Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

HƯỚNG ĐI NÀO CHO HẠT DẺ TRÙNG KHÁNH – CAO BẰNG

         Cuối tháng 9 trời bắt đầu lập thu cũng là lúc những cây dẻ ở huyện Trùng Khánh – Cao Bằng bắt đầu cho những hạt căng tròn với vỏ ngoài đượm màu nâu của đất, còn hạt bên trong thì vàng óng, tựa như một sự giao thoa, hòa quyện của trời và đất, của những gì tinh túy ngọt ngào nhất của vùng biên ải.
Hạt dẻ sống to mẩy, vỏ cứng, dày và có nhiều lông tơ
Năm nay dẻ được mùa, cứ đến chợ phiên các bà, các mẹ từ trong các làng, các xóm của huyện gồng ghánh đem hạt dẻ ra bán. Từng hạt to tròn được lựa ra riêng để bán với giá cao hơn, chỉ trong nửa buổi chợ nếu ai không nhanh chân thì chỉ có thể ngậm ngùi chấp nhận chờ tới phiên chợ sau. Hạt dẻ được trồng ở Trùng Khánh có một mùi thơm, bùi và vị ngọt riêng không nơi nào có thể có được, đã nếm là mê, là khó quên trong vị giác của người thưởng thức. Thế nên mới có những vần thơ:
Nghiêng ngả Trùng Khánh
Hạt dẻ bùi điệu hát Dá Hai
Em gái Tày ơi
Cho anh về Bản Giốc
Nước Quây Sơn trong như nước mắt
Khóc những ngày bão dông…
Trùng Khánh
Đàn tính với điệu then
Như hạt dẻ trộn nếp nương
Ăn một lần cả đời chỉ nhớ ...
(Trùng Khánh – Trần Nhương)
Một góc vườn hạt dẻ vào mùa
Cái hay cái đẹp, cái tinh túy của hạt dẻ đã đi vào cả từng câu ca lời hát, đi vào cả cái “thơ” đậm chất chữ tình của bao nhà văn nhà thơ tiêu diêu trong những khoảng không của nghệ thuật. Nhưng thực tại đâu có thơ, có nghệ thuật như vậy.Mấy năm trở lại đây vị thế của hạt dẻ Trùng Khánh đang bị thách thức bởi những bao tải hạt dẻ từ bên kia biên giới đang ùn ùn kéo về các chợ đầu mối để rồi sau đó tỏa đi khắp mọi miền nhưng vẫn được quảng cáo là “hạt dẻ Trùng Khánh xịn”.
Cũng không thế trách người mua, tiểu thương hay ai đó khi ta có thể khẳng định rằng “có cầu ắt có cung”, hạt dẻ Trùng Khánh chỉ rộ nhất là vào đầu tháng 9 cuối tháng 10, người dân tranh thủ thu hoạch hạt dù đắt hay rẻ cũng đem bán bằng hết nếu không cũng chẳng biết cách gì để bảo quản chế biến. Nhưng ngược lại phía bên nước bạn, nhờ khoa học công nghệ hiện đại quanh năm họ xuất sang đây cả nghàn tấn gắn mác hạt dẻ Trùng Khánh đem đi tiêu thụ khắp mọi miền đất nước.
Trăn trở là thế nhưng người nông dân cũng đành chịu vì ngoài bán hạt thô ra thị trường thì họ đâu biết cách bảo quản, biết cách chế biến thành những mặt hàng khác để bán ra thị trường như nông dân ở các nước khác. Tôi được dịp trao đổi với một chị bạn làm marketing cho một công ty ở Hà Nội có dịp lên Cao Bằng du lịch, chị kể đã đi Đài Loan và Pháp ở đó họ chế biến hạt dẻ thành nhiều món ăn rất hấp dẫn bán cho khách du lịch như: Bánh bao hạt dẻ, Bánh hạt dẻ, Chè hạt dẻ, Bánh quy...mỗi loại sản phẩm đôi khi chỉ là thức ăn đường phố nhưng chẳng bao giờ dưới 500k (Năm trăm nghàn đồng Việt Nam).
Một loại sản phẩm được làm từ hạt dẻ đang được bày bán tại thị trường Đài Loan
          Trùng Khánh – Cao Bằng với Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao không chỉ nổi tiếng trong nước mà cả khu vực và thế giới, một vùng còn rất nhiều tiềm năng khai thác về du lịch mà hầu như ai đến quê hương cách mạng Cao Bằng cũng đều một lần đặt chân đến. Phải chăng đã đến lúc tỉnh Cao Bằng cần quan tâm, tập trung nguồn lực khoa học hiện có để nghiên cứu sâu hơn nhằm phát huy tiềm năng của hạt dẻ Trùng Khánh, giúp mặt hàng này có thêm nhiều sản phẩm phong phú đa dạng hơn, cùng với đó sẽ là một hướng đi thích hợp cho việc phát triển thương hiệu “Hạt dẻ Trùng Khánh”, nâng cao vị thế và chỗ đứng trên thị trường nhờ đó đưa nông dân thoát nghèo nhờ cây hạt dẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét