Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Con trai Hiếu Lễ - Người “kê cao” quê hương


Cuối tháng 12/1948, khi âm vang khẩu súng Sàng là của cụ lão du kích Hứa Văn Khải, ở làng Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu (Trùng Khánh) vẫn còn làm kinh hồn quân xâm lược Pháp tại đèo Liêu thì cũng tại làng Hiếu Lễ của dòng họ Hứa này có đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời. Để rồi 30 năm sau, khi nước nhà thống nhất thì anh rời quân ngũ “vội vàng về quê cưới vợ”, đó là Hứa Vĩnh Sước - Nhà thơ Y Phương.

    Năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, cũng như bao người con khác của quê hương Trùng Khánh, chàng trai Hứa Vĩnh Sước tình nguyện lên đường cứu nước. Là chiến sỹ của đơn vị đặc công, với nỗi nhớ quê hương da diết, sự cực nhọc rèn luyện của bộ đội đặc công thì những câu thơ giản dị nảy mầm và đâm chồi trong tâm hồn người chiến sỹ trẻ Hứa Vĩnh Sước. Bắt đầu từ đấy anh làm thơ, đến bây giờ anh đứng thứ 823 trong danh sách các nhà thơ nổi tiếng.
    Năm 1981, anh chuyển về công tác ở Sở Văn hóa - Thông tin Cao Bằng, cũng từ đây thơ anh phát tiết mạnh mẽ với một tâm hồn chân thật, trong sáng, với cách tư duy giàu hình ảnh mang đậm đặc trưng của người Tày Trùng Khánh. Thơ anh mộc mạc, giản dị xuất phát từ tình cảm gia đình mở rộng ra tình yêu quê hương, đất nước. Từ những kỷ niệm gần gũi, thiết tha qua lăng kính nhà thơ với lối dẫn dắt tự nhiên, có tầm khái quát cao, độc đáo mà nâng lên thành lẽ sống, thành tâm hồn dân tộc. Vừa làm vừa học, anh theo học và tốt nghiệp Trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam và Trường Viết văn Nguyễn Du. Đến nay, nhà thơ Y Phương đã cho ra đời những “đứa con tâm hồn” của mình như: Nói với con, Người núi hoa (1982), Tiếng hát tháng Giêng (1986), Đàn Then (1996), Lửa hồng một góc (1987), Lời chúc (1991), Chín tháng (trường ca 1998), Thơ Y Phương (2002), Thất tàng lồm (Ngược gió, song ngữ Tày - Việt 2006). Thơ anh đoạt các giải cao ở địa phương và Trung ương, đặc biệt là giải A cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1984 với bài thơ Tiếng hát tháng Giêng và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
    Thơ Y Phương giản dị mà đằm thắm, gần gũi mà sâu xa. Anh giới thiệu về mình bằng thơ rất tự nhiên và giản dị: "Con là con trai của mẹ/Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ/Ba mươi tuổi từ mặt trận trở về/Vội vàng cưới vợ”. Nói đến những sáng tác của nhà thơ Y Phương, không ai không nhớ đến bài thơ “Nói với con” được in trong sách giáo khoa: “... Người đồng mình thương lắm con ơi/Cao đo nỗi buồn/Xa nuôi chí lớn/Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn/Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/Sống trong thung không chê thung nghèo đói/Sống như sông như suối/Lên thác xuống ghềnh/Không lo cực nhọc...”. “Người đồng mình” mộc mạc, giản dị, chăm chỉ làm ăn tất bật với công việc đồng áng quanh năm ở nơi đầy khó khăn, vất vả nhưng không chê “đá gập ghềnh”, “không chê thung nghèo đói”. Nhà thơ nói với con cũng chính nhằm nhắn nhủ, gửi gắm một triết lý sống là không bao giờ được từ bỏ và gục ngã trước những khó khăn của cuộc đời, gieo vào lòng người đọc nghĩa tình sâu nặng với quê hương đất mẹ. "Người đồng mình thô sơ da thịt/Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/Còn quê hương thì làm nên phong tục”. 
    Tác giả khẳng định với con cũng như người đọc rằng những người dân ở đây, người con của quê hương Trùng Khánh luôn lớn mạnh, hừng hực khí thế khắc phục mọi khó khăn gian khổ để xây dựng cuộc sống, quê hương ngày càng giàu đẹp “tự đục đá kê cao quê hương”. Lẽ sống “Con không chê cha mẹ khó” ám ảnh nhà thơ để rồi những sáng tác của anh được đẩy lên thành tình yêu quê hương, nơi mình được sinh ra, dù nơi ấy nghèo khó đến thế nào. Sự yêu thương gắn bó với quê hương gian khó là cội nguồn của tất cả mọi thành công. Những người con của quê hương Trùng Khánh đời nào cũng vậy, không những chăm chỉ, chịu thương chịu khó mà còn có chí lớn: “Cao đo nỗi buồn/Xa nuôi chí lớn” để “kê cao quê hương”. Nhà thơ nhắn nhủ với con điều này mong con mình mai sau cần kế thừa và phát huy đức tính tốt đẹp của ông cha. Đó là nghị lực phi thường của “người đồng mình” không chùn bước trước gian nan vất vả, luôn vị tha, nâng niu và trân trọng những gì mình có. Nhà thơ nói “người đồng mình” ở đây chính là những người con của làng Hiếu Lễ, những người con của quê hương Trùng Khánh đời nào cũng hiếu lễ với cha mẹ, với quê hương, đất nước mà chăm sóc, nâng niu, gìn giữ muôn đời.
    Nhớ đầu tháng 4/2003, nhà thơ Y Phương và tôi được Hội Nhà văn Việt Nam mời tham gia Trại sáng tác tại Điện Biên 15 ngày để chuẩn bị tư liệu viết cho dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trước khi đi, tôi có dịp vào thăm anh ở Hà Nội vì lúc này anh đang công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam. Bữa cơm chiều quây quần ấm cúng quanh mâm trúc giữa lòng thủ đô Hà Nội của nhà họ Hứa, nghe anh nói chuyện với vợ, với con, với tôi đều bằng tiếng Tày làm lòng tôi trào dâng tính tự tôn dân tộc. Rồi anh cười hì hì: nhẻn răng dè, phuối phan nhằng phuối khóp thiên hạ, phuối Tày dú thầư bấu đáy dè (xấu hổ gì, tiếng Anh, tiếng Pháp nói khắp thiên hạ, nói tiếng Tày ở đâu mà chẳng được). Trời ạ! Anh đã dạy tôi một bài học nhớ đời, từ đấy đến giờ mỗi khi gặp anh, hay gọi điện cho anh tôi không dám nói bằng tiếng Việt với anh nữa mà chỉ nói tiếng Tày. Nhà thơ Y Phương dù ở đâu, công tác trong lĩnh vực nào không những luôn ý thức “kê cao quê hương” mà còn “kê cao tiếng Tày”, “kê cao thơ Tày”, thơ mình ngang tầm quốc tế, hiện đại mà dân tộc. 
    Sau 15 ngày dự trại sáng tác tại Điện Biên, trước khi về, nhà thơ Hữu Thỉnh có nói với nhà thơ Y Phương: Y Phương này, mua vé máy bay cho Bốn cùng anh em mình về Hà Nội với. Anh nhận lời nhà thơ Hữu Thỉnh, nhưng vì tôi chỉ có thẻ hội viên, không mang theo chứng minh thư nên không mua được vé máy bay. Nhà thơ Hữu Thỉnh nói: Thôi, Bốn thông cảm vậy, khi khác nhé, Y Phương đưa tiền tàu xe cho Bốn. Y Phương mở ví lấy cho tôi 500 nghìn đồng cười hì hì nói bằng tiếng Tày: phjai kha câu tú nhằng mừa thâng ơ! (Đi bộ tớ còn về đến được). Thật là triết lý, về quê hương thì cần gì phải đi bằng máy bay, đi bộ còn được. Đó là ý chí, là sự kiên trì vượt khó khăn gian khổ luôn ăn sâu, ám ảnh nhà thơ mỗi khi nghĩ về quê hương đất mẹ.
    Vậy đấy! Y Phương là thế! Những người con của làng Hiếu Lễ, những người con của quê hương Trùng Khánh dù sinh cơ lập nghiệp nơi nào cũng luôn hướng về quê, về nơi chôn nhau cắt rốn, góp phần “kê cao” quê hương Trùng Khánh ngang tầm các huyện bạn để Trùng Khánh đủ sức, đủ lực, đủ mạnh làm phên dậu vững chắc cho đất Việt muôn đời.     
    Mông Văn Bốn

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét