Đối với người Tày Cao Bằng, gần như tháng nào trong năm cũng có ngày lễ, tết; mỗi ngày lễ, tết đều có nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau, nhưng tất cả đều hàm chứa những giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc. Điển hình có lễ khoăn khẩu - lễ thu hồn vía cho lúa.
Những cánh đồng lúa chín vàng ở Bảo Lạc. Ảnh: Kim Xuân |
Trong kho tàng tri thức dân gian của người Tày có rất nhiều phong tục, nghi lễ gắn với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước, như: khai vài xuân, cúng mỏ nước, cầu mùa, cầu mưa, diệt sâu bọ, khoăn vài - lễ thu hồn vía cho trâu, khoăn khẩu - lễ thu hồn vía cho lúa.
Lễ khoăn khẩu có hai ý nghĩa, gồm: lễ thu hồn vía cho lúa, lễ tạ ơn mẹ nước, nhờ mẹ nước cho trời làm mưa để tưới đồng ruộng, cho cây lúa phát triển tươi tốt và trổ hoa kết hạt trĩu bông. Trong dân gian, phong tục gọi hồn lúa của người Tày được tổ chức vào giờ Thìn đầu tiên trong tháng Tám hằng năm. Người Tày có câu: “Bươn Pét roọng khoăn khẩu, au mà tặt tềnh thản, bươn Cẩu rặp khẩu mà, chóm khẩu nòn đâư giảo”. Dịch nghĩa: “Tháng Tám gọi hồn lúa, về đặt trên bàn thờ, tháng Chín đón lúa về, ru lúa ngủ trong bồ”.
Để thực hiện nghi lễ “khoăn khẩu”, sau khi đã chọn được ngày Thìn đầu tiên trong tháng Tám, các gia đình chuẩn bị đồ lễ cúng. Đồ lễ gồm: 1 con vịt, 1 con gà, 1 đĩa xôi ngũ sắc, một ít bánh (tùy từng gia đình thích ăn loại bánh nào thì chuẩn bị loại bánh đó), bún hoặc phở, trái cây, rượu, vàng hương… xếp thành một mâm. Chủ lễ cúng là những bậc cao niên đàn ông trong gia đình, khi cúng phải mặc trang phục chỉnh tề (nếu trường hợp bất đắc dĩ nhà không có đàn ông thì phải nhờ người trong dòng họ cúng giúp). Thời gian cúng diễn ra đúng giờ Thìn, ngày Thìn (giờ rồng, ngày rồng). Trong tâm linh của người Tày, con rồng là một trong những con vật linh thiêng, nhờ có con rồng phun nước làm mưa, người dân mới có nước cày cấy. Trước hết, đặt mâm lễ trước bàn thờ tổ tiên để làm lễ cúng tổ tiên, báo cáo với tổ tiên rằng thời vụ đã vào thu, lúa ngoài đồng đã ra hoa kết đòng, báo hiệu mùa màng bội thu, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu luôn có cuộc sống no ấm. Sau lễ cúng tổ tiên, gia đình bê mâm lễ ra bờ ruộng của nhà mình (ruộng nhà ai nhà đó cúng) để thực hiện lễ cúng tạ ơn trời đất đã cho mưa thuận, gió hòa, cây lúa phát triển tươi tốt, nay lúa đã trổ hoa, kết bông và hóa vàng tại bờ ruộng. Trước khi hạ lễ trở về nhà, người ta tuốt lấy một ít lúa non mang về, rồi chia lúa ra làm nhiều túm đặt ở nhiều vị trí khác nhau: chân cầu thang, hai bên cửa nhà, bốn góc gác bếp, hai bên bàn thờ tổ tiên.
Trong bài khấn gọi lúa về nhà có câu: “Slam khoăn khẩu khửn đây, hả khoăn khẩu khảu tu, chất khoăn khẩu khửn sá, cẩu khoăn khẩu khửn thản”. Dịch nghĩa: “Ba hồn lúa lên thang, năm hồn lúa vào cửa, bảy hồn lúa lên bếp, chín hồn lúa lên bàn thờ”. Sau đó, bê mâm đồ lễ ra cúng thổ công ở đầu làng, cầu mong sơn thần, thổ địa phù hộ cho “dân cả bản, con cả mường” luôn bình an, ấm no; khi cúng xong, tại thổ công đầu làng các gia đình tổ chức bữa tiệc mừng “khoăn khẩu” với nhau vui vẻ.
Ngày nay, trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, tục lệ “khoăn khẩu” dần bị mai một theo thời gian. Chỉ còn lại một số địa phương, nhất là các xóm, xã ở vùng sâu, vùng xa vẫn duy trì lễ cúng này nhưng đã giảm bớt các thủ tục cầu kỳ, chỉ còn giữ lại những giá trị văn hóa có ý nghĩa nhân văn được đúc kết từ bao đời nay và truyền cho thế hệ sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét