Lễ khai giảng năm học 2017- 2018 của Trường Tiểu học Bản Là, xã Thái
Sơn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng
Mùa đông ấm áp của các em học sinh vùng cao
Ngày khai giảng năm 2017- 2018 đã đi qua, nhưng dường
như dư âm vẫn còn đọng lại, đơn giản chỉ bởi sự xuất hiện của những hoàn cảnh,
những hình ảnh thực sự lay động trái tim. Dư luận thời gian vừa rồi không khỏi
xôn xao với bức ảnh lễ khai giảng đơn sơ của thầy và trò trường Tiểu học Bản
Là, xã Thái Sơn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Trên nền đất ẩm ướt còn nhiều vũng
nước, khoảng 40 em học sinh ngồi xổm, dưới mái hiên là đại diện một số ban
ngành địa phương và thầy cô giáo ngồi bàn ghế dự khai giảng. Bức ảnh đã được
lan truyền nhanh chóng, rộng khắp trên nhiều trang mạng xã hội và gây ra nhiều
tranh cãi trái chiều ngay khi xuất hiện. Phê bình gay gắt cũng có, cảm thông
chua xót cũng có.
Giải thích về sự việc này, Hiệu trưởng của trường cho biết
cụ thể: “Đầu tháng 7 năm nay, nhà trường được đoàn thiện nguyện dưới xuôi lên
khởi công xây dựng một dãy lớp học và láng sân trường. Tuy nhiên, thời gian
qua, vì thời tiết mưa bão, nhiều đoạn đường vào trường bị sạt lở nghiêm trọng
khiến cho quá trình chở vật liệu vào để xây cũng bị ngưng trệ, việc thi công
không thể đạt kịp trước ngày khai giảng cho các em. Hơn nữa, do điều kiện sân
bãi chật hẹp và nhiều vũng nước nên không thể kê bàn đại biểu ra ngoài sân, buộc
phải kê lên hiên thì các em mới có chỗ xếp hàng. Đa số các thầy cô giáo, các em
học sinh và các bậc phụ huynh không có chỗ ngồi, người thì đứng, người thì ngồi
trên đống đá, trên hiên nhà và cả trong lớp học. Việc để các em ngồi phía dưới
nền sân ẩm ướt còn thầy cô ngồi trên hiên là do sân chật chứ không phải thầy cô
bỏ mặc các em như một số ý kiến trên mạng…Hầu hết các em học sinh đều có ghế ngồi,
chỉ riêng vài ba em ở cuối hàng thiếu ghế vì những lý do chủ quan (mất ghế, phụ
huynh chưa kịp đóng ghế cho các em). Còn về việc một đại biểu của huyện đến dự
lễ khai giảng chụp ảnh đưa lên mạng xã hội gây dư luận không hay về trường là
phiến diện, chưa bộc lộ được toàn cảnh quan của trường”.
Người trong cuộc còn đang trăn trở, gồng mình vượt qua
khó khăn là vậy, thì chúng ta, những người chưa chứng kiến tận mắt, chỉ thấy được
qua màn hình, thay vì vội vàng phê phán, thậm chí lên án cả một nền giáo dục
thì nên chăng có cái nhìn khách quan, đa chiều hơn.
Trên con đường gập ghềnh sỏi đá, thầy trò vùng cao vẫn miệt mài đi tìm cái chữ
Bên cạnh những thành tựu, những cống hiến lớn lao mà
ngành giáo dục của ta đã làm được trong những năm vừa qua thì không thể phủ nhận
rằng vẫn còn rất nhiều gian nan, thách thức phải đương đầu. Do điều kiện địa
lý, phong tục tập quán, đặc thù công tác ở từng vùng miền là khác nhau nên
chính sách giáo dục và chế độ dành cho thầy trò từng vùng cũng cần có sự cân nhắc
phân bổ sao cho hợp lý. Đối với giáo viên đang công tác tại địa phương miền
núi, nhất là những huyện, xã nghèo ở vùng sâu vùng xa, họ đã là những người thiệt
thòi nhưng vì chữ tâm của nghề giáo mà họ sẵn sàng vượt qua khó khăn để hoàn
thành nhiệm vụ, động viên các em học sinh đi học đầy đủ, cải thiện được khả
năng tiếp thu kiến thức của các em so với các bạn cùng lứa ở miền xuôi. Nếu
không có tình thương và nhiệt huyết ấy thì dám hỏi, mấy ai trong chúng ta làm
được. Cho nên, hơn ai hết, những giáo viên và học sinh ở nơi đây cần được quan
tâm nhiều hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Biết được thực hư hoàn cảnh ấy, mỗi
người trong chúng ta không nên chê bai, trách cứ hay đổ lỗi cho bất cứ điều gì,
bất cứ ai trong bức ảnh. Nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành
phần ai”, những thầy và trò nơi đây rất cần những sự cảm thông, động viên và sẻ
chia từ cộng đồng. Bằng những hành động thiết thực, chúng ta có thể giúp đỡ để
thầy trò trường Tiểu học Bản Là và nhiều trường học khác ở vùng sâu vùng xa có
được môi trường học tập tốt hơn, khang trang hơn và tương lai các em sẽ được
đón những lễ khai giảng đủ đầy hơn.
Khoảnh khắc nô đùa sảng khoái của các em sau giờ học
Nhóm PV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét