Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

HÁO HỨC DỊP LỄ HỘI DU LỊCH THÁC BẢN GIỐC VÀ LIÊN HOAN HÁT THEN, ĐÀN TÍNH NĂM 2017

          Trong 2 ngày 7 - 8/10/2017, tại thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, lễ hội Du lịch thác Bản Giốc và Liên hoan hát then, đàn tính lần thứ nhất, năm 2017 sẽ diễn ra. Không chỉ nhằm quảng bá, giới thiệu hình ảnh quê hương, vùng đất, con người với những nét văn hóa đặc sắc gắn với tâm linh của huyện Trùng Khánh đến bạn bè trong nước và quốc tế, đẩy mạnh hoạt động quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh- quốc phòng, đây còn là ngày hội văn hóa du lịch, là cầu nối gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các vùng miền, góp phần tăng cường mối quan hệ láng giềng quốc tế, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của huyện ngày càng sâu rộng và bền vững. Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc được tổ chức đồng thời với Liên hoan hát then, đàn tính toàn tỉnh nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát triển loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của các dân tộc Tày – Nùng, tạo điểm nhấn thu hút phát triển du lịch. Đồng thời khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, làm phong phú đời sống xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ.
                          Thác Bản Giốc- “hòn ngọc” du lịch của nơi cội nguồn cách mạng
        Với tính chất đặc biệt như vậy, lễ hội lần này thu hút được sự quan tâm rất lớn từ đông đảo quần chúng. Theo dự kiến, tổng số khách mời và đại biểu tham gia Lễ hội khoảng 400 người. Tất cả các hoạt động của lễ hội được tổ chức đồng thời tại nhiều địa điểm trong Khu du lịch thác Bản Giốc. Cụ thể: Phần lễ được tổ chức tại Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc (do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì); phần hội được tổ chức tại sân bãi dưới chân thác Bản Giốc (do UBND huyện Trùng Khánh và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đồng chủ trì).
         Về với lễ hội Du lịch thác Bản Giốc năm nay, không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc kì vĩ của con thác tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á, du khách thập phương và đồng bào các dân tộc của tỉnh còn được đắm mình trong không gian văn hóa nghệ thuật của con người miền biên cương với nhiều hoạt động đặc sắc như: múa rồng, múa lân, các trò chơi dân gian (tung còn, lày cỏ, thi bóc hạt dẻ), các môn thể thao truyền thống (kéo co, đẩy gậy), giới thiệu sản phẩm du lịch, các ẩm thực đặc sản của địa phương (hạt dẻ, xôi ngũ sắc, xôi trám, lạp sườn, vịt cỏ nướng, các loại bánh, thạch trắng), triển lãm ảnh giới thiệu địa danh, phong cảnh còn nguyên sơ mới được phát hiện, biểu diễn văn nghệ, trình diễn thời trang dân tộc...Đặc biệt, chương trình giao lưu văn hóa quốc tế giữa huyện Trùng Khánh (Việt Nam) với 2 huyện Tịnh Tây, Đại Tân (Trung Quốc) nhằm tăng cường mối đoàn kết hữu nghị giữa hai địa phương biên giới cũng như giữa hai nước láng giềng.

        Đến thời điểm này, công tác tổ chức lễ hội đang được thực hiện với tinh thần khẩn trương từ chuẩn bị nội dung đến hình thức tuyên truyền, vận động, khánh tiết, hậu cần phục vụ và không thể thiếu công tác đảm bảo an ninh trật tự; hứa hẹn thực sự sẽ là một mùa lễ hội đầy vui tươi và lành mạnh, để lại những dấu ấn tốt đẹp khó phai trong lòng nhân dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét