây giờ không còn tiếng pháo nổ tống cựu nghênh tân. Bây giờ các loại đồng hồ to nhỏ đã thay thế tiếng gáy của con gà trống nhà lão Lâm. Lão Lâm đã thành người thiên cổ. Bạn tôi, Nông Văn Păn, con trai lão liệu có còn nuôi gà trống gáy? Tôi bỗng thấy nhớ nó, nhớ đất Cô Sầu, một vùng đất nằm phía đông tỉnh Cao Bằng, nhớ đến lão Nhì bố thằng Nhiêu, giờ lão đã trở về bên kia bầu trời, nhưng món canh gà gừng hạt dổi lão nấu vẫn còn day dứt mãi trong lòng. Bao năm rồi sống nơi thị thành mà vẫn chưa một lần trở lại cố hương. Tôi bỗng thèm được nghe tiếng gà gáy trong đêm tất niên, tiếng gáy ngân vang cong vút như cầu vồng bảy sắc nơi quê nhà.
Tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu, lão Lâm luyện cách nào mà đúng phút giao thừa gà nhà lão bao giờ cũng cất tiếng gáy đầu tiên. Tiếng gáy oai vệ như kèn lệnh làm họ hàng nhà gà tức nhau đập cánh râm ran.

Sưu tầm